» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Làng nghề

thu nhỏ | phóng to

12/11/2010

LÀNG BÁNH TRÁNG HÒA ĐA


Trên địa bàn tỉnh Phú Yên, từ lâu đã nổi tiếng với nhiều địa phương có truyền thống làm bánh tráng như Đông Bình (xã Hòa An, huyện Phú Hòa), Mỹ Lệ (xã Hòa Bình II, huyện Tây Hòa), Hòa Đa (xã An Mỹ, huyện Tuy An)… Bánh tráng Phú Yên đã sớm trở thành món đặc sản để người Phú Yên tặng làm quà bà con, bạn hữu gần xa.

a

Ảnh: nguồn baophuyen.com.vn

Nguyên là thôn Phú Đa thuộc tổng Trung, huyện Đồng Xuân ngày trước, nay thuộc xã An Mỹ, huyện Tuy An, Hòa Đa là một làng nghề làm bánh tráng khá nổi tiếng. Cũng như nhiều làng quê khác trên đất Phú Yên, người dân thôn Hòa Đa chủ yếu sống dựa vào cây lúa và cũng từ nguồn nguyên liệu dồi dào này mà nghề bánh tráng ở đây đã được biết đến từ rất sớm, trở thành nghề truyền thống được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Vào thế kỷ 19, nơi đây hầu như nhà nào cũng có một lò tráng bánh nhưng đến nay chỉ còn 262 hộ với hơn 500 lao động, trong đó tập trung nhất tại hai thôn Hòa Đa và Giai Sơn.

a

Ảnh: Ly Kha (baophuyên.com.vn – 30.8.2008)

Để làm nên bánh tráng, người Hòa Đa dùng bột gạo pha nước với một độ loãng vừa phải. Dung dịch này sẽ được múc theo định lượng và đổ trên một màng vải đặt trên miệng nồi nước đang sôi, người thợ phải nhanh tay tráng đều để lượng bột được phân bố đều trên mặt vải và tạo được độ tròn cần thiết. Bánh được hấp chín bằng sức nóng của hơi nước, sau khi chín sẽ được gỡ ra, đặt trên vĩ và đem phơi nắng hoặc sấy khô.

a

Ảnh Tuy An (nguồn Daotantruc. Blogspot.com – 1.3.2009)

Người Hòa Đa đã làm ra nhiều loại bánh tráng, có loại dày dùng để nướng trên lửa than cho bánh phồng lên và dòn thơm khi ăn, có loại mỏng để nhúng nước (cho dẻo) và cuốn với thịt luộc hay cá hấp cùng với rau xanh… Bánh tráng Hòa Đa từ lâu đã nổi tiếng bởi hương vị đặc trưng, sản phẩm làm ra không chỉ tiêu thụ tại chợ huyện mà còn mở rộng đến nhiều thị trường trong cả nước, được ưa chuộng ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ.

Mai Kim Thành

Danh mục nội dung