» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Làng nghề

thu nhỏ | phóng to

20/05/2011

LÀNG GỐM VÂN SƠN


Từ thị trấn Đập Đá huyện An Nhơn đi ngược về hướng Tây chừng 2km, làng gốm Vân Sơn là một trong những làng nghề cổ nhất của tỉnh Bình Định chuyên sản xuất gốm đất nung với những sản phẩm phục vụ đời sống thường ngày như ang, chậu, nồi, niêu, ấm, lò…

a

Nguyên ngày xưa trung tâm làng nằm sâu trong xóm An Xuân thuộc thôn Nhạn Tháp nhằm khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ. Sau này do nguồn nguyên liệu đã đến hồi cạn kiệt, làng gốm được dời về Vân Sơn ngày nay. Hiện nay nguyên liệu tại Vân Sơn cũng không còn nên làng gốm phải sử dụng nguồn đất sét lấy từ Bình Nghi thuộc huyện Tây Sơn.

 a

Để làm ra sản phẩm, đất lấy từ bãi khai thác phải được nhào đạp cho dẻo quánh, tiếp đến phơi khô, tán nhuyển rồi rây để loại bỏ tạp chất. Loại “bột đất” này sau đó được cho vào nước ủ một ngày đêm trước khi nhồi, đạp để làm thành loại nguyên liệu có đủ đặc tính mềm, dẻo, mịn… sẵn sàng cho việc tạo hình. Với sự hỗ trợ của chiếc bàn xoay truyền thống và đôi bàn tay khéo léo, người thợ sẽ làm nên những sản phẩm thô tùy theo yêu cầu. Sau khi sản phẩm ráo mặt, người thợ sẽ dùng dao hay lá thép mỏng để miết lên bề mặt sản phẩm nhằm tạo độ láng và loại bỏ những chi tiết dư thừa, gọi là chuốt nguội, tiếp đến trang trí hoa văn nếu cần trước khi xếp trong mát để hong khô từ 3 – 5 ngày.

 a

Công đoạn “trồng lò” tức đưa sản phẩm vào lò nung đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm và kỹ thuật. Với một không gian giới hạn, người thợ phải biết tính toán làm sao để xếp được nhiều sản phẩm và quan trọng là các sản phẩm phải được chín đều, chưa kể phải sắp xếp thế nào để tiết kiệm thời gian và nguyên liệu đốt… Gốm Vân Sơn được nung chín chủ yếu bằng bổi chành rành, một loại cây mọc hoang trên những vùng đất đồi bazan lân cận, có chứa nhiều tinh dầu và những lý tính góp phần tạo nên màu đỏ tươi cho sản phẩm.

 a

Trải qua hàng trăm năm với bao thăng trầm cùng những biến thiên của thời cuộc, làng gốm Vân Sơn vẫn tồn tại. Những người thợ Vân Sơn với niềm tự hào về nghề truyền thống, vẫn chăm chỉ vượt qua những gian khổ nhọc nhằn của nghề nghiệp để đem lại cho đời những sản phẩm tươi nguyên màu gốm đỏ, rất đổi đời thường mà gần gủi, thân thương…

Mai Kim Thành     

Ảnh: Phạm Kim Sơn (nguồn Tuổi Trẻ Online – 2.6.2009)

Danh mục nội dung