» Giới thiệu » Tham quan » Điểm hẹn tâm linh
03/01/2011
THÁNH ĐỊA LA VANG
Nằm trong khu vực Dinh Cát thời chúa Nguyễn Hoàng nay thuộc xã Hải Phú, huyện Hải Lăng cách thị xã Quảng Trị khoảng 6km về phía Nam và cách thành phố Huế độ 60km về phía Bắc, linh địa La Vang là trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc của giáo hội Công giáo Việt Nam.
LA VANG - VÙNG ĐẤT THÁNH
Từ Đông Hà theo quốc lộ 1A vào Nam, phía tay phải có 2 lối rẽ vào cách nhau chừng 5km, một chỗ có tấm bảng đề “Thánh địa La Vang 2km” và một chỗ có tấm bảng đề “La Vang 4km” vốn là con đường xưa khá rộng đưa khách hành hương vào đến quảng trường Mân Côi với ngôi Vương cung Thánh đường đã bị đổ nát do chiến tranh nay chỉ còn trơ lại ngôi tháp cổ.
Ảnh: nguồn tonggiaophanhue.net
La Vang là tên đọc trại từ chữ “lá vằng”, một loại cây thân leo, hoa trắng, hạt đen, vị đắng có nhiều ở các ngọn đồi vùng La Vang xưa (trong địa bộ làng Cổ Vưu có ghi “phường Lá Vằng”). Từ chốn Lá Vằng hay “la vang” giữa chốn núi rừng thâm u để xua đuổi thú dữ, câu chuyện về Đức Maria hiện ra an ủi, nâng đỡ con cái trong thời loạn ly cấm cách đã được truyền tụng qua bao thế hệ. Thực ra không ai biết được đích xác Đức Mẹ đã hiện ra tại La Vang năm nào, nhưng theo khẩu truyền thì vào khoảng từ năm 1765 – 1802, lúc nước nhà đang quằn quại giữa cảnh trăm họ lầm than do chiến tranh hoặc do cơn bách đạo gây nên. Có người đã cho rằng đó là năm 1798, năm Cảnh Thịnh bắt đạo nhưng thực ra cũng chỉ là nói theo phỏng đoán. Tuy vậy, người ta đã có thể ghi nhận tại nơi ngày nay là linh đài Đức Mẹ, ngay từ những năm đầu triều vua Minh Mạng (1820 – 1841) đã có nền thờ vọng để thờ kính Đức Mẹ.
Linh đài Đức Mẹ La Vang – Ảnh: nguồn tonggiaophanhue.net
TRUNG TÂM THÁNH MẪU LA VANG
Năm 1886, Đức Giám mục Gaspar Lộc đã cho xây ngôi nhà thờ bằng gạch dâng kính Đức Mẹ, khánh thành ngày 8-8-1900. Nhân dịp này, đã tổ chức lần đầu tiên Đại hội Thánh Mẫu La Vang và ấn định cứ 3 năm một lần tổ chức đại hội tam nhật kính Đức Mẹ.
Đến năm 1923, Đức Giám mục Allys Lý quyết định xây dựng một ngôi nhà thờ rộng lớn hơn và khánh thành vào tháng 8 năm 1928. Đây là ngôi nhà thờ đổ nát với ngôi tháp chuông còn lại như hiện thấy và là đền thờ được hiến thánh để trở nên Tiểu Vương cung thánh đường của Giáo hội Công giáo vào ngày 22-8-1961, nhân dịp đại hội 15 và bằng sắc chỉ “Magno Nos” (Để muôn đời ghi nhớ) của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII.
Trong hai năm 1961 – 1962, Đức Tổng Giám mục Ngô Đình Thục đã nhờ kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế xây dựng quảng trường Mân Côi với 15 pho tượng mầu nhiệm Mân Côi bằng đá cẩm thạch, hồ Tịnh Tâm và đài Đức Mẹ với ba cây đa bằng xi-măng. Các pho tượng Mân Côi bị bom đạn chiến tranh phá hủy nay đã được trùng tu lại, nhưng điều đáng kinh ngạc là trong khi từng mét vuông đất nơi đây đều bị bom đạn cày xới thì ba cây đa cao 20m với pho tượng Đức Mẹ vẫn không hề hấn gì.
