» Giới thiệu » Tham quan » Khu du lịch

thu nhỏ | phóng to

04/07/2015

“SAO ĐÀ LẠT” VỚI ĐƯỜNG HẦM ĐIÊU KHẮC


Nằm cạnh thắng cảnh hồ Tuyền Lâm thuộc khu du lịch hồ Tuyền Lâm giữa khu rừng thông tĩnh mịch, “Đường hầm Điêu khắc” là một phức hợp các công trình điêu khắc khá ấn tượng mà thoạt nhìn tưởng như được kiến tạo từ nguyên liệu đất đỏ bazan điển hình của vùng đất Tây nguyên…

KHỞI TỪ MỘT Ý TƯỞNG ĐẸP…

Năm 2006, với mục đích xây dựng khu du lịch hồ Tuyền Lâm thành điểm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái mang dấu ấn Đà Lạt và vùng đất Tây nguyên, Công ty Cổ phần “Sao Đà Lạt” - “Dalat Star” đã được thành lập với tổng diện tích khai thác lên đến 15 hecta.

 Đường hầm Điêu khắc

Đường hầm Điêu khắc nằm cạnh thắng cảnh hồ Tuyền Lâm – Ảnh: Mk. Thanh

Sao Đà Lạt - Dalat Star xác định mục tiêu gắn kinh doanh với giữ gìn và bảo vệ môi trường tự nhiên, đảm bảo phát triển bền vững khu du lịch nghỉ dưỡng trong mối tương quan giữa môi sinh và cộng đồng… Trung thành với tiêu chí đề ra, kỹ sư Kinh tế Trịnh Bá Dũng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Dalat Star đã nung nấu ý tưởng cho ra đời một công trình mang hơi thở Tây nguyên và dấu ấn Đà Lạt…

Đường vào Dalat Star  

Đường vào Dalat Star và Đường hầm Điêu khắc – Ảnh: Mk. Thanh

Để hiện thực hóa ý tưởng này, ngay từ năm 2007, kỹ sư Dũng đã quan tâm đến loại đất đỏ bazan có sẵn tại địa phương với mong muốn sử dụng nó như nguồn nguyên liệu chủ đạo làm nền cho những công trình sáng tạo về sau. Vấn đề đặt ra là làm sao bảo vệ được loại nguyên liệu dễ bị “tổn thương” dưới tác động khắc nghiệt của thiên nhiên và bảo đảm được tính bền vững của các công trình.

Khắc họa tỉ mỉ các chi tiết  

Khắc họa tỉ mỉ các chi tiết bằng xi-măng trước khi “khoác áo” đất đỏ cho công trình – Ảnh: Mk. Thanh

Sau gần bốn năm mày mò nghiên cứu, cuối cùng kỹ sư Dũng cũng tìm được cách phối trộn giữa đất đỏ bazan với xi-măng đã khẳng định ưu thế trong ngành xây dựng để kiến tạo nền, tiếp đến dùng xi-măng để tạo các chi tiết trước khi khoác lên bên ngoài lớp áo đất đỏ tạo cảm giác như chính chúng là những công trình được khắc chạm từ đất đỏ bazan… Với cách làm này, những người tạo tác có thể rộng đường vận dụng yếu tố sắc màu để nhấn nhá, tạo nên bản giao hưởng với nhiều cung bậc cảm xúc nhuốm màu thời gian…

 Ngôi nhà bằng đất đỏ

Ngôi nhà bằng đất đỏ - công trình đầu tiên – Ảnh: Mk. Thanh

Công trình đầu tiên được thực hiện là vào năm 2010 và hoàn thành sau 6 tháng thi công. Đó là cặp đôi ngôi nhà “đất” có diện tích gần 100m² được xây dựng trong khuôn viên chừng 400m², bao quanh là hồ nước vuông vắn tạo yếu tố phong thủy và cho cảm giác mát mẽ… Điểm thú vị là lối trang trí mang phong cách rất “nhí” và trên mái của một ngôi nhà có đắp nổi hình bản đồ Việt Nam với đầy đủ cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 Trang trí và vật dụng

Trang trí và vật dụng bên trong ngôi nhà – Ảnh: Mk. Thanh

Tháng 9/2013, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục cho công trình này:“Ngôi nhà bằng đất đỏ bazan không nung đầu tiên và có phong cách độc đáo nhất”; “Ngôi nhà bằng đất đỏ bazan không nung có mái đắp nổi hình bản đồ Việt Nam đầu tiên và có diện tích lớn nhất”. Đến tháng 4/2014, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng trao Giải Hội đồng “Kiến trúc xanh Việt Nam 2013 - 2014”  cho “Đường hầm điêu khắc và Ngôi nhà đất đỏ”.

 Bằng công nhận

Bằng công nhận và bằng xác lập hai kỷ lục  – Ảnh: Mk. Thanh

ĐƯỜNG HẦM ĐIÊU KHẮC...

Từ kết quả của công trình đầu tiên là “Ngôi nhà bằng đất đỏ”, kỹ sư Dũng đã có thể mạnh dạn nghĩ đến một đường hầm điêu khắc trên tổng diện tích khuôn viên chừng 7ha, lấy cảm hứng từ nguồn đất đỏ tại chỗ như một công trình kiến trúc đầy “duyên - nợ” với thành phố quê hương.

Cổng Đường hầm Điêu khắc  

Cổng Đường hầm Điêu khắc với đầu và đuôi Rồng – Ảnh: Mk. Thanh

 vừa là “duyên”, vừa là “nợ”

Đường hầm Điêu khắc vừa là “duyên”, vừa là “nợ” đối với Sao Đà Lạt – Ảnh: Mk. Thanh

Đến năm 2013, nhóm cộng sự gồm các họa sĩ, nghệ nhân điêu khắc và cả thợ xây dựng với hơn 50 người đã cùng kỹ sư Dũng bắt tay thực hiện “ý tưởng lớn”… Bằng sự cần cù sáng tạo và lòng yêu nghề, yêu nghệ thuật, họ đã kiên trì đào đắp và kiến tạo, biến các triền đồi thành con đường hầm điêu khắc độc nhất tại Việt Nam, nếu không nói là tại khu vực Đông Nam Á…

 Không gian đường hầm

Không gian đường hầm điêu khắc – Ảnh: Mk. Thanh

 Nhà thờ “Con Gà”

Ngôi nhà thờ "Con Gà" nổi bật giữa không gian đường hầm – Ảnh: Mk. Thanh

Tính đến nay, đường hầm có chiều dài hơn 1km với tổng chiều dài điêu khắc hơn 2km, độ sâu của đường hầm từ 4m đến 10m với hơn 50.000m³ đất được đào. Trong nỗ lực tái hiện lịch sử Đà Lạt từ khi còn là vùng đất hoang sơ đến giai đoạn hình thành và phát triển, đường hầm điêu khắc đã được thiết kế uốn lượn lên xuống theo triền đồi, thể hiện nét đặc trưng của vùng đất Tây nguyên với hai chủ đề chính:

 Những nếp nhà đơn sơ

Những nếp nhà đơn sơ bên dòng suối – Ảnh: Mk. Thanh

 Những sản vật của cư dân

Những sản vật của cư dân địa phương – Ảnh: Mk. Thanh

- Miền đất lạnh

Toàn cảnh sinh hoạt của vùng đất Ankroet - Dankia thuở ban sơ được giới thiệu khá sinh động ngay lối vào và trên vách của lối đi đường hầm, với dòng suối, ngọn thác và rừng thông, với những đàn voi, đàn rùa, đàn kiến… nối đuôi nhau trong một trình tự tự nhiên, với bầy đàn khỉ trong những trạng thái suy tư rất gần với… kiếp người, với ngọn núi Lang Bian xa xa, điểm xuyết đây đó những nếp nhà đơn sơ, các loại nhạc cụ gắn với hoạt động văn hóa của cư dân bản địa K’Ho Lạch, K’Ho Chil… 

Bầy đàn khỉ  

Bầy đàn khỉ trong trạng thái suy tư – Ảnh: Mk. Thanh

Đàn rùa đang nối đuôi  

Đàn rùa đang nối đuôi nhau – Ảnh: Mk. Thanh

- Đà Lạt hình thành và phát triển

Khi Bác sĩ Alexandre John Emile Yersin phát hiện ra cao nguyên Lâm Viên vào năm 1893, vùng đất này đã lật sang trang sử mới với việc hình thành trạm điều dưỡng Đà Lạt năm 1899 là tiền thân của thành phố Đà Lạt ngày nay. Những kiến trúc đặc trưng như Ga Đà Lạt, Grand Lycée Yersin nay là Trường Cao đẳng Sư phạm, Nhà thờ “Con Gà”, Chùa Linh Sơn, Nhà thờ Domaine de Marie, Học viện Dòng Chúa Cứu thế nay là Viện Sinh học Tây nguyên, một số ngôi nhà mang đậm kiến trúc Pháp đã được tái hiện ghi dấu lịch sử hình thành và phát triển.

 Người khai sinh thành phố Đà Lạt

Bác sĩ Yersin, người khai sinh thành phố Đà Lạt – Ảnh: Mk. Thanh

 Chùa Linh Sơn với cổ đại chung

Chùa Linh Sơn với cổ đại chung – Ảnh: Mk. Thanh

Không gian đường hầm còn điểm thêm nét tươi tắn của những loài hoa đặc trưng, bên cạnh đó còn có những nhạc cụ và cả bài hát “Ai lên xứ hoa đào” do nhạc sĩ Hoàng Nguyên sáng tác, như một chút lãng đãng góp thêm vào giai điệu thời gian… Những sinh hoạt đời thường của cư dân mới cũng được minh họa cách sống động với đoàn tàu đang chuyển bánh, những cổ xe ngựa một thời lóc cóc trên đường phố, những chiếc xe hơi cổ, Vespa cổ, chiếc điện thoại quay số cũ kỹ, sân bay Liên Khương với chiếc máy bay thời hiện đại… 

Bài hát “Ai lên xứ hoa đào”  

Bài hát “Ai lên xứ hoa đào” – Ảnh: Mk. Thanh

Sân bay Liên Khương  

Sân bay Liên Khương với máy bay Airbus – Ảnh: Mk. Thanh

Có thể ví "Đường hầm Điêu khắc" như một câu chuyện cổ tích đầy tính nhân văn, giúp người xem hồi tưởng về quá trình hình thành và phát triển của một thành phố vừa xa lạ vừa gần gũi thân quen…

Đầu xe lửa và nhà Ga Đà Lạt  

Đầu xe lửa và nhà Ga Đà Lạt – Ảnh: Mk. Thanh

 Viện Sinh học Tây nguyên

Viện Sinh học Tây nguyên – Ảnh: Mk. Thanh

● ● ●

Bằng thủ thuật phối trộn giữa xi-măng và đất đỏ (thay vì cát như trong kiến trúc hiện đại), “Đường hầm Điêu khắc” tuy không thật sự là công trình đất đỏ 100%, nhưng những gì thể hiện đủ mang dáng dấp của một đại công trình, vừa độc đáo vừa ấn tượng… Không lạ khi “Đường hầm Điêu khắc” đang trở thành điểm đến hấp dẫn nhiều khách tham quan, góp phần tích cực trong đa dạng hóa loại hình sản phẩm và kích cầu du lịch Đà Lạt - thành phố mộng mơ…

Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung