» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Làng nghề

thu nhỏ | phóng to

23/02/2014

LÀNG NGHỀ ĐIÊU KHẮC ĐÁ BỬU LONG (ĐỒNG NAI)


Về Đồng Nai, nếu muốn tìm hiểu một làng nghề thủ công lâu đời nhất, hẳn bạn sẽ được giới thiệu đến làng đá mỹ nghệ Bửu Long (hay còn gọi Tân Thành, Tân Bửu), một làng nghề truyền thống nằm cách thành phố Hồ Chí Minh gần 40km về phía Tây Nam thuộc địa phận phường Bửu Long - thành phố Biên Hòa, với hơn 300 năm tồn tại và nổi danh không chỉ trong nước mà còn cả ở nước ngoài…  

 Sản xuất đá mỹ nghệ

Sản xuất đá mỹ nghệ tại cơ sở đá Nhật Thành – Ảnh: Mk. Thành

CÓ MẶT TỪ THUỞ ĐI MỞ CÕI…

Theo sử truyền, khoảng cuối thế kỷ XVII, từ chính sách khai khẩn đất hoang và mở rộng lãnh thổ về phía Nam của chúa Nguyễn, những di dân đi khai phá đã đến vùng đất Gia Định, Đồng Nai ngày nay. Cũng vào thời điểm này, “… Tháng 4 năm Kỷ Mùi (1679), Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch, không chịu thuần phục nhà Thanh đã dẫn 3.000 quân và 50 chiếc thuyền, nhập cửa biển Tư Dung, xin định cư ở nước ta. Nhóm Long Môn của Dương Ngạn Địch theo Cửa Đại, Cửa Tiểu đến định cư tại Mỹ Tho; Nhóm Cao, Lôi, Liêm của Trần Thượng Xuyên theo cửa biển Cần Giờ đến sinh sống ở xứ Bàn Lân (Biên Hòa ngày nay).” (Gia Định thành thông chí - Trịnh Hoài Đức)

 Bản đồ Cù lao phố

Bản đồ Cù lao phố – Ảnh: nguồn wikimapia.org

Sau khi dừng chân ở xứ Bàn Lân, nhóm Trần Thượng Xuyên đã đến Cù lao Phố khai hoang lập nghiệp, xây dựng phố xá, phát triển nơi đây thành một thương cảng sầm uất vào bậc nhất xứ Đàng Trong. Trong nhóm này có cả những người nước Sùng Chính (một nước chư hầu thời cổ đại ở phía Bắc Trung Quốc bị đày đến Quảng Đông). Những người Sùng Chính này trong khi chào hỏi thường sử dụng từ “hé oa” có nghĩa tương đương với từ “dạ” trong tiếng Việt - có lẽ vì thế mà nhiều người Việt đã quen miệng gọi họ là người “Hẹ” chăng?

 Cầu Ghềnh dẫn vào Cù lao Phố

Cầu Ghềnh dẫn vào Cù lao Phố – Ảnh: nguồn ttxtdldongnai.vn

Người Hẹ vốn có nghề làm đá ở chính quốc nên sau một thời gian định cư ở Cù lao Phố, họ đã di chuyển đến khu vực Bửu Long - nơi có nguồn nguyên liệu đá xanh dồi dào, chất lượng tốt và cũng dễ khai thác. Tại đây, những người Hẹ đã phát triển nghề đá của cố hương, hình thành nên làng nghề điêu khắc đá Bửu Long. Bên cạnh đó, một số nghề khác cũng được phát triển như mộc, rèn…

 Khu di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh

Khu di tích đền thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh tại Cù lao Phố – Ảnh: Thy Anh (vuisongmoingay.blogspot.com)

Bàn về sự phát triển của thương cảng Cù lao Phố, sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức đã ghi: “Ở đầu phía Tây Cù lao đại phố, lúc đầu khai thác, tướng quân Trần Thượng Xuyên chiêu tập người buôn nước Tàu đến kiến thiết phố xá, mái ngói tường vôi, lầu cao quán rộng, dọc theo bờ sông liền lạc tới năm dặm, chia vạch ba đường phố, đường phố lớn lót đá trắng, đường phố ngang lót đá ong, đường phố nhỏ lót gạch xanh, đường rộng bằng thẳng…”  Dĩ nhiên cư dân của làng đá Bửu Long chính là những người đã đục đá lát đường cho Nông Nại đại phố. Cùng với sự phát triển của thương cảng Cù lao Phố, các sản phẩm nghề đá cũng dần được nhiều người biết đến. 

NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC ĐÁ

Nghề chạm, trổ đá tại Việt Nam không phải đợi đến khi những người Hẹ phát triển mới được biết đến. Sở dĩ nghề đá ở Bửu Long nổi trội hơn nhiều nơi khác là nhờ vào chất liệu đá đặc biệt ở đây - một loại đá xanh rất mịn, cứng, không có hoa văn, không lấp lánh và không bị phai mờ hay hoen ố theo thời gian. 

Đá xanh Bửu Long  

Đá xanh Bửu Long với những đặc trưng nổi trội – Ảnh: Mk. Thành

Sản phẩm của làng đá Bửu Long khá đa dạng, từ các công trình tôn giáo, tín ngưỡng như tượng thờ, khám thờ, tượng linh thú, tượng bộ, lư hương, bát nhang, đèn, linh vị, bia, nhà mồ…, các kết cấu kiến trúc như tán, cột, kèo, các mảng trang trí… đến các vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày như cối xay, cối giã gạo, ly chén, bình đựng, bộ cờ… Do những đặc trưng của loại đá tại Bửu Long mà việc chạm trổ cũng khó hơn đòi hỏi người thợ phải có những cách thế xử lý riêng trong chế tác.

Người thợ đang chế tác đôi cột  

Người thợ đang chế tác đôi cột (Cty Tân Phát Hưng) – Ảnh: Mk. Thành

Tuy có nguồn nguyên liệu tại chỗ nhưng những người thợ đá ở Bửu Long cũng phải lên tận núi, tìm những tảng đá phù hợp rồi tự đục, đẽo mang về. Có đá rồi, người thợ còn phải sử dụng nhiều thủ thuật với nhiều loại công cụ khác nhau như đục nhảy, đục phá, đục láng, đục rãnh, đục khớp, đục vòng… để làm cho khối đá trở nên sinh động và có hồn. Khó nhất là công đoạn tạo hình và đánh bóng - người thợ đá phải làm việc miệt mài, có khi mất cả năm trời mới hoàn thành được một sản phẩm. Cho dù ngày nay việc khắc chạm được hỗ trợ bởi cơ khí đã giúp công việc dễ dàng và nhanh chóng hơn, nhưng để đạt được độ tinh xảo vẫn cần đến đôi bàn tay khéo léo lành nghề của người thợ.

hoàn thiện các đôn đá  

Chủ cơ sở Nhật Thành đang hoàn thiện các đôn đá – Ảnh: Mk. Thành

Nghề chơi cũng lắm công phu. Vì vậy nên việc truyền nghề cũng chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình theo phương thức cha truyền con nối, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nói vậy không có nghĩa là không có ngoại lệ - việc truyền nghề cho người ngoài cũng có nhưng khá hạn chế, thường chỉ dừng lại ở những kỹ thuật cơ bản. Một người muốn thạo nghề phải trì chí đục đẻo với thời gian không dưới hai năm.

Sản phẩm từ đá xanh Bửu Long  

Sản phẩm từ đá xanh Bửu Long – Ảnh: Mk. Thành

Trải qua hơn ba thế kỷ tồn tại với nhiều thăng trầm, làng nghề đá Bửu Long đã sản sinh ra nhiều nghệ nhân tài hoa như Hà Kiều, Dương Văn Hai, Ngụy Đức Mỹ, Phạm Thành Đầu… Sản phẩm của làng đá Bửu Long không chỉ có mặt khắp trong Nam ngoài Bắc mà còn vươn xa đến tận Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản…, đã tạo nên uy tín cho làng nghề đá mỹ nghệ Bửu Long.

LÀNG NGHỀ ĐANG DẦN MAI MỘT

Từ bao đời nay, người dân làng Bửu Long đã tham gia chế biến đá mỹ nghệ với nguồn nguyên liệu là loại đá xanh khai thác từ núi Bửu Long tại địa phương. Trong thời cực thịnh số hộ tham gia sản xuất có đến cả trăm. Tuy nhiên từ năm 1990 khi Khu du lịch Bửu Long được công nhận danh lam thắng cảnh cấp quốc gia và đến năm 1996 khi thành phố Biên Hòa ban hành quyết định cấm khai thác đá ở hồ Long Ẩn (thuộc quần thể Khu du lịch Bửu Long) để bảo toàn cảnh quan, không làm ảnh hưởng đến du lịch thì người dân làng đá đã bắt đầu gặp khó khăn.

 làm mái bia mộ

Người thợ đang làm mái bia mộ – Ảnh: Mk. Thành

Để duy trì sản xuất, người dân làm nghề đá phải tìm mua nguyên liệu tận các mỏ đá ở Hóa An, Tân Hạnh (Biên Hòa), Tân Hiệp (Bình Dương)… Với công vận chuyển và tiền nguyên liệu cao, chưa kể đá ở các vùng này chất lượng không tốt, độ mịn và màu xanh không “sắc” bằng đá ở Bửu Long nên việc sản xuất và sản phẩm cũng có những ảnh hưởng nhất định.

 Bảng đá

Bảng đá được khắc chạm tại cơ sở đá Xuân – Ảnh: Mk. Thành

Ngày 10-10-2008, Ủy ban Nhân dân thành phố Biên Hòa đã ra văn bản 2938/UBND-T về chủ trương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi vùng dân cư. Tuy chủ trương đã có nhưng do chưa có chính sách khuyến khích hoặc phát triển nghề, không có “qũy đất” để quy hoạch làng nghề đã đặt người dân nghề đá vào một tình trạng hoang mang bất định… Thực tế sau nhiều năm “cù cưa”, làng đá đã teo tóp một cách đáng giật mình, số cơ sở từ 30 cách đây 10 năm đã giảm xuống chỉ còn 4 tại thời điểm hiện nay (Công ty đá Tân Phát Hưng, Cơ sở đá Nhật Thành, Cơ sở đá Xuân, Cơ sở đá Thanh Tâm).

Thợ Đà Nẵng tại cơ sở đá Nhật Thành  

Thợ Đà Nẵng đang tham gia tại cơ sở đá Nhật Thành – Ảnh: Mk. Thành

Hầu hết cơ sở còn tồn tại đến nay là nhờ làm bia mộ hoặc cầu thang, đèn đá cho các công trình hay công viên, đá lát lề đường… Những bức tượng nghệ thuật như Đức Phật, Phước Lộc Thọ, Tứ linh… họa hiếm mới có người đặt. Sự cạnh tranh do đó càng trở nên gay gắt, chỉ những cơ sở lớn, có uy tín về tay nghề mới có thể tồn tại được. Số phận của những người thợ đá cũng trở nên bấp bênh, đa phần đã phải đầu quân ở các tỉnh, thành khác hoặc phải bỏ nghề truyền thống sang làm các nghề thời vụ, thậm chí phải chuyển nghề.

 Đèn đá

Đèn đá chuẩn bị cho một công trình ở Côn Đảo – Ảnh: Mk. Thành

Rõ ràng nghề đá vất vả đang trên đà mất giá, người dân làng nghề đang đứng trước nguy cơ bị tan rã và chính quyền cũng chưa đưa ra được hướng đi cụ thể để bảo tồn làng nghề truyền thống tồn tại trên 300 năm. Hệ lụy lớn nhất cho làng nghề là lớp trẻ ngày nay không còn tha thiết với việc kế thừa cái nghiệp truyền thống của cha ông…

● ● ●

 Khu du lịch Bửu Long

Khu du lịch Bửu Long – Ảnh: Dragonland (nguồn news.zing.vn)

Trong quảng bá du lịch tỉnh Đồng Nai, Khu du lịch Bửu Long và làng nghề đá truyền thống Bửu Long được xem là những yếu tố tích cực, gắn với Cù lao Phố, Văn Miếu Trấn Biên tạo thành một vùng du lịch mang nhiều ý nghĩa lịch sử. Hy vọng chính quyền thành phố Biên Hòa sẽ sớm có kế hoạch cụ thể nhằm cứu vãn làng nghề đá đang trên đà suy vong, tạo cơ hội cho những người tâm huyết với nghề đá được an cư lạc nghiệp, nhất là để du khách Việt khi đến với vùng đất này còn có dịp nhìn lại lịch sử hào hùng của những ngày tiền nhân đi mở cõi mà thêm yêu mến, tự hào…

Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung