» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng
17/02/2011
DI TÍCH CUNG ĐIỆN THỜI TRẦN
Nằm về phía Bắc ngoại thành Nam Định cách trung tâm thành phố chừng 3km, Tức Mặc là một trong năm làng của xã Lộc Vượng ngày nay. Tuy cũng hiền hòa bình dị như nhiều làng quê Việt Nam khác, nhưng Tức Mặc mang trong mình niềm tự hào riêng mà không phải ở đâu cũng có, bởi đây là nơi phát tích nhà Trần.
Toàn cảnh đền Thiên Trường - Ảnh: nguồn xaluan.com
Theo sử cũ, vào năm 1239 nhà vua đã cho xây dựng hành cung ở làng quê mình. Tháng 2 năm Nhâm Tuất (1262), Thượng hoàng đến chơi ở hành cung Tức Mặc đã ban yến tiệc cho dân, thăng làng Tức Mặc thành phủ Thiên Trường và dựng tiếp cung Trùng Quang để các vua khi rời ngôi (Thái Thượng hoàng) về ở. Phía Tây hành cung là chùa Phổ Minh, còn cho dựng cung Trùng Hoa để vua đương triều có chỗ an nghỉ khi về thăm Thái Thượng hoàng.
Đền Thiên Trường - Ảnh: nguồn giacngo.vn
Trải qua 700 năm, khu cung điện nay không còn nhưng còn đó đền Thiên Trường thờ 14 vị vua Trần và đền Cổ Trạch cách chùa Phổ Minh không xa thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, một nhà chính trị, quân sự và văn hóa lỗi lạc của dân tộc, người con của quê hương Tức Mặc và là cháu ruột của vua Trần Thái Tông, đã hai lần cầm quân đánh thắng giặc Nguyên - Mông (vào các năm 1285 và 1287).
Toàn cảnh chùa Phổ Minh - Ảnh: nguồn giacngo.vn
Trong khoảng 4 năm trở lại đây, Viện Khảo cổ học và tỉnh Nam Định đã phối hợp thám sát và khai quật thăm dò nhiều vị trí dưới lòng đất thuộc quần thể di tích lịch sử - văn hóa thời Trần ở Nam Định như Vạn Khảnh, Lựu Phố, Đệ Tam Tây, Hậu Bồi, Liễu nha, Đình Kênh, Đình Cả, Đình Tây, Phương Bông, cánh đồng giữa đền Trần - chùa Tháp…, đã tìm thấy hàng trăm di vật gạch ngói, vât liệu kiến trúc có trang trí rồng, phượng bằng đất nung, các đồ gốm sứ và kim loại… có niên đại khoảng thế kỷ XIII-XIV, đặc biệt đã phát lộ dấu tích cung Trùng Hoa với một phức hợp kiến trúc gồm nhiều thành phần được bố cục rất qui cũ, đã giúp hình dung qui mô cung Trùng Hoa ngày trước.
Những phát hiện hôm nay tuy còn khá khiêm tốn cũng đã vén màn lịch sử, phản ảnh phần nào nếp văn hóa đặc thù của vùng đất hành đô trong những thế kỷ XIII-XIV cho đến thời cận đại…
Mai Kim Thành