» Giới thiệu » Tham quan » Điểm đến khác
17/02/2011
VƯỜN QUỐC GIA XUÂN THỦY
Cách thủ đô Hà Nội gần 200km và cách thành phố Nam Định 60km về phía Nam, Vườn Quốc gia Xuân Thủy nguyên là Khu bảo tồn đất ngập nước Xuân Thủy, một bãi bồi rộng lớn ở phía Nam sông Hồng được Việt Nam chọn tham gia Công ước Ramsar (*) từ tháng 1-1989, trở thành điểm “Ramsar” thứ 50 của thế giới và là điểm “Ramsa” đầu tiên của khu vực Đông Nam Á với tổng diện tích đăng ký 12.000ha, trong đó ngoài diện tích đầm lầy còn có hơn 3.000ha rừng ngập mặn. Mục đích của việc tham gia Công ước là cam kết quốc tế về việc bảo tồn và sử dụng cách thỏa đáng các vùng đất ngập nước, ngăn chặn quá trình xâm lấn ngày càng tăng vào các vùng đất ngập nước và khả năng biến mất của chúng trong hiện tại cũng như trong tương lai, đồng thời công nhận các chức năng sinh thái học nền tảng của các vùng đất ngập nước cùng các giá trị giải trí, khoa học, văn hóa và kinh tế…
Ảnh: nguồn lukhach24h.com
Năm 1992, nhằm giúp chính phủ thực hiện tốt cam kết quốc tế về quản lý bảo tồn khu Ramsa Xuân Thủy, Ủy ban Nhân dân huyện Xuân Thủy đã thành lập Trung tâm Tài nguyên Môi trường. Tháng 1-1995, được sự ủy quyền của Chính phủ, Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Xuân Thủy trực thuộc Chi cục Kiểm Lâm Nam Hà, trong hệ thống các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam. Ngày 2-1-2003, Thủ tướng đã ban hành quyết định số 01/QĐ-TTg chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Xuân Thủy thành Vườn Quốc gia Xuân Thủy, là cấp bảo tồn thiên nhiên cao nhất trong hệ thống bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam.
Ảnh: nguồn lukhach24h.com
Vườn Quốc gia Xuân Thủy rất nổi tiếng với hệ sinh thái cửa sông ven biển điển hình của miền Bắc, quan trọng không chỉ về mặt sinh thái (nơi sinh sống của nhiều loài quan trọng và là bãi sinh sản của các loài thủy sinh…) mà còn cả về kinh tế xã hội (chắn bão, chắn sóng, cung cấp nguồn lợi thủy hải sản biển và ven bờ…). Trên vùng đất ngập mặn này có mặt chừng 500 loài động vật trong đó cư ngụ dưới làn nước khoảng 165 loài động vật nổi và 154 loài động vật đáy. Thực vật cũng khá phong phú với 120 loài bậc cao, nhiều loài rong tảo có giá trị cao về kinh tế.
Ảnh: nguồn lukhach24h.com
Hàng năm cứ vào đầu mùa Đông, trên đường di cư từ phương Bắc xuống phương Nam, đã có nhiều loài chim chọn khu thiên nhiên đất ngập nước Xuân Thủy làm điểm trú đông hoặc dừng chân tích lũy năng lượng trước khi tiếp tục cuộc hành trình đã biến nơi đây thành một vườn chim tự nhiên, phong phú với hơn 200 loài, trong đó có gần 100 loài chim di cư và hơn 50 loài chim nước, đặc biệt có đến 9 loài chim được ghi trong sách Đỏ quốc tế như bồ nông (hai loài), cò thìa (hai loài), mòng bể đầu đen mỏ ngắn, cò trắng Trung Quốc, choi choi mỏ thìa, choắt đầu đốm và choắt chân màng lớn. Các nhà điểu học quốc tế ghi nhận vùng đất ngập nước này như là sân ga quốc tế của các dòng chim di trú, đã thu hút mỗi năm 30 - 40 đoàn nghiên cứu đến từ các nước Mỹ, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Canada, Hà Lan... Du khách đến đây vào những ngày tháng mười, mười một có thể chứng kiến những đàn chim di trú hay chim nước có khi đến hơn 40.000 cá thể.
Cò tại VQG Xuân Thủy - Ảnh: nguồn skydoor.net
Trong nỗ lực phục vụ khách tham quan, Vườn Quốc gia đã cho xây dựng các chòi ngắm chim, trang bị các ống nhòm xa hay tổ chức thuyền đưa du khách tham quan hệ thống sinh thái rừng ngập mặn cửa sông Hồng. Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia còn có kế hoạch cùng người dân các xã vùng đệm Giao An, Giao Thiện, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải với diện tích 8.000ha quản lý và thực hiện các dịch vụ du lịch, đã mở ra triển vọng hợp tác giữa chính quyền và người dân địa phương trong bảo vệ tài nguyên môi trường cùng khai thác, phát triển du lịch sinh thái cách chừng mực và hiệu quả.
Mai Kim Thành
(*): Công ước Ramsar có tiêu đề chính thức là The Convention on Wetlands of International Importance, especially as Waterfowl Habitat (Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước), được tạo ra và phê chuẩn bởi các quốc gia tham gia cuộc họp tại thành phố Ramsar – Iran ngày 2-2-1971, có hiệu lực ngày 21-12-1975. Việt Nam là quốc gia đầu tiên của vùng Đông Nam Á và là thành viên thứ 50 đã ký tham gia Công ước Ramsar (1-1989).