» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Lễ hội

thu nhỏ | phóng to

03/08/2011

CHỢ TÌNH KHÂU VAI


“Đợi anh hết mùa lanh, đợi anh qua mùa đào
Vượt đỉnh Mã Pí Lèng, ta tìm về với chợ tình Khâu Vai...”

Khâu Vai là một xã thuộc huyện Mèo Vạc, cách thành phố Hà Giang 188km về phía Bắc. Hàng năm cứ vào ngày 27-3 âm lịch, người dân quanh vùng đổ dồn về đây tham dự phiên chợ tình phong lưu của đồng bào H’Mông. Gọi là “chợ tình” bởi lẽ ở đây không có người mua kẻ bán, mà chỉ có những con người, những “tri âm tri kỷ” đi tìm gặp nhau cho thỏa niềm hoài niệm.

Trẩy hội chợ tình Khâu Vai – Ảnh: nguồn Báo Hà Giang

Không ai biết đích xác chợ phong lưu đã có từ lúc nào, có người phỏng đoán từ khoảng đầu thế kỷ 20 nhưng cái tên “chợ tình” thì chỉ mới có từ những năm 1990 khi nơi đây có khách du lịch đến tham quan. Liên quan đến chợ phong lưu, trong cộng đồng các dân tộc vùng cao lưu truyền một câu chuyện tình khá thú vị. Nguyên từ những năm xa lắm, có một người con trai H’Mông yêu một người con gái Giáy. Cuộc tình của họ đẹp như những bông hoa pơmu của núi rừng nhưng cũng thật éo le vì luật tục khắt khe đã dẫn đến sự hiềm khích của hai bộ tộc. Để tránh cuộc đối đầu đẫm máu, hai người trẻ đã buộc phải hy sinh tình yêu cho sự bình yên của bản làng. Tuy không nên duyên được với nhau nhưng hai người cũng đã hẹn ước sẽ nhớ mãi về nhau và mỗi năm một lần vào đúng ngày chia tay, họ sẽ tìm gặp lại nhau cho thỏa lòng mong nhớ.

Toàn cảnh khu chợ tình Khâu Vai – Ảnh: nguồn vietnamnet.vn

Sau này khi quan hệ giữa các bộ tộc trở nên gắn bó hơn, họ đã bỏ hẳn luật tục nghiêm cấm lấy nhau khác bộ tộc. Nhớ lại sự khắt khe đối với hai người trẻ năm xưa và cảm động trước mối thâm tình của hai người yêu nhau, người H’Mông đã chọn ngày chia tay và niềm ước hẹn của đôi bạn trẻ làm ngày đoàn tụ của bất cứ cuộc tình nào trắc trở, và ngày 27-3 âm lịch trở thành ngày hội của tình yêu, địa điểm hai người hẹn ước năm xưa cũng trở thành tụ điểm của niềm vui gặp gỡ, hình thành nên chợ phong lưu Khâu Vai.

Chợ tình Khâu Vai – Ảnh: nguồn vov.vn

Chợ phong lưu Khâu Vai bắt đầu từ tối 26-3 và kết thúc vào tối 27-3. Ban đầu là chợ hội của người H’Mông, nhưng lâu dần được các dân tộc hưởng ứng, trở thành phiên chợ hẹn hò, không chỉ để hâm nóng tình yêu cho những người lỡ nhịp tình duyên mà còn là cơ hội qúy báu cho những người trẻ tìm kiếm tình yêu. Điều kỳ diệu là ở Khâu Vai không có cảnh rình rập hay ghen tuông đố kỵ, cũng không chút mặc cảm tội lỗi, người đến Khâu Vai tự nhiên gặp gỡ người tình cũ, thỏa thuê tâm sự rồi khi chợ tan, họ lại trở về với nghĩa vụ làm vợ, làm chồng dưới một mái ấm gia đình, đợi đến phiên chợ tình năm sau (!). Trong ý nghĩa đầy tính nhân văn đó, có thể nói Khâu Vai là một phiên chợ độc đáo có một không hai ở Việt Nam và có lẽ khá hiếm hoi trên thế giới.

