» Giới thiệu » Tổng quan

thu nhỏ | phóng to

10/10/2010

THÀNH PHỐ HÀ NỘI


DƯ ĐỊA CHÍ

Nằm hai bên bờ sông Hồng và về phía hữu ngạn sông Đà, Hà Nội có vị trí đắc địa của một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học… Địa hình đồng bằng chiếm khoảng ¾ diện tích tự nhiên chủ yếu thuộc địa phận Hà Nội (cũ) và một số huyện phía Đông của Hà Tây (cũ), phần còn lại là địa hình đồi núi thuộc địa phận các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Quốc Oai, Mỹ Đức với một số đỉnh núi cao như Ba Vì (1.281m), Gia Dê (707m), Chân Chim (462m), Thanh Lanh (427m), Thiên Trù (378m), Bà Tượng (334m), Sóc Sơn (308m), Núi Bộc (245m), Dục Linh (294m)… Bắc giáp các tỉnh Thái Nguyên và Vĩnh Phúc, Đông giáp các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên, Nam giáp các tỉnh Hà Nam và Hòa Bình, Tây giáp các tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ.

Hà Nội cổ kính và hiện đại

Hà Nội cổ kính và hiện đại – Ảnh: nguồn Travellingtovietnam.net

Với việc sát nhập tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) từ 1-8-2008, Hà Nội ngày nay có diện tích 3.324,92 km², trở thành thành phố có diện tích lớn nhất nước và đứng vào hàng ngũ 17 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới. Dân số theo thống kê 1-4-2009 là 6.448.837 người trong đó đông nhất là người Kinh (99,01%), số còn lại gồm các dân tộc Dao, Mường, Tày.

Thành phố bên sông Hồng

Thành phố bên sông Hồng – Ảnh: nguồn thanhtravietnam.vn

Thành phố Hà Nội được tổ chức thành 30 đơn vị hành chính: thị xã Sơn Tây, 12 quận gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và 17 huyện gồm Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Ba Vì, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Chương Mỹ, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Mê Linh.

DẤU ẤN 1000 NĂM

Lịch sử 1000 năm Thăng Long bắt đầu bằng một truyền thuyết thú vị: sau khi lên ngôi tại Hoa Lư và đặt tên nước Đại Việt, tháng Bảy năm Canh Tuất (1010), Thái Tổ Lý Công Uẩn đã cho dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La “chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu…” (Chiếu dời đô). Truyền thuyết kể rằng khi thuyền của vua cập bến sông Cái thì có một con rồng vàng hiện ra rồi bay lên trời cao, cho là điềm lành nhà vua bèn đặt tên kinh đô mới là Thăng Long với ý nghĩa “rồng bay lên”, vùng đất Thăng Long trong tư thế là một trung tâm chính trị xã hội đã bắt đầu có sử (!).

Hồ Hoàn Kiếm

Hồ Hoàn Kiếm - trái tim của Hà Nội – Ảnh: nguồn Golftourismvietnam.com

Thực tế thì trước khi vua Lý chuyển kinh đô về đây, Đại La đã từng là thủ phủ của Cao Biền với thành Đại La được xây dựng từ năm 866. Ngược dòng lịch sử xa hơn, ngay từ năm 257 trước công nguyên, vùng đất Cổ Loa (nay thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh – ngoại thành Hà Nội) đã từng là kinh đô của nước Âu Lạc do Thục Phán An Dương Vương (257 - 208 Tcn) khai quốc với tòa thành Ốc nổi tiếng. Năm 544, Lý Bí dựng thành ở cửa sông Tô, khởi nghĩa thành công đánh đuổi quân đô hộ nhà Lương rồi xưng đế, đóng đô ở Long Biên (phía Bắc sông Đuống – Bắc Ninh ngày nay), đặt quốc hiệu Vạn Xuân và sau này Lý Phật Tử cháu ông đã chuyển về đóng đô tại Cổ Loa, đến năm 602 mới bị bại dưới tay nhà Tùy. Năm 939 sau khi đánh thắng quân Nam Hán, Ngô Quyền lại chọn Cổ Loa làm kinh đô của nước Vạn Xuân.

Di tích hoàng thành Thăng Long

Di tích hoàng thành Thăng Long - Hà Nội – Ảnh: nguồn kinhtedothi.vn

Là một vùng đất đế đô trải qua nghìn năm dâu bể, Thăng Long - Hà Nội luôn gắn với sự tồn vong của cả một đất nước, tuy có lúc vinh lúc nhục, lúc thịnh lúc suy, thậm chí đã 3 lần thành không nhà trống nhưng những con người Thăng Long - Hà Nội cùng với con dân cả nước đã không cam chịu mất nước, không cam chịu làm nô lệ, đã quyết tâm đánh giặc và nhiều lần làm thất bại ý đồ xâm lược của các thế lực hùng mạnh đến từ khắp nơi: Tống (Tk. 11), Nguyên - Mông (3 lần – Tk. 13), Minh (Tk. 15), Mãn Thanh (Tk. 18), thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (Tk. 20).

Bên thềm thiên niên kỷ mới, Hà Nội đã được UNESCO công nhận là “Thành phố vì hòa bình”.

TRUNG TÂM VĂN HÓA - DU LỊCH

Là thủ đô một nước, Hà Nội có nhiều điều kiện để phát triển du lịch và thực tế nơi đây đã là một trung tâm du lịch lớn của cả nước với nhiều tiềm năng về tự nhiên, văn hóa, xã hội lẫn chính trị, kinh tế, ngoại giao… Với 8 tuyến đường bộ, 6 tuyến đường sắt lại có cảng hàng không quốc tế và nội địa, cách cảng Hải Phòng hơn 100km và cảng Cái Lân (Quảng Ninh) chừng 180km, Hà Nội là đầu mối quan trọng nối các tỉnh miền Bắc với nhau. Nhờ vào lợi thế của các trục giao thông chính và quan trọng mà Hà Nội vừa là thị trường tiếp nhận khách, thị trường trung chuyển khách của khu vực đồng thời cũng là thị trường cung ứng khách cho du lịch cả nước.

Hồ Tây

Hồ Tây lung linh dưới ánh đèn – Ảnh: nguồn Travellingtovietnam.net

Nếu Hà Nội đã từng được biết đến với thế mạnh về du lịch di tích, du lịch hội nghị, hội thảo (MICE) thì nay với việc mở rộng thủ đô, Hà Nội đã khắc phục được những điểm yếu cơ bản. Các cảnh quan kỳ thú như Hương Sơn, Suối Hai, núi Ba Vì cùng hệ thống sinh thái trải dài như Ao Vua, Khoang Xanh - Suối Tiên, Thiên Sơn - Suối Ngà, Đồng Mô, Đầm Long - Bằng Tạ, hồ Quan Sơn… đã giúp Hà Nội có đủ yếu tố để phát triển du lịch cả về di tích lẫn sinh thái, nghĩ dưỡng cuối tuần hay vui chơi, giải trí…

Cầu Long Biên

Cầu Long Biên - dấu ấn lịch sử – Ảnh: nguồn evan.vn

Với ưu thế gần 5.000 di tích hay danh thắng lịch sử trong đó có 2.104 di tích đã được xếp hạng gồm 765 di tích quốc gia như thành Cổ Loa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Hương, chùa Tây Phương, làng Việt cổ Đường Lâm… trong đó có ba di sản thế giới (Bia đá Văn miếu Quốc tử giám, di tích Hoàng thành Thăng Long, lễ hội Gióng tại đền Phù Đổng và đền Sóc) là những tiềm năng được đánh giá cao, cùng với hệ thống khách sạn đang ngày càng phát triển cả về chất lẫn lượng, du lịch Hà Nội đã có những thuận lợi nhất định để sớm cất cánh, đáp ứng niềm kỳ vọng của du khách và bạn bè khắp bốn phương...

Mai Kim Thành

Danh mục nội dung