» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng

thu nhỏ | phóng to

06/03/2011

LÀNG GỐM CỔ CHU ĐẬU - MỸ XÁ


Nằm tại vùng tả ngạn sông Thái Bình, Chu Đậu ngày xưa là Trần triều hải khẩu (cảng nhà Trần) thuộc tổng Thượng Triệt, huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách, nay thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Hiểu theo ngữ nghĩa thì “Chu” là thuyền, “Đậu” là bến – “Chu Đậu” bao hàm nghĩa bến thuyền, nơi tàu bè ra vào và neo đậu.

Phát hiện về gốm cổ Chu Đậu khởi đầu từ một câu chuyện khá lý thú. Nguyên vào ngày 10-6-1980, Bí thư Đại sứ quán Nhật tại Hà Nội là Makoto Anabuki đã gởi đến Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng lúc bấy giờ một lá thư bằng tiếng Việt, trong thư có đề cập đến chiếc bình gốm hoa lam men trắng hình dáng củ tỏi, cao 54cm, được trang trí rất độc đáo với hình hoa sen và cúc dây, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Topkapi Saray (Istambul - Thổ Nhĩ Kỳ) mà ông được biết đến nhân chuyến công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ. Điểm đặc biệt trên vai bình có ghi 13 chữ Hán “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút” – “Năm Thái Hòa thứ tám (1450), thợ gốm Bùi Thị Hý, châu Nam Sách vẽ” đã khiến ông nghĩ đến Việt Nam, và bởi xuất xứ châu Nam Sách rất có thể có liên hệ với huyện Nam Sách của tỉnh Hải Hưng nên ông đã qua Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng nhờ các nhà khảo cổ Việt Nam truy tìm xuất xứ.

aChiếc bình cổ lưu lạc ở Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh tư liệu

Từ những thông tin ban đầu còn khá sơ sài, những cuộc khai quật khảo cổ trên địa bàn hai làng Chu Đậu (xã Thái Tân) và Mỹ Xá (xã Minh Tân) thuộc huyện Nam Sách trong những năm 1986, 1987, 1989, 1991, 1992 và 1993 đã làm phát lộ một trung tâm sản xuất gốm mỹ nghệ khá đồ sộ. Theo các nhà nghiên cứu, gốm Chu Đậu là kế thừa của gốm Vạn Yên (Hưng Đạo - Kiếp Bạc thế kỷ 13), có mặt từ cuối thế kỷ XIV, rực rỡ nhất vào thế kỷ XV - XVI rồi lụi tàn từ đầu thế kỷ XVII. Các nghệ nhân Chu Đậu đã khai sinh một dòng gốm qúy với nước men sáng và vẻ đẹp tinh tế, không chỉ kế thừa xuất sắc gốm Lý - Trần về men ngọc và hoa văn với kiểu dáng thanh thoát, mà còn vượt trội các di tích về chất lượng gốm hoa lam.

a

Óc sáng tạo của người thợ gốm thể hiện qua nét vẽ các loài linh thú Ảnh: Nguyễn Đình – Nguồn: Tạp chí Ngày nay

aDáng ấm phụng thanh thoát của gốm cổ Chu Đậu Ảnh: Nguyễn Đình – Nguồn: Tạp chí Ngày nay

Sở dĩ dòng gốm này được biết đến với tên Chu Đậu là do vào năm 1983, khi người dân Chu Đậu đào đất đắp đê, đã phát hiện nhiều mảnh sành và lần khai quật đầu tiên đã được tiến hành trên địa phận làng Chu Đậu vào năm 1986. Trong những lần tiếp theo, địa bàn khai quật được mở rộng qua cả làng Mỹ Xá (cạnh làng Chu Đậu) và người ta thật ngạc nhiên khi khối lượng còn đa dạng hơn, thậm chí một số nước men không tìm thấy nơi các di tích khai quật được tại Chu Đậu. Trong thời hưng thịnh, gốm Chu Đậu đã theo chân các thương nhân đến với 32 nước trên thế giới, song có lẽ do chiến tranh Trịnh - Mạc diễn ra quá ác liệt ở vùng Nam Sách mà nghề gốm đã sớm tàn lụi và bị thất truyền. Hiện di chỉ gốm Chu Đậu được xác định nằm rải rác trên diện tích 39.700m² trong đó đậm đặc nhất là ở khu vực xóm Bến.

a

Đĩa cánh sen với họa tiết được bố cục chặt chẽ, hài hòa nổi bật hình ảnh lân cách điệu trong lòng đĩa Ảnh: Nguyễn Đình – Nguồn: Tạp chí Ngày nay

aNắp hộp phấn đắp nổi dát vàng - Ảnh: Nguyễn Đình – Nguồn: Tạp chí Ngày nay

Tin vui dồn dập đến với các nhà nghiên cứu và những ai quan tâm đến gốm Chu Đậu khi vào những năm 1997 - 1999, việc thám sát và khai quật 3 con tàu cổ tại Cù lao Chàm (Hội An - Quảng Nam) đã đưa lên mặt đất 40 vạn di vật, trong đó có đến 38 vạn di vật gốm Chu Đậu còn khá nguyên vẹn gồm khoảng 18 loại hình chính với nhiều kiểu loại và kích thước khác nhau, như bát, đĩa, cốