» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Lễ hội

thu nhỏ | phóng to

08/01/2011

ĐẠI HỘI THÁNH MẪU LA VANG


Đã thành thông lệ, cứ 3 năm một lần tại linh địa La Vang thuộc xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, Giáo hội Công giáo Việt Nam tổ chức đại hội Thánh Mẫu La Vang kéo dài trong 3 ngày. Đây là một lễ hội tôn giáo đặc biệt có truyền thống hơn 100 năm và đại hội đầu tiên đã được tổ chức vào ngày 8-8-1900 nhân dịp khánh thành ngôi thánh đường bằng gạch đầu tiên dâng kính Đức Mẹ.

a

Linh đài Đức Mẹ La Vang

Tuy Đức Giám mục Gaspar Lộc đã ấn định cứ 3 năm một lần tổ chức đại hội tam nhật kính Đức Mẹ nhưng 5 lần đại hội đầu tiên và các đại hội 18, 19, 20, 21 chỉ diễn ra trong một buổi sáng, riêng đại hội 14 và 15 kéo dài đến 6 ngày gồm 3 ngày vọng và 3 ngày chính thức. Thời điểm diễn ra đại hội tuy có khác nhau nhưng đa phần nằm trong tháng 8. Theo thống kê, 5 đại hội đầu tiên diễn ra vào thượng tuần tháng 8, 4 đại hội 18, 19, 20, 21 diễn ra vào trung tuần tháng 8, 4 đại hội 6, 8, 9,11 diễn ra từ 20 – 22/8, 4 đại hội 10, 12, 13, 22 diễn ra từ 17 – 19/8, 2 đại hội 14, 15 diễn ra từ 17 – 22/8, các đại hội 23 – 28 và đại hội kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang (1998) diễn ra từ 13 – 15/8 dịp lễ kính Đức Mẹ hồn xác lên trời (15-8 hàng năm), 4 đại hội tổ chức ngoài tháng 8 gồm đại hội 7 (1 – 3/9/1919), đại hội 16 (14 – 17/5/1964), đại hội 17 (29 – 31/5/1970), đại hội 29 (4 – 6/1/2011, nhân dịp bế mạc Năm Thánh 2010 của Giáo hội Công giáo Việt Nam). Như vậy, trong khoảng từ 20 năm trở lại đây, đại hội La Vang có khuynh hướng cố định từ 13 – 15/8 và giữ đúng lệ 3 năm tổ chức một lần.

a

Dù thời tiết xấu cũng không làm nãn lòng những người con về với Mẹ

Khởi đầu đại hội La Vang chỉ mang tính địa phương của Giáo phận Huế nhưng sau khi hàng giáo phẩm Việt Nam được thành lập vào năm 1960 thì đến ngày 13-4-1961, hai Giáo tỉnh Huế và Sài Gòn đã quyết định thành lập Trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc (miền Nam) tại La Vang và đại hội lần thứ 15 tổ chức năm 1961 đã trở thành đại hội Thánh Mẫu đầu tiên mang tầm cỡ quốc gia với sự tham dự của 2 phái đoàn chính quyền miền Nam lúc bấy giờ, một do Tổng thống Ngô Đình Diệm dẫn đầu (ngày 16-8-1961) và một do Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ dẫn đầu (ngày 21-8-1961). Đến ngày 1-5-1980, vào lúc 9g30 tại Hà Nội, các Giám mục Giáo tỉnh Hà Nội và toàn thể các Giám mục họp đại hội Giám mục toàn quốc đã đồng thanh biểu quyết chấp nhận Trung tâm Thánh Mẫu La Vang là Trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc, tuy nhiên mãi đến đại hội 24 tổ chức năm 1996 thì qui mô toàn quốc mới thực sự rõ nét với sự tham gia ngày càng đông đảo của hàng giáo phẩm và giáo dân trên cả nước.

a

Mặc dù đã ấn định 3 năm tổ chức một lần đại hội, nhưng hàng năm cứ vào dịp 15-8 trong những năm không có đại hội, dòng người tín ngưỡng vẫn tuôn đổ về La Vang và Giáo tỉnh Huế vẫn tiến hành những nghi thức khá trọng thể trong ngày đại hội “không chính thức” này, trở thành một ngày hội cấp giáo phận. Ngoài ra mỗi năm vào ngày mồng 3 Tết, Giáo phận Huế cũng tổ chức hành hương minh niên, thu hút khá đông giáo dân về bên Mẹ tỏ lòng thành tín và cầu nguyện cho quốc thái dân an.

a

Theo chương trình chung của những lần đại hội gần đây và tại đại hội 29, chiều ngày thứ nhất thường diễn ra thánh lễ khai mạc và cuộc rước kiệu trọng thể kính Đức Mẹ La Vang.

