» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng

thu nhỏ | phóng to

25/11/2010

THÁP CỔ VĨNH HƯNG - BẠC LIÊU


Trên địa bàn ấp Trung Hưng 1 thuộc xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi cách thị xã Bạc Liêu chừng 20km về phía Tây Bắc, tháp Vĩnh Hưng là di tích kiến trúc cổ của người Khmer Nam bộ, dấu vết của một khu dân cư đã tồn tại và phát triển từ nhiều thế kỷ trước. Theo nội dung được khắc bằng chữ Phạn trên một tấm bia tìm thấy trong ngôi chùa cạnh tháp, có ghi rõ tháng Karhita năm 814 (tức năm 892 sau Công nguyên) và tên vua Yacovar - Man (thế kỷ 9), các nhà khảo cổ Pháp đã xác định tháp được xây dựng vào khoảng thế kỷ 9 sau công nguyên để thờ Yacovar - Man, một vị vua Khmer.

a

Tháp cổ Vĩnh Hưng -- Ảnh: Mai Kim Thành

Được dựng trên một doi đất thấp, tháp Vĩnh Hưng có cấu trúc khá đơn giản với bình diện hình chữ nhật, tường dày, nóc cao uốn thành vòm có một cửa quay về hướng Tây, hai cạnh chân tháp rộng 5,6m và 6,9m, do phần đỉnh tháp đã bị hư hại nên chiều cao của phần còn lại hiện đo được 8,2m. Toàn bộ tháp được xây dựng bằng gạch và gắn kết rất khít khao nhưng không nhìn thấy dấu vết của vữa kết dính. Bên trong tháp trước đây còn thấy một bàn tay của tượng thần bằng đồng, một phần thân dưới của tượng nữ thần bằng đá xanh, tượng nữ thần Brahma với mặt bằng đồng, đầu tượng Phật bằng đồng… cùng một số vật thờ khác. Ngày nay du khách đến tháp không còn thấy những cổ vật này, thay vào đó là bộ linga và yoni bằng đá mới được đặt vào không mấy giá trị về mặt lịch sử cũng như nghệ thuật.

a

Tháp cổ Vĩnh Hưng -- Ảnh: Mai Kim Thành

Qua các đợt đào thám sát vào các năm 1911, 1917, 1959 trong khu vực tháp, các nhà khảo cổ đã phát hiện những mảnh gốm thuộc nền văn hóa Óc Eo, những tượng đồng trong đó có cả tượng bốn mặt. Gần đây nhất là đợt khai quật tháng 3-2002, các nhà khảo cổ đã phát hiện những tấm ngói còn nguyên vẹn hoa văn, nhiều tượng đồng đặc biệt qúy hiếm, chưa hề tìm thấy ở đâu cũng như chưa từng được đề cập đến trong các sách nói về tượng cổ.


a

Tháp cổ Vĩnh Hưng -- Ảnh: Mai Kim Thành

Tháp Vĩnh Hưng tuy đã được tôn tạo một phần nhưng do không được quản lý thấu đáo, nhiều viên gạch mới thay thế đã bị bong tróc, phần nóc phía sau có nguy cơ bung gạch và đổ sập bất cứ lúc nào. Hiện đã có dự án tôn tạo, trùng tu cùng với việc xây dựng phòng trưng bày các hiện vật khai quật và các tư liệu liên quan đến ngôi cổ tháp. Hy vọng trong tương lai không xa, du khách đến nơi đây sẽ có dịp hồi niệm về một thời quá vãng vàng son bên ngôi cổ tháp thuộc nền văn hóa Óc Eo còn sót lại duy nhất ở vùng Tây Nam bộ, một công trình kiến trúc nghệ thuật đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận di tích lịch sử kiến trúc cấp quốc gia từ năm 1992.

Mai Kim Thành

Danh mục nội dung