» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Làng nghề

thu nhỏ | phóng to

25/11/2010

CHIẾU CÀ MAU


Nếu ở đâu đó trên đất nước này, đã có những làng nghề thủ công truyền thống như điêu khắc, chạm trổ hay đúc đồng với những sản phẩm mang nhiều nét tuyệt kỷ, đem đến niềm tự hào cho người dân địa phương, thì tại vùng đất địa đầu heo hút này, đã tồn tại những làng nghề đan dệt chiếu như Tân Thành, Tân Duyệt, Tân Lộc… nổi danh khắp Nam kỳ lục tỉnh từ lâu đời, trước cả khi bài ca vọng cổ “Tình anh bán chiếu” xuất hiện, kể về mối tình của anh chàng bán chiếu ở Cà Mau với cô thôn nữ duyên dáng trên vàm sông Ngã Bảy đất Tây Đô. Phải nói nhờ giọng ca mùi mẫn của nghệ sỹ Út Trà Ôn mà chiếu Cà Mau đã được chắp cánh và có cơ hội được biết đến ở nhiều vùng miền khắp cả nước.

aDệt chiếu – Ảnh: Huỳnh Lâm (baoanhdatmui – 8.9.2008)

Với nguyên liệu chính là lác và bố, những người thợ dệt chiếu phải chọn những cọng lác bóng mượt, đều nhau và dài gần 2 mét, kết hợp với những cọng trăn se mịn từ vỏ cây bố để làm nên những đôi chiếu đẹp. Nhưng quan trọng nhất chính là khâu “lẫy” chữ, bông hoa hoặc hoa văn. Người thợ dệt chiếu phải kỳ công chọn từng cọng lác có màu sắc thích hợp để sau khi “lẫy” xong, trên mặt chiếu hiện lên một bức tranh hoàn mỹ với nhiều biến tấu, có thể đó là những bông hoa rực rỡ cho đôi chiếu trải trên bộ ván gõ dùng bày biện thức ăn trong các dịp giỗ, Tết, hoặc chữ “Trăm năm Hạnh phúc”, “song hỷ” cho đôi chiếu làm quà tặng trong những dịp cưới xin… Để duy trì nét đẹp truyền thống của làng nghề, những bà mẹ làng chiếu thường tỉ mẫn truyền lại cho con gái nghệ thuật dệt chiếu “lẫy” như một kế mưu sinh dự phòng.

a

Niềm vui bên những đôi chiếu thành phẩm
Ảnh: Huỳnh Lâm (baoanhdatmui – 8.9.2008)

Du khách về thăm Cà Mau, nếu có dịp tham dự các buổi liên hoan đờn ca tài tử, thế nào cũng được nghe “nổi lòng” của chàng trai bán chiếu được mở đầu bằng câu “Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm! Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu, chiếu này tôi chẳng bán đâu, tìm em không gặp tôi gối đầu mỗi đêm!” như một cách “tiếp thị” nghề truyền thống địa phương nhẹ nhàng mà vẫn đầy tính văn hóa…

Mai Kim Thành

Danh mục nội dung