Đường xuống chợ – Ảnh: nguồn quehuongonline.vn

Ngay từ chiều ngày 26-3, trong những bộ váy áo đẹp của dân tộc mình, người người bất phân tuổi tác đã náo nức xuống chợ. Có người ở bản xa phải đi từ sớm, vượt qua ba, bốn quả núi đá tai mèo chênh vênh, năm, sáu con suối dữ gập ghềnh hay cả chục cua tay áo luôn rình rập hiểm nguy để kịp giờ đến chợ. Chen lẫn trong đám các chàng trai, cô gái H’Mông, Dao, Giáy, Lô Lô… ngày nay còn có cả những khách du lịch, tất cả họ đều trẩy hội Khâu Vai trong tâm trạng phấn chấn, phấp phỏng hy vọng vì cơ hội mỗi năm chỉ có một lần, là đêm hạnh phúc cho tình yêu thăng hoa…

Ảnh: nguồn vannghequangtri.blogspot.com

Trên nguyên tắc, chợ phong lưu Khâu Vai không có người mua hay kẻ bán. Trong khoảng mươi năm trở lại đây, do nhu cầu thực tế của một dịp tụ hội đông người, cũng đã có người mang cả hàng hóa đến chợ nhưng chỉ là số nhỏ, còn đa phần người đến Khâu Vai là để gặp gỡ, hẹn hò, hoặc tìm vui trong tâm cảm như điều cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng chia sẻ “… một ngày, thấy mặt người, lòng đã thấy vui…”. Khi hoàng hôn bắt đầu buông màu tím sẫm xuống thung lũng Khâu Vai cũng là lúc Khâu Vai rộn lên trong tiếng nói cười gọi nhau huyên náo. Trong các lều quán cũng đã có mặt những cặp tình nhân, họ ngồi kề bên nhau, thủ thỉ tâm tình và chuốc rượu mời nhau, mừng cho ngày “đoàn tụ” sau một năm xa cách. Khi cái ăn và cái uống đã giúp họ tìm lại được sinh lực sau một ngày lặn lội leo đèo vượt suối, họ sẽ tìm ra ngọn núi phía xa xa để tự tình thâu đêm suốt sáng…

Ảnh: nguồn vn.360plus.yahoo.com

Trong những năm gần đây, tỉnh Hà Giang có nhiều tác động tích cực nhằm phát triển du lịch và đã giới thiệu chợ tình Khâu Vai như một nét văn hóa đặc sắc của địa phương đến bạn bè trong, ngoài nước. Với việc dòng khách hiếu kỳ đổ về đặc kín trong phiên chợ tình, Khâu Vai không còn là “thánh địa” của các cặp đôi lỡ phận mà đã trở thành tụ điểm của các cuộc nhậu xô bồ, liên hồi kỳ trận và nếu có ai cố công đi tìm thì cho dù mỏi gối, chồn chân cũng khó lòng bắt gặp hình bóng của những người lỡ duyên “thứ thiệt”. Đúng là sự hiếu kỳ đã làm hỏng phiên chợ, biến nó thành “hội chợ làm quen của thanh niên và khách du lịch” như lời nhận xét của ông Lù Mí Táo, một công dân  Khâu Vai. Ông còn chua chát bộc bạch: “người Khâu Vai đang bị đánh cướp mất phiên chợ tình rồi…”.

Ảnh: tuanvietnam.vietnamnet.vn

Chợ phong lưu ngày nay đã bị “tam sao thất bổn”. Những người có chút suy tư đến “tầng sâu văn hóa” của phiên chợ không khỏi giật mình xót xa cho một di sản văn hóa phi vật thể của Hà Giang nói riêng và của cả Việt Nam nói chung đang bị biến tướng thành một dị bản thô kệch. Phải chăng chính chợ tình Khâu Vai ngày nay cũng đang bị “lỡ duyên” hay chúng ta mới chính là những người “vô duyên” đã làm cho phiên chợ vùng cao trở nên nhí nhố, mất đi phần ý nghĩa độc đáo ban đầu?

Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung