» Giới thiệu » Tham quan » Thắng cảnh
25/11/2010
HÒN KHOAI - CÀ MAU
Nằm về phía Tây Nam thị trấn Năm Căn thuộc xã Tân An, huyện Ngọc Hiển, cách đất liền ở cửa Rạch Gốc chừng 25km và cách bãi Khai Long tận mũi Cà Mau khoảng 14km, hòn Khoai là cụm đảo đá có gốc thủy tra thạch trầm tích được nâng lên khỏi mặt biển từ thời kỳ tạo sơn, gồm hòn Khoai, hòn Khô, hòn Sao, hòn Qui và hòn Đá Lẻ với núi non, rừng, biển rất thơ mộng và đậm chất hoang sơ, nổi bật trong số này là hòn Khoai với diện tích 420ha và cao 318m. Nơi đây không có cư dân, hiện diện trên đảo chỉ gồm một số đơn vị làm nhiệm vụ như Hải quân đóng ở bãi Lớn phía Đông đảo, Biên phòng và Kiểm lâm ở bãi Nhỏ phía Tây Nam đảo, một tổ công tác của Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải trông coi ngọn đèn biển trên đỉnh hòn Khoai.
Hòn Khoai nhìn từ xa - Ảnh: nguồn Camau.gov.vn
Tương truyền đảo có tên hòn Khoai là vì ở đây có nhiều giống khoai rừng, cứ đến mùa mưa là đua nhau nẩy mầm, trở thành món quà hào phóng thiên nhiên ban tặng cho người lạc bước. Thực tế nhìn từ trên cao, đảo có hình dáng giống củ khoai. Trong thời Pháp thuộc, cụm đảo hòn Khoai có tên ghi trên địa bạ là Poulo Obi. Năm 1939, trên độ cao 317,5m tại vị trí 8°25’36’’ vĩ độ Bắc - 104°50’06’’ kinh độ Đông, người Pháp đã cho xây dựng đèn biển Hòn Khoai trong hệ thống hải đăng Cần Giờ - Côn Đảo - Phú Quốc. Đèn được xây bằng đá hộc, mỗi cạnh 4m, cao 15,7m, bên trong có thang xoắn và đèn pha sáng tới 35 hải lý. Cạnh ngọn hải đăng hiện còn thấy một bia lưu niệm ghi lại sơ lược cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai của nhà giáo Phan Ngọc Hiển cùng các đồng chí, đã giết tên chúa đảo Oliver, giải phóng hòn Khoai ngày 13-12-1940.
Hòn Khoai tồn tại một mẫu rừng nguyên sinh đặc chủng của miền Đông Nam bộ, với nhiều loài cây gỗ qúy như dầu, bằng lăng cổ thụ, sao, muỗng, ràng vàng, những loài thảo dược qúy hiếm như huyết rồng, kỳ hương, phục linh, thiên niên kiện, rán bay, thần thông, cát lồi, nấm linh chi… Theo thống kê của ngành lâm nghiệp, rừng nơi đây có trên 221 loài thực vật bậc cao thuộc 78 họ; động vật cũng khá phong phú với các loài khỉ, gà rừng, trăn hoa, kỳ đà, sóc bụng trắng… và hơn 20 loài chim qúy.
Ảnh: Hoài Phương (Thanh Niên Online – 22.11.2009)
Không chỉ là một ngư trường đánh bắt lý tưởng, có thể tập hợp hàng ngàn tàu thuyền từ khắp nơi về đây bán cá, tiếp nhiên liệu hoặc trú bão khi cần thiết, Hòn Khoai còn là điểm nghiên cứu khoa học với mẫu rừng nguyên sinh đặc chủng và là điểm du lịch khá ấn tượng với bãi đá cuội thật đẹp và hai bãi cát vàng óng ả, thoai thoải thuận tiện câu cá và tắm biển. Tuy được công nhận là khu di tích danh thắng của tỉnh Cà Mau từ năm 1994, lại chứa đựng tiềm lực lớn về du lịch và kinh tế biển nhưng Hòn Khoai với mỹ danh “Giáng Tiên” vẫn là nàng tiên ngủ quên trong chuyện cổ tích đang chờ được đánh thức.
Trong nỗ lực kích cầu du lịch, UBND tỉnh Cà Mau đã thông qua qui hoạch phát triển cụm đảo hòn Khoai thành trung tâm du lịch sinh thái với tổng diện tích 461ha, theo hướng đa dạng loại hình phù hợp với nhiều lứa tuổi. Hy vọng trong tương lai không xa, Hòn Khoai không còn cô liêu mà trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch bốn phương…
Mai Kim Thành