» Giới thiệu » Tham quan » Điểm hẹn tâm linh

thu nhỏ | phóng to

11/01/2012

CHÙA MINH THÀNH (PLEIKU)


Trên phố núi Pleiku nơi những buổi chiều quanh năm mùa Đông sương mờ lãng đãng, có một quần thể kiến trúc mới được hình thành trong thời gian gần đây với dáng dấp vừa lạ lẫm vừa thân quen, điểm thêm nét hào nhoáng tinh tế vào không gian vốn u trầm của thành phố cao nguyên – đó là chùa Minh Thành, tuy không phải cổ tự nhưng vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với bất cứ ai đặt chân đến nơi đây.   

 Ngôi chùa đẹp huyền ảo trong làn sương mù xứ cao nguyên

Ngôi chùa đẹp huyền ảo trong làn sương mù xứ cao nguyên – Ảnh: nguồn eva.vn

Tọa lạc trên một ngọn đồi thoai thoải cách trung tâm thành phố 2km về hướng Tây Nam, có địa chỉ 14A đường Nguyễn Viết Xuân thuộc phường Hội Phú, thành phố Pleiku, Minh Thành là ngôi chùa thuộc hệ phái Bắc Tông được Hòa thượng Thích Giác Đạo khai sơn năm 1964 và đã qua một lần trùng tu năm 1972. Năm 1997, công trình chùa mới đã được Thượng tọa Thích Trí Định cho khởi công xây dựng, đặc biệt Đại đức Thích Tâm Mãn (trụ trì chùa hiện nay) đã vẽ thiết kế và trực tiếp khảo sát việc thi công. Trên diện tích khoảng 2ha, các công trình được xây dựng gồm ngôi Chánh điện hai tầng, tháp Từ Ân thờ tổ khai sơn, tháp chuông, bảo tháp thờ Xá Lợi, khu tăng phường cùng một số công trình khác…

 Phố núi nhìn từ Chánh điện chùa Minh Thành

Phố núi nhìn từ Chánh điện chùa Minh Thành – Ảnh: nguồn eva.vn

Những người am hiểu chùa Việt Nam ắt sẽ nhận ra chùa Minh Thành là sự tổng hợp hài hòa nhiều nét kiến trúc tiêu biểu chùa Việt, từ mái chùa mang hình ảnh chùa Một Cột, ngói lợp âm dương theo kiểu chùa Thập Tháp, dàn giá đỡ mái của hậu cung chùa Bối Khê, góc đao chùa Tây Phương, trang trí cột theo hoa văn chạm trổ chùa Thầy và chùa Tây Phương… đến bảo tháp xá lợi xây dựng theo bản mẫu tháp Phổ Minh (Nam Định), gác chuông kiểu chùa Keo (Thái Bình), cổng tam quan dựng theo lối tam quan chùa Kim Liên (Hà Nội), khuôn viên được bố trí theo lối chùa Thiên Mụ mang phong cách cung điện Huế, các tượng thờ được tạc theo nghệ thuật điêu khắc thuộc trường phái chùa Bút Tháp, chùa Mía, chùa Tây Phương… Cũng không thể không kể đến dấu ấn hiện đại của kiến trúc chùa Nhật Bản hay Đài Loan, bởi  bản thân Đại đức Thích Tâm Mãn đã từng du học 7 năm tại Đài Loan và tốt nghiệp thủ khoa cao học mỹ thuật học Phật giáo, ngành kiến trúc chùa tháp Phật giáo và nghệ thuật Phật giáo.

Chánh điện chùa Minh Thành  

Chánh điện chùa Minh Thành – Ảnh: nguồn dohoavn.net

Chùa Minh Thành có Chánh điện được bố trí theo hình thức đơn giản của mandala là một vòng tròn, tượng trưng cho đóa hoa sen nở trọn và là căn bản của vũ trụ luận Mật giáo. Chánh điện gồm hai tầng, cao 16m có cửa cao 6m, trần làm bằng gỗ pơ-mu và bài trí bằng các sập gụ. Tầng dưới là Đại Bi đường, được tôn trí tượng Bồ tát Quan Âm thiên thủ thiên nhãn (nghìn tay nghìn mắt) bằng gỗ cao 7,5m. Tầng trên là Đại Hùng Bửu điện, tại vị trí trung tâm tôn trí Đức Phật Tỳ Lô Giá Na bằng đồng cao 6m, nặng 16 tấn, kế dưới là tượng Đức Phật Thích Ca, tượng Đức Phật A Di Đà, tượng Bồ tát Quan Âm, tượng Ngũ phương Phật (5 vị Phật), hai bên có tượng hai vị Bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền, tượng Thập nhị Duyên Giác (12 vị đại bồ tát)… Tại vách phía sau có bát thập bát Phật (88 vị Phật) và vách hai bên bài trí 3.000 vị Phật được chạm nổi rất công phu.

  Toàn cảnh chùa Minh Thành

Toàn cảnh chùa Minh Thành – Ảnh: nguồn blogspot.com

Phía trước chánh điện, bên phải là tháp chuông tôn trí đại hồng chung nặng 4 tấn được đặt đúc tại Huế, bên trái là tháp Từ Ân thờ Tổ khai sơn với ba tầng mái, lợp ngói vảy rồng, được trang trí rồng và hoa sen cách điệu. Giữa hồ nước Liên Trì ngào ngạt hương sen tôn trí tượng Phật A Di Đà bằng đá hoa cương cao 7,5m, nặng 40 tấn, gần kề bên đặt một lư hương lớn bằng đồng cao 4m, nặng 4 tấn, được xem là lớn nhất Việt Nam tính đến nay. Một công trình khác cũng góp phần tôn thêm giá trị quần thể kiến trúc chùa là ngôi bảo tháp xá lợi 9 tầng cao vút giữa bầu trời xanh, thờ thất Phật và xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tháp cao 72m, bên trong tôn trí 4 vị Thiên Thủ Thiên Nhãn được khắc chạm rất tinh tế và sống động bằng gỗ mít. Bên phải Chánh điện còn có khu tăng phường gồm trai đường, giảng đường, thiền đường, tàng kinh các, phương trượng đường, khách đường… với diện tích đến hàng ngàn mét vuông tạo thành một quần thể kiến trúc liên hoàn và vô cùng sáng tạo.

 Bảo tháp – Ảnh: nguồn tuoitre.vn

Bảo tháp – Ảnh: nguồn tuoitre.vn

Tham quan chùa Minh Thành, du khách có cảm giác như lạc vào một thế giới huyền thoại, thế giới của Phật, Bồ tát cùng các vị La Hán bởi nơi đây tượng các chư vị được tôn trí nhiều vô kể. Trong bầu khí thanh tịnh của chốn thiền đường với một không gian thoát tục, du khách đến đây như được mời gọi mở rộng tâm hồn đón nhận vô biên và tự nhiên giới, cảm nhận sự an nhiên tự tại trong một hạnh phúc đến thật bất ngờ…

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Danh mục nội dung