Quảng trường Mân Côi, nơi diễn ra lễ bế mạc - Ảnh: nguồn Vietcatholic.org
ĐỨC MẸ LA VANG VỚI TRANG PHỤC VIỆT NAM
Năm 1998 nhân dịp kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, một mẫu tượng Đức Mẹ với trang phục dân tộc Việt Nam đã được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cho phép sử dụng. Đây là bức tượng diễn tả Đức Mẹ La Vang trong tư thế là một người mẹ nhân từ, đồng thời cũng là vị nữ hoàng uy linh, theo mẫu do họa sĩ kiêm điêu khắc gia Văn Nhân thực hiện.
Nhân dịp bế mạc Năm Thánh 2010 của Giáo hội Công giáo Việt Nam, kỷ niệm 350 năm thành lập 2 Giáo phận Tông tòa Đàng Trong, Đàng Ngoài (1659 - 2009) và 50 năm thành lập hàng Giáo phẩm Việt Nam (1960 - 2010), đồng thời cũng là Đại hội Thánh Mẫu lần thứ 29 (4 – 6.1.2011), tượng Đức Mẹ tại linh đài đã được thay thế bằng bức tượng mới với chất liệu đá qúy thạch anh cao 2,9m, được điêu khắc gia Võ Tấn Tánh thực hiện theo mẫu của điêu khắc gia Văn Nhân, có thêm thắt phần mây dưới chân đế tạo sự liên kết và tính thẩm mỹ.
Bức tượng này đã được Đức Hồng y Ivan Dias – đặc sứ của Đức Giáo hoàng Benedic XVI cử hành nghi thức thánh hiến vào chiều ngày 5-1-2011. Sau lễ bế mạc, Đức Hồng y Ivan Dias cũng đã cử hành nghi thức đặt viên đá đầu tiên tái thiết Vương cung Thánh đường La Vang.
Lắp đặt pho tượng bằng đá qúy thạch anh tại linh đài
Ảnh: nguồn tonggiaophanhue.net
Khách hành hương đến La Vang năm nay còn có dịp mục kích tượng đài Đức Mẹ La Vang đặt tại nhà trưng bày Trung tâm hành hương, được nhà điêu khắc Nguyễn Hữu Thạo thực hiện trên chất liệu gỗ pơmu. Có thể nói đây là một tác phẩm “hoành tráng” không chỉ với chiều cao 3,9m, mà còn bởi nội dung chuyển tải khá phong phú với “thiên cung thần phẩm” rất sáng tạo, đặc biệt gương mặt Đức Mẹ tuy mang vẻ thanh tú, hiền hậu của một thiếu nữ Việt Nam nhưng vẫn toát lên thần thái tinh anh của một đấng bậc mẫu nghi thiên hạ. Điểm thú vị, tác giả không phải là người Công giáo và tác phẩm này đã được Ban Chấp hành Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao tặng danh hiệu “Sản phẩm tinh hoa làng nghề” ngày 6-11-2010. Tuy không được đưa vào hàng “chính thống” nhưng hình tượng Mẹ La Vang và Chúa Hài Đồng do Nguyễn Hữu Thạo khắc họa với những nét tinh tế, sắc sảo và đầy tính nhân văn sẽ ghi một dấu ấn sâu đậm nơi những ai đã một lần chiêm ngắm bức thánh tượng độc đáo này…
Ảnh: nguồn Vietcatholic.org
Ảnh: nguồn tuonggoconggiao.com
NHỮNG NGÀY THÁNG ĐÁNG NHỚ…
Từ năm 1900 đến năm 1999 của thế kỷ XX, đã có 25 lần đại hội và một đại hội đặc biệt được tổ chức năm 1998 nhân dịp kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang. Trong khoảng thời gian 50 năm trở lại đây của lịch sử La Vang, có nhiều sự kiện đáng chú ý:
- Ngày 21-2-1959, Đặc sứ Toàn quyền của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII là Hồng y Agagianian đã đến kính viếng Đức Mẹ La Vang.
- Ngày 13-4-1961, hàng Giáo phẩm Huế và Sài Gòn đã quyết định thành lập Trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc tại La Vang.
- Ngày 22-8-1961, nhân dịp đại hội 15, bằng sắc chỉ “Magno Nos” (Để muôn đời ghi nhớ) của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, đền thờ Đức Mẹ La Vang được hiến thánh để trở nên Tiểu Vương cung Thánh đường của Giáo hội Công giáo.
