» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Đặc sản

thu nhỏ | phóng to

25/11/2010

BÁNH XÈO BẠC LIÊU


Nếu “bánh xèo” là món ăn đặc trưng nhất của vùng quê Nam bộ thì có lẽ cái tên này đã bắt nguồn từ thực tế tráng bánh, khi dung dịch bột được đổ vào chảo làm phát ra những âm thanh “xèo… xèo…” vui tai mà thành tên gọi chăng?

Khác với bánh xèo ở những địa phương khác, bánh xèo Bạc Liêu được biết đến vì kích cở “ngoại khổ” mà ai đã một lần được nếm thử đều cảm thấy ấn tượng khó quên. Trong chừng mươi năm trở lại đây, cùng với sự phát triển thành điểm du lịch sinh thái của tỉnh Bạc Liêu, Giồng Nhãn với cảnh quan đẹp và không khí trong lành đã trở thành tụ điểm quen thuộc của loại hình càfé vườn và bánh xèo nổi tiếng.

a

 Ảnh: nguồn Báo Hậu Giang (8-9-2009)

Để làm nên chiếc bánh xèo là cả một nghệ thuật. Từ một vá bột pha loãng đổ vào chảo, người tráng phải cầm hai quai chảo đảo một vài lượt sao cho lớp bột tráng đều trên mặt chảo, tiếp đến mới cho nhân vào. Nhân gồm tép bạc và thịt heo nạc đã được xào chín, giá sống, củ sắn (củ đậu), một ít đậu xanh đã hấp chin, hành tây. Người tráng phải canh lửa sao cho bánh vàng đều rồi gấp lại thành hình bán nguyệt. Bánh đạt yêu cầu phải có màu vàng nghệ, chín đều mà không bị cháy sém, thoang thoảng mùi thơm của nước cốt dừa. Bánh xèo Bạc Liêu ngon là nhờ sự khéo tay của người tráng bánh, đạt được độ mềm dẻo, quyện mà không dính, miếng bánh dù ở chỗ nào khi cắn vào cũng nghe tiếng giòn rụm trong miệng kích thích tính thèm ăn. Tuy cùng một loại nhân như nhiều địa phương Nam bộ khác nhưng có lẽ nhờ vị mặn biển Bạc Liêu mà con tép ở đây mang hương vị đậm đà.

Các chủ nhân bánh xèo Giồng Nhãn đã đưa vào danh sách phụ gia gần 20 loại rau khác nhau, từ những loại rau có ngoài chợ như xà lách, cải xanh, húng quế, diếp cá, rau húng… đến các loại rau trong vườn nhà như đọt điều, đọt xoài non, đọt cóc, đọt bằng lăng, đọt mọt, đọt lá cách, đọt cơm nguội, đọt sung non, những vị thuốc qúy như tía tô, mã đề, kim thất, đọt bứa… càng làm tăng thêm tính hấp dẫn và lạ miệng của món bánh xèo nơi đây. Tuy vậy món ngon sẽ không hoàn hảo nếu thiếu món nước chắm được pha chế khéo léo, vừa đủ độ mặn lại vừa mang chút vị chua của chanh, vị ngọt của đường, vị nồng cay của tỏi, ớt… Ăn bánh xèo Giồng Nhãn sẽ càng hợp khẩu vị khi “đưa cay” bằng ly rượu nhãn độc đáo có xuất xứ địa phương.

Không chỉ thuyết phục được các thực khách địa phương, bánh xèo Giồng Nhãn còn hấp dẫn cả những người sành ăn đến từ tỉnh Sóc Trăng láng giềng. Du khách đến Bạc Liêu, sẽ là thiếu sót nếu chưa một lần thưởng thức món bánh xèo tại khu giồng nhãn nổi tiếng này…

Mai Kim Thành

Danh mục nội dung