» Giới thiệu » Tham quan » Điểm hẹn tâm linh

thu nhỏ | phóng to

01/07/2013

PHẬT TÍCH TÒNG LÂM (LONG THÀNH - ĐỒNG NAI)


Trong số những danh lam, thắng cảnh được biết đến ở tỉnh Đồng Nai, Phật Tích Tòng Lâm thuộc hệ phái Bắc tông tuy không phải là cổ tự nhưng cũng là một đại già lam với ngôi chùa trắng nổi bật giữa rừng tòng, tựa đóa sen trắng giữa màu xanh mênh mang của rừng cây và nền trời…

Theo quốc lộ 51 hướng từ Vũng Tàu đi Biên Hòa, qua khỏi thị trấn Long Thành chừng 3km về hướng Bắc, du khách sẽ nhìn thấy cổng tam quan chùa ghi rõ bốn chữ “Phật Tích Tòng Lâm”.

 Phật Tích Tòng Lâm

Phật Tích Tòng Lâm – Ảnh: nguồn phathocdongnai.com

MỘT THOÁNG NHÌN LẠI

Tọa lạc tại ấp Thanh Nguyên, xã An Phước (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) trong một khuôn viên rộng khoảng 2,5ha, Phật Tích Tòng Lâm được khai sơn năm 1959 bởi Hòa thượng Thích Nhật Minh. Năm 1963, nhóm thợ Nguyễn Văn Ba ở Sóc Trăng được giao xây dựng ngôi chánh điện theo kiểu kiến trúc Ấn Độ, phía trước có hồ sen và giữa hồ đặt bảo tượng Bồ tát Quan Thế Âm cao 12m. Đến năm 1982, ngôi tháp Tam Bảo cộng đồng cao 22m đã được xây dựng bên trái chùa.

 Bảo tượng Bồ tát Quan Thế Âm

Bảo tượng Bồ tát Quan Thế Âm – Ảnh: nguồn phattuvietnam.net

Lý giải về tên “Phật Tích Tòng Lâm”, Thượng tọa Thích Minh Trí – trụ trì chùa đời thứ hai cho biết: “Phật tích nghĩa là cảnh Phật cổ xưa, tích xưa. Tòng Lâm là chỗ của chúng Tăng tụ họp, tức là chỗ Tăng chúng yên ở, cũng gọi là Thiền lâm hay Thiền viện, đều là những nơi thanh tịnh để cho chúng Tăng tu tập và thiền định. Nơi đó có rừng cây che mát, nhiều vô số, cũng có nghĩa là có vô số chúng Tăng hòa hiệp ở chung một chỗ mà tu hành…”. Tưởng cũng nên biết, thuở Đức Phật còn tại thế, chính Ngài cũng thường cùng các đệ tử nhóm ở rừng Kỳ Đà, hoặc ở Trúc Lâm mà thuyết pháp, nên những chỗ ấy được gọi là “Tòng Lâm” theo cách dịch của Trung Quốc hay “Già Lam” theo nghĩa tiếng Ấn Độ.

 Điện Phật trang nghiêm

Điện Phật trang nghiêm – Ảnh: nguồn phathocdongnai.com

Điểm thú vị là trước cổng chùa có dòng suối thiên nhiên trong vắt chảy ngang qua. Chính từ con suối này mà ngay từ khi khai sơn, Hòa thượng Nhật Minh đã nảy sinh ý tưởng xây dựng chùa thành một đại già lam. Theo quan niệm của vị khai sơn, dòng nước suối mát lạnh có thể làm hạ nhiệt ngọn lửa trần tục, và không phải ngẫu nhiên mà con suối đã được mang tên “Giải thoát”.

Dòng suối chảy ngang qua  

Dòng suối chảy ngang qua khuôn viên chùa – Ảnh: nguồn kienthuc.net.vn

Quần thể cảnh quan ở Phật Tích Tòng Lâm càng thêm vẻ tôn nghiêm nhờ được chấm phá bởi cụm chùa và bảo tượng đài trắng toát lung linh của chùa Bạch Liên, đã tạo nên một tổng thể kiến trúc hài hòa, trang nghiêm, thanh tịnh…, một không gian văn hóa mang phong cách Á Đông, vừa cổ kính vừa hiện đại nổi tiếng cả trong và ngoài tỉnh.

KHÔNG GIAN VĂN HÓA CHÙA BẠCH LIÊN

Theo con đường đất đỏ vào trong khoảng chừng 300m, du khách sẽ tiếp cận chùa Bạch Liên, một công trình với quần thể vườn tượng mang đậm bản sắc văn hóa Phật giáo.

 Vườn tượng chùa Bạch Liên

Vườn tượng chùa Bạch Liên – Ảnh: nguồn phathocdongnai.com

Nguyên chùa được hình thành từ giữa thập niên 60 của thế kỷ trước với tên gọi ban đầu là Quan Âm Ni Viện, do ni sư Diệu Minh quản lý từ năm 1964. Lúc đó chùa chỉ là một ngôi nhà nhỏ vách tường, mái tôn fibro xi-măng với diện tích chừng 80m². Do biến cố chiến tranh, chùa rơi vào cảnh u tịch vắng vẻ. Đến năm 1982 khi ni sư Thích Nữ Như Linh về trụ trì thì vào ngày 19-9-1982 đã khởi công trùng tu chùa trên nền cũ và đổi danh tự thành chùa Bạch Liên.

 Bộ tượng Phật Đản sanh

Bộ tượng mô tả lúc Phật Đản sanh – Ảnh: nguồn kienthuc.net.vn

Khác với tượng Quan Âm sừng sững trước chánh điện Phật Tích Tòng Lâm, các tượng Phật Thích Ca hay tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn ở chùa Bạch Liên được thiết kế theo lối bảo tượng đài, riêng cụm tượng “Lục cảnh động tâm” (cảnh Phật xuất gia, Phật thành đạo, Phật thuyết pháp…) diễn tả những Phật tích mang tính giáo dục sâu sắc. Các hạng mục công trình ở đây đều lấy một màu trắng làm chủ đạo, tạo nên một không gian thanh khiết nhẹ nhàng.

 Bộ tượng Đức Phật thuyết pháp

Bộ tượng mô tả Đức Phật thuyết pháp – Ảnh: nguồn phathocdongnai.com

Theo ni sư Thích Nữ Như Linh thì khi còn là cư sĩ, ni sư rất thích bông sen trắng bởi nó là biểu tượng của sự tinh khiết, vô nhiễm của người chân tu. Về sau khi hội đủ nhân duyên xây chùa, vị ni sư này đã đặt tên chùa là Bạch Liên. Cũng trong ý tưởng này mà cụm tượng do chùa xây dựng đều mang một màu trắng tinh khôi, vô hình trung lại trở thành nét độc đáo của Phật Tích Tòng Lâm, có sức hấp dẫn cả về du lịch lẫn văn hóa… Vào dịp lễ Phật Đản 2007, sách Kỷ lục Việt Nam đã công nhận Phật Tích Tòng Lâm là ngôi chùa có vườn tượng Phật lộ thiên lớn nhất Việt Nam.

Cảnh Phật nhập niết bàn  

Cảnh Phật nhập niết bàn – Ảnh: nguồn phathocdongnai.com

Không chỉ là một cơ sở tâm linh với những hoạt động Phật pháp, Phật Tích Tòng Lâm còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội. Với phương châm “tốt đạo đẹp đời”, nhà chùa đã chia sẻ phần nào những khó khăn của cộng đồng và tương trợ những mảnh đời bất hạnh… Đây là những nỗ lực rất đáng trân trọng, bởi đã góp phần đưa đạo nhập thế trong tinh thần hỗ tương liên đới.

 Liên Hoa bảo tháp

Liên Hoa bảo tháp chùa Bạch Liên – Ảnh: nguồn phathocdongnai.com

● ● ●

Với cảnh trí yên tĩnh và nên thơ, Phật Tích Tòng Lâm từ lâu đã trở thành điểm đến thú vị đối với nhiều người. Vào những ngày cuối tuần hay dịp đại lễ, rất nhiều tín đồ và du khách đến đây chiêm bái hoặc tham quan. Đến với Phật Tích Tòng Lâm, du khách ngỡ như lạc vào cảnh Phật với “dòng suối giải thoát”, với “lục cảnh động tâm”…, cảm thấy an nhiên tự tại trong một tâm tình thanh thản bình yên…

Mai Kim Thành (Tổng hợp)     

Danh mục nội dung