» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Lễ hội

thu nhỏ | phóng to

19/01/2013

LỄ HỘI HARI RAYA AIDILFITRI TẠI BRUNEI


Là quốc gia Hồi giáo với 75% dân số theo đạo Hồi, Brunei cũng giữ luật ăn chay trong tháng Ramadan như những quốc gia Hồi giáo khác. Đây là tháng quan trọng nhất trong năm, được người Hồi giáo xếp vào hàng đại lễ. Điều thú vị là tiếp sau tháng Ramadan, người Hồi giáo Brunei lại tổ chức lễ hội Hari Raya Aidilfitri tưng bừng như một dịp mừng công, bày tỏ niềm vui về thành quả của những ngày “khiết tịnh”…

THÁNG RAMADHAN

Theo Hồi lịch, mỗi năm gồm 12 tháng với các tên gọi tương ứng: 1 - Muharram, 2 - Saphar, 3 - Rabia I, 4 - Rabia II, 5 - Jamada I, 6 - Jamada II, 7 - Rajab, 8 - Shaban, 9 - Ramadan, 10 - Shawwal, 11 - Dulkaada, 12 -  Dulhegia. Do Hồi lịch tính theo mặt trăng (tương tự như âm lịch) nên mỗi năm có 354 hoặc 355 ngày và cứ 30 năm lại có 17 năm nhuận. Đặc biệt lễ tháng Ramadan do các nhà chiêm tinh có uy quyền tại mỗi nước ấn định nên thời gian lễ diễn ra sớm, muộn có khác nhau và càng khó trùng nhau khi đối chiếu với dương lịch.

 Jame Assr Hassanil Bolikah

Thánh đường Hồi giáo Jame Assr Hassanil Bolikah đẹp và lớn nhất Đông Nam Á – Ảnh: nguồn tourdulichbrunei.dulichvietnam.com.vn

Tinh thần của tháng Ramadan là thanh luyện, ngoài việc biểu tỏ lòng sùng kính đối với Thượng đế, còn là dịp tránh xa những cám dỗ hay ham muốn nhục dục, rèn luyện sự nhẫn nại, thể hiện tính nhân văn… được cụ thể hóa qua việc nhịn ăn từ khi mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn, dành nhiều thời gian để cầu nguyện trong các nhà thờ và đọc kinh Koran, tiết độ, làm việc thiện, hướng đến những người kém may mắn… Trong tháng Ramadan, người Hồi giáo trên khắp thế giới đều có sinh hoạt khá giống nhau: ngoài việc nhịn ăn từ 04:00 đến 18:00 mỗi ngày, họ cũng hạn chế tối đa việc dùng thịt và các loại thực phẩm tươi sống, không tổ chức đám cưới, vợ chồng không “gần gũi” nhau, khuyến khích làm việc thiện như lời cầu mong an bình đến với mọi người…

Omar Ali Saifuddin  

Thánh đường Hồi giáo Omar Ali Saifuddin của Hoàng gia Brunei – Ảnh: nguồn violet.vn

Từ những động thái đó, đã có sự ngộ nhận gọi đây là tháng nhịn ăn hay tháng ăn chay. Xét về mặt vật lý, tháng Ramadan cũng là dịp để người Hồi giáo tẩy rửa những độc tố tồn ứ trong cơ thể, tạo sự chuyển hóa giúp cơ thể tinh sạch và dễ dàng tiếp nhận sinh khí mới… Do phải nhịn ăn cả ngày, những người Hồi giáo sẽ hạn chế nói chuyện và làm việc để không bị mất sức, còn những sinh hoạt khác vẫn diễn ra bình thường. Cũng chính vì nhịn ăn suốt ngày mà bữa ăn tối của gia đình thường được chuẩn bị khá tươm tất với đủ loại bánh ngọt và trái cây. Tháng Ramadan còn mang ý nghĩa đoàn tụ khi họ hàng con cháu gần xa tề tựu về bên nhau, vì vậy gia đình nào cũng nhộn nhịp đông vui. Đặc biệt trong tháng này, những người ngoại đạo sẽ không được vào thăm các thánh đường Hồi giáo.

LỄ HỘI HARI RAYA AIDILFITRI

Sau tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, lễ hội Hari Raya Aidilfitri tiếp theo như là dịp “mừng công” cho một tháng “khiết tịnh” với nhiều nỗ lực. Đây là lễ hội truyền thống của người Brunei và lớn nhất trong năm, được ví như tết Nguyên Đán của các quốc gia theo âm lịch và thường được kéo dài trong thời gian 4 ngày.

Niềm vui lễ hội  

Niềm vui lễ hội Hari Raya Aidilfitri – Ảnh: nguồn dulich.tuoitre. vn

Theo trình tự, ngày thứ nhất được dành cho gia đình và mang ý nghĩa đoàn tụ. Trong ngày này mọi người không đi đâu cả mà chỉ tập trung về nhà ông bà, cùng gia đình nhóm hội hàn huyên, ăn uống và trò chuyện vui vẻ. Sang ngày thứ hai được gọi là ngày mở cửa, từ đây cho đến hết ngày thứ tư, mọi người có thể thăm viếng chúc mừng nhau. Vào dịp này, người dân Brunei thường mời khách, bạn bè, người thân đến nhà mình để cùng chia vui và thiết đãi khách những món ăn truyền thống ngon miệng.

Hoàng cung Istana Nurul Iman  

Hoàng cung Istana Nurul Iman – Ảnh: nguồn vietmytours.com.vn

Hòa chung niềm vui lễ hội Hari Raya Aidilfitri, hoàng cung Istana Nurul Iman cũng mở rộng cửa trong hai ngày: ngày đầu tiên để tiếp các thành viên chính phủ và ngày thứ hai để Quốc vương và hoàng gia tiếp kiến thần dân. Người dân Brunei ăn mặc đẹp, kéo nhau đi như trẩy hội, ai cũng háo hức được diện kiến hoàng gia bởi theo họ, được bắt tay và nhận quà của Nhà vua, Hoàng hậu sẽ đem lại may mắn cho cả năm. Theo phong tục Brunei, Nhà vua và các thái tử, hoàng tử sẽ tiếp nam công dân; Hoàng hậu, vương phi và các công chúa sẽ tiếp nữ công dân. Mỗi người dân đến chúc mừng hoàng gia đều sẽ được tặng một thỏi chocolat có dấu ấn hoàng gia, riêng các trẻ em sẽ được “lì xì” 5 BND.

 Hoàng gia tiếp kiến thần dân

Hoàng gia tiếp kiến thần dân và du khách tại cung điện Istana Nurul Iman – Ảnh: nguồn bruvoice.com

Lễ hội Hari Raya Aidilfitri là cơ hội duy nhất trong năm để người dân Brunei và du khách được vào thăm cung điện hoàng gia Istana Nurul Iman, một cung điện lớn nhất thế giới với 1.788 phòng. Đến thăm đất nước Brunei vào dịp này, du khách có thể hòa vào dòng người lũ lượt ghé thăm hoàng gia và cũng sẽ được tiếp kiến, tặng quà như các thần dân của vương quốc, ngoài ra còn được chiêu đãi một bữa tiệc buffet tại hoàng cung. Đây quả là một trải nghiệm lý thú, bởi đang khi ở rất nhiều nơi trên thế giới, giữa giới lãnh đạo và quần chúng luôn có một khoảng cách nhất định nếu không nói là quá cách biệt thì ngay tại đất nước quân chủ nhỏ bé này, quan hệ giữa Quốc vương và thần dân xem ra lại gần gũi như trong một đại gia đình…

Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung