» Giới thiệu » Tham quan » Điểm hẹn tâm linh
25/11/2010
NHÀ THỜ TẮC SẬY
Trên quốc lộ 1A từ Bạc Liêu đi Cà Mau ngang qua thị trấn Hộ Phòng thuộc huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, du khách sẽ rất ngạc nhiên khi giữa miền đất nghèo vùng bán đảo Cà Mau hiện diện một cụm kiến trúc uy nghi đường bệ – đó là nhà thờ Tắc Sậy gắn với nơi an nghỉ của Linh mục Trương Bửu Diệp mà từ gần 30 năm nay được nhiều người biết đến với lòng sùng mộ.
Nhà thờ Tắc Sậy & Nhà khách uy nghi bề thế – Ảnh: Mk. Thành
Linh mục Trương Bửu Diệp sinh ngày 1-1-1897 tại họ đạo Cồn Phước, làng Tấn Đức nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, trong một gia đình nghèo và đạo hạnh. Năm 12 tuổi đã được gởi vào học tại Tiểu chủng viện Cù Lao Giêng và sau đó được học tiếp tại Đại chủng viện Nam Vang. Đến năm 1924 đã thụ phong linh mục tại Nam Vang và được bổ nhiệm làm phó xứ họ đạo Hố Trư, một họ đạo của những người Việt Nam sinh sống tại tỉnh Kandal, Campuchia. Năm 1927, được chuyển về làm giáo sư tại Tiểu chủng viện Cù Lao Giêng và đến tháng 3-1930 được cử quản nhiệm họ đạo Tắc Sậy.
Nhà khách & nơi an nghỉ Lm. Trương Bửu Diệp cạnh Nhà thờ Tắc Sậy – Ảnh: Mk. Thành
Theo lời kể của ông Huỳnh Văn Lập, một người khi còn nhỏ đã từng là chú bé giúp lễ cho Linh mục Diệp (nay ông đã gần 80 tuổi và vẫn còn sinh sống tại Tắc Sậy), thì trong thời kỳ xảy ra chiến tranh giữa Nhật và Pháp tình hình nơi đây rất nhiễu nhương, dân địa phương nhiều người đã phải sơ tán đi nơi khác. Chính Linh mục Trần Minh Ký là bề trên địa phận lúc đó đang ở tại Bạc Liêu đã khuyên Người nên lánh mặt và người Pháp cũng đã 3 lần đưa xe đến đón và khuyên Người tạm lánh về những nơi an ninh chờ tình hình yên ổn rồi hãy trở về với xứ đạo, nhưng Người đã khẳng khái trả lời: “Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết cũng giữa đoàn chiên”.
Bên trong Nhà thờ Tắc Sậy ngày nay – Ảnh: Mk. Thành
Ngày 12-3-1946, Người bị người Nhật bắt cùng với trên 70 giáo dân thuộc họ đạo Tắc Sậy, tất cả đã bị lùa đi và nhốt chung tại lẫm lúa của ông giáo Sự ở Cây Dừa. Tại đây họ đã chất rơm chung quanh định thiêu sống tất cả nhưng chính Người đã đứng ra tranh đấu cho dân và an ủi động viên những người bị giam. Người cũng đã khuyên giáo dân sám hối và nhận ơn xá giải. Sau hai lần bị mời đi làm việc, đến lần thứ ba thì không thấy Người trở về nữa. Điểm khác thường là sau khi Người bị mời đi lần thứ ba, bổn đạo thấy cửa lẫm mở ngỏ nên họ đã trốn thoát hết.
Nhà khách và nơi an nghỉ Lm.Trương Bửu Diệp – Ảnh: Mk. Thành
Chừng ít ngày sau giáo dân tìm thấy xác Người trong một ao vườn nhà ông giáo Sự, với thân xác trần trụi và một vết chém sau ót ngang mang tai. Giáo dân đã vớt thi hài Người lên và an táng trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo. Đến năm 1969, hài cốt Người được di dời về nhà thờ Tắc Sậy, nơi Người đã từng quản nhiệm 16 năm và là vị chủ chăn thứ hai của xứ đạo này. Ngôi nhà mồ được trùng tu và khánh thành ngày 4-6-1989, đến 12-3-2010 nhân dịp lễ giỗ, hài cốt của Người đã được an vị trong một khu nhà mới khang trang và rộng rãi, với rất nhiều phòng nghỉ để khách đến với Người được tiếp đón và có chỗ nghỉ ngơi.
Phần mộ Lm. Trương Bửu Diệp (cải táng) – Ảnh: Mk. Thành
Theo nhiều câu chuyện truyền miệng, đã có không ít trường hợp về đây xin ơn và được ơn. Tiếng lành đồn xa, nhiều người từ khắp nơi đã ùn ùn kéo đến. Điểm đáng ghi nhận là trong số những người hành hương về đây, có đến 70% không phải là người Công giáo. Họ đến từ khắp mọi miền đất nước và cả những người Việt đến từ nhiều nơi trên thế giới, mang theo cả những biểu hiện lòng tin hoàn toàn khác lạ với truyền thống Công giáo, thậm chí có những biến tướng bị giáo lý Công giáo đánh giá là mê tín (!).
Mái đón tại nơi dẫn vào mộ cũ Lm. Trương Bửu Diệp – Ảnh: Mk. Thành
Cho đến nay, cùng với việc xây dựng lại cơ ngơi khang trang, đã có những điều chỉnh uốn nắn và những biểu hiện lệch lạc hầu như chỉ còn là kỷ niệm buồn của quá khứ. Mọi người đến đây hôm nay đã biết tiết chế, thể hiện lòng kính ngưỡng đúng mực gần gũi hơn với truyền thống Công giáo. Phải chăng là điểm son nhưng cũng là điều bất tiện cho khách hành hương, khi họ không thể tìm mua hình ảnh của “bậc đáng kính” Công giáo - Linh mục Trương Bửu Diệp ngay tại đây, dù trong hay ngoài khuôn viên Nhà thờ Tắc Sậy?
Nơi an táng đầu tiên Lm. Trương Bửu Diệp – Ảnh: Mk. Thành
Ngày tiếp ngày, dòng người sùng mộ vẫn đổ dồn về đây. Ngôi nhà nơi đặt di hài Linh mục Trương Bửu Diệp không bao giờ vắng bóng người, đặc biệt vào các ngày 11 - 12 / 3 hằng năm là ngày giỗ của Người. Từ trong thâm tâm mỗi người đến đây cầu nguyện đều muốn nói lên lòng tin về sự linh hiển của Người và mong được Người phù trợ, cầu bầu… nhưng bản thân Người lại tin vào Thiên Chúa, và vì vậy phải hiểu Người chỉ là đấng trung gian cầu bầu, còn ơn phù trợ của Người là do và đến từ Thiên Chúa.
Mai Kim Thành
* Cập nhật và bổ sung hình ảnh ngày 24-9-2019.
Chủ đề liên quan :
- CHÙA XIÊM CÁN 25/11/2010