- Ngày 1-5-1980, vào lúc 9g30 tại Hà Nội, các Giám mục Giáo tỉnh Hà Nội và toàn thể các Giám mục họp đại hội Giám mục toàn quốc đã đồng thanh biểu quyết chấp nhận Trung tâm Thánh Mẫu La Vang là Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc.
- Ngày 19-6-1988 tại Rôma, sau lễ phong hiển thánh các vị tử đạo tại Việt Nam, trong buổi đọc kinh Truyền tin, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói với Giáo hội toàn cầu về việc Đức Mẹ đã hiện ra tại La Vang năm 1798, về Trung tâm Thánh Mẫu La Vang và về Vương cung Thánh đường La Vang được thánh hiến năm 1961.
- Ngày 20-10-1997, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ban phép mở Năm Toàn xá Đức Mẹ La Vang cho toàn thể cộng đồng tín hữu Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang (1798 - 1998).
- Ngày 1-8-1998, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II gởi thư công bố và bổ nhiệm Đức Hồng y Tổng Giám mục Hà Nội làm đặc sứ của Đức Giáo hoàng để cử hành ngày đại lễ kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang.
- Năm 1998 dịp kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cho phép sử dụng mẫu tượng Đức Mẹ La Vang trong quốc phục Việt Nam, vừa thể hiện sự hội nhập văn hóa vừa nói lên sự kính trọng của Giáo hội đối với cộng đồng dân tộc Việt Nam. Cũng trong dịp này, Ngài đã ban tặng chén thánh và huy hiệu Giáo hoàng như một dấu ấn về sự hiện diện của Ngài tại La Vang để cùng cộng đoàn dâng hy lễ tạ ơn.
- Ngày 1-12-2005, Đức Hồng y Crescenzio Sepe chủ sự nghi lễ khánh thành nhà hành hương.
- Ngày 10-4-2008, tại cuộc họp giữa UBND tỉnh Quảng Trị và Tòa Tổng Giám mục Huế, chính quyền tỉnh Quảng Trị thông báo sẽ bàn giao 21,1078ha đất thánh địa La Vang cho Giáo hội Công giáo sử dụng, cộng thêm 2,0480ha đề nghị giữ làm khu sinh thái. (Toàn bộ diện tích Trung tâm Thánh Mẫu La Vang là 24,8855ha, từ sau 1975 chỉ còn được sử dụng khoảng 6 – 7ha, phần đất còn lại đã giao cho người dân canh tác, nay các hộ này phải dời đi dành đất cho sinh hoạt tôn giáo).
- Ngày 13-6-2008, phái đoàn Tòa thánh do Đức Ông Pietro Parolin dẫn đầu đã chủ tế thánh lễ tại linh đài Mẹ La Vang. Trong dịp này, Ngài đã chuyển đến La Vang món quà của Đức Giáo hoàng Benedic XVI, đó là chiếc hào quang dùng cho việc suy tôn Thánh Thể.
- Ngày 28-12-2010, Đức Giáo hoàng Benedic XVI đã bổ nhiệm Đức Hồng y Ivan Dias, Tổng trưởng Thánh bộ Truyền giáo làm đặc sứ chủ tọa lễ bế mạc Năm Thánh tại Việt Nam và Đại hội Thánh Mẫu La Vang lần thứ 29.
- Ngày 6-1-2011, tại lễ bế mạc Năm Thánh 2010 của Giáo hội Công giáo Việt Nam và Đại hội Thánh Mẫu La Vang lần thứ 29, Đức Hồng y Ivan Dias – đặc sứ của Đức Giáo hoàng Benedic XVI đã giới thiệu chén thánh là quà tặng của Đức Giáo Hoàng gởi đến La Vang như một nghĩa cử của tấm lòng hiền phụ và mong mỏi được cùng cộng đoàn hiện diện trong hy lễ tạ ơn. Sau Thánh lễ, vị đặc sứ đã cử hành nghi thức đặt viên đá đầu tiên tái thiết Vương cung Thánh đường La Vang.
Mai Kim Thành
Chủ đề liên quan :
- CHÙA SẮC TỨ TỊNH QUANG 03/01/2011