a

a

Năm nay do trời mưa, Thánh lễ khai mạc phải tổ chức trong nhà nguyện

a

Đến giờ rước kiệu, cơn mưa cũng chỉ còn lất phất…

a

Cuộc rước đã diễn ra trang nghiêm và sốt sắng

a

A

a

a

Kiệu Thánh Mẫu La Vang

a

Tôn vinh Mẹ La Vang tại linh đài

a

Cao điểm là buổi chiều ngày thứ hai với nghi thức đón tiếp các chức sắc, các phái đoàn, các vị khách qúy và nghi thức khai mạc. Tại đại hội lần thứ 29 và bế mạc Năm Thánh Giáo hội Công giáo Việt Nam 2010, Đức Giáo hoàng Benedic đã cử Đức Hồng y Ivan Dias làm đặc sứ, chủ tọa lễ bế mạc Năm Thánh. Theo số liệu của Ban Tổ chức, có 42 Giám mục, gần 1.000 Linh mục và khoảng nửa triệu người cả trong và ngoài nước đã về La Vang tham dự đại hội đặc biệt này. Vào lúc 15g30, vị đặc sứ đã cử hành nghi thức thánh hiến bức tượng Mẹ La Vang bằng đá qúy tại linh đài, trước sự hiện diện của phái đoàn chính phủ Việt Nam do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu.

a

Hồng y Ivan Dias, đặc sứ của Đức Giáo Hoàng Benedic XVI đến La Vang

a

a

Phái đoàn đại diện Tòa Thánh chào kính Mẹ La Vang tại linh đài và Đức Hồng y Ivan Dias cử hành nghi thức thánh hóa bức tượng mới

Trong không khí trang nghiêm và phấn khởi, nghi thức được tiếp nối tại lễ đài với phần rước và thượng cờ 26 giáo phận, giới thiệu các phái đoàn, các vị khách qúy… Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam thay mặt cộng đoàn dân Chúa đọc diễn văn chào mừng phái đoàn Tòa Thánh và các thượng khách. Hồng y đặc sứ đã có lời đáp từ và Phó Thủ tướng Việt Nam đã có lời phát biểu chúc mừng.

a

a

a

a

a

Từ 19 giờ, chương trình ngày đại hội thứ hai được tiếp tục với phần diễn nguyện và suy tôn Thánh Thể. Các thành viên tham gia diễn nguyện đã giúp cộng đoàn có dịp hồi niệm về tình mẫu tử thánh thiêng mà Mẹ La Vang đã dành cho các bậc cha, ông, tiên tổ trong thời buổi gian nan cấm cách, đồng thời mời gọi mọi người cùng với Mẹ sống mầu nhiệm cứu độ của Con-Thiên-Chúa-làm-người và thông chia niềm vui tín thác vào tình yêu Thiên Chúa.

a

a

a

a

a

Cao điểm của đêm diễn nguyện là phần suy tôn Thánh Thể. Với nến sáng trên tay, cộng đoàn cùng tham gia rước kiệu Thánh Thể – biểu tượng và sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa trao ban cho nhân loại. Trong tâm tình lắng đọng và khát khao yêu mến, mọi người cùng cất cao lời kinh hòa bình như một dấu chỉ của tấm lòng khiêm hạ và yêu thương, một quyết tâm “cùng Mẹ ra đi loan báo Tin Mừng”…

a

a

Cung nghinh Thánh Thể

Sáng ngày thứ ba đại hội, thánh lễ bế mạc thường được tổ chức sớm, vừa tránh cái nắng nóng khắc nghiệt của mùa hè miền Trung, mà cũng để cho các tín hữu ở xa có thể về nhà kịp trong ngày. Đặc biệt trong lễ bế mạc Năm Thánh Giáo hội Công giáo Việt Nam 2010 và đại hội 29, Đức Hồng y đặc sứ đã chuyển đến La Vang chén thánh là quà tặng của Đức Giáo Hoàng Benedic XVI, như bảo chứng của tấm lòng hiền phụ và sự hiện diện của Ngài trong hy lễ tạ ơn. Sau thánh lễ, vị đặc sứ cũng đã cử hành nghi thức đặt viên đá đầu tiên tái thiết Vương cung Thánh đường La Vang.

a

Đoàn đồng tế tiến lên lễ đài

a

Vị đặc sứ giới thiệu chén thánh, quà tặng của Đức Giáo Hoàng

a

Vị đặc sứ làm phép thánh hóa viên đá đầu tiên và 27 viên đá khác tượng trưng cho 26 giáo phận và cộng đoàn dân Chúa Việt Nam tại hải ngoại

Đại hội La Vang khép lại trong bầu khí hân hoan pha lẫn bùi ngùi của người tham dự. Những giọt nước mắt, những cái vẫy tay, những lời hẹn hò gặp nhau trong kỳ đại hội tới… tất cả không chỉ là những kỷ niệm đáng nhớ, mà còn là lời nhắn nhủ động viên nhau “cùng Mẹ ra đi loan báo Tin Mừng”…

Mai Kim Thành

Ảnh: Ban Thông tin lễ bế mạc Năm Thánh (Tonggiaophanhue.net)

Danh mục nội dung