» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Đặc sản
25/11/2010
ONG RỪNG U MINH
Nếu rừng U Minh được biết đến như một kiểu rừng đặc thù được xếp vào loại độc đáo và qúy hiếm trên thế giới, thì quả đáng tự hào khi vào ngày 26-5-2009, Ủy ban Điều phối Quốc tế về chương trình Con người và Sinh quyển (thuộc UNESCO) đã đưa Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Rừng U Minh có giá trị sinh khối cao với khoảng 250 loài thực vật trong đó chủ yếu là cây tràm…
Ảnh: nguồn matongrung.com
Do tràm mọc dày nên trong rừng suốt ngày luôn thâm u, tạo điều kiện thuận tiện cho các loài ong làm tổ. Từ rất lâu người dân nơi đây đã biết cách gác kèo cho ong và khai thác các phó sản của rừng. Kèo ong là một khúc tràm trên 15 năm tuổi, dài chừng một tầm đo đất (khoảng 3m) được chẻ đôi và róc sạch vỏ, đục lỗ ở hai đầu để dễ dàng gác lên hai khúc cây cắm dựng đứng với một độ dốc vừa phải cho ong làm tổ. Để dẫn dụ loài ong, người gác kèo còn phải bôi thêm một lớp sáp vào kèo. Trung bình một năm mỗi hộ có thể gác được khoảng 200 kèo và mỗi kèo có thể thu về chừng 10 lít mật sau 3 đợt thu hoạch. Có điều không phải kèo nào cũng được ong “chiếu cố” và những người cao tay có thể đạt trên 80% kèo có ong làm tổ – đây chính là sự khác biệt nói lên tay nghề của người gác kèo và mỗi gia đình thường có một bí quyết riêng.
Một tổ ong rừng tràm U Minh – Ảnh: nguồn Báo Đất Mũi
Mật ong rừng U Minh có màu hổ phách với hương tràm rất đặc trưng, vị ngọt gắt và không lẫn vị chua hay vị đắng. Do mật lấy vào mùa mưa có một lượng nước nhất định nên sử dụng trong khoảng một năm là tốt nhất, bởi để lâu chất lượng sẽ giảm, còn mật lấy vào mùa nắng hạn có chất lượng rất cao nên có thể để dành sử dụng đôi ba năm không bị biến chất, đổi màu hay đọng chất đường, là một sản vật qúy hiếm có giá trị cao về dinh dưỡng… Riêng xác tổ ong hay còn được người dân địa phương gọi là mứt cũng là một loại đặc sản của rừng, người ta có thể ăn ngay khi chấm chúng với mật ong hoặc làm món gỏi khi gỡ hết ong non rồi trộn với bắp chuối, thêm vào một ít rau răm và đậu phụng rang giả nhỏ sẽ thành một món nhậu không thể nào tả nổi, riêng ong non mà đem chấm với mật ong sẽ cho vị bùi béo rất thơm.
Ăn ong thường vào mùa khô – Ảnh: nguồn báo Đất Mũi
Du khách đến vùng U Minh vào những tháng hanh khô (6 tháng đầu năm), có thể theo chân người dân địa phương đi rừng ăn ong hoặc thưởng thức nhiều món ngon từ tổ ong được chế biến một cách tài tình và không kém phần hấp dẫn… Do người U Minh và nhất là dân trong tập đoàn phong ngạn đã có lời thề với tổ nghiệp “ăn ong” là họ sẽ không bao giờ pha nước vào mật ong, nên du khách đến đây có thể yên tâm khi mua mật ong từ những hộ gác kèo để sử dụng hay làm quà tặng người thân, bạn bè…
Mai Kim Thành