» Giới thiệu » Tham quan » Điểm đến khác

thu nhỏ | phóng to

25/11/2010

THỊ TRẤN SÔNG ĐỐC


Tại ngã ba Cái Tàu, nơi hai dòng sông Trẹm và Cái Tàu gặp nhau đã mở ra dòng sông thứ ba dài 44km, rộng trung bình 1km đưa nguồn nước đổ ra vịnh Thái Lan, đó là sông Đốc mà trước đây từng có tên gọi Sa Giang. Về tên gọi sông Đốc, đã có một lý giải thú vị: năm 1782 khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, ông đã chạy về vùng đất phương Nam, dừng chân tại Sa Giang để tính kế cầu viện quân Xiêm. Không coi là thượng sách việc cõng rắn cắn gà nhà, một vị quan tên Đốc đã dũng cảm can ngăn kế hoạch này và hậu quả là ông đã bị ám hại. Để tôn vinh nghĩa khí của vị quan yêu nước, người dân đã đặt tên ông cho dòng sông này, gọi là sông “Ông Đốc”. Sau này do nhu cầu nói tắt mà người ta đã đọc lướt thành sông Đốc như hiện nay (!).

a

Một góc thị trấn Sông Đốc  Ảnh T. Hiền (dddn.com.vn – 16-5-2010)

Từ trung tâm thành phố Cà Mau, chỉ mất hơn một giờ ngồi ca-nô là đến được thị trấn Sông Đốc thuộc huyện Trần Văn Thời, một trung tâm phố thị sầm uất, đặc biệt với một bên là dòng sông Ông Đốc và một bên là vịnh Thái Lan hay còn gọi biển Tây, nơi tập trung lượng tàu thuyền đông đảo nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Do nằm không xa các điểm du lịch nổi tiếng ở Cà Mau như hòn Đá Bạc, đảo Hòn Chuối, cửa biển Cái Đôi Vàm… lại đan xen các di tích văn hóa lịch sử như đền chùa hay làng nghề (đan lưới, đóng ghe xuồng, làm tôm khô…) cùng một nền văn hóa mang nhiều sắc thái miệt biển, Sông Đốc đương nhiên lọt vào tầm ngắm của khách du lịch.

a

Đoàn thuyền lễ trong lễ hội Nghinh Ông  Ảnh: Huỳnh Duy Anh (baoanhdatmui.vn)

Thị trấn nhỏ bé này càng rộn ràng hơn với nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc, đáng kể nhất là lễ hội Nghinh Ông hay còn gọi lễ rước Đại tướng quân Nam Hải được tổ chức vào tháng Hai âm lịch hàng năm, với những nghi thức độc đáo như điểm nhãn cho những con tàu hay nghi lễ hạ thủy gợi nhớ một thời khẩn hoang cùng những nỗ lực chinh phục biển cả hào hùng của tiền nhân…

Mai Kim Thành

Danh mục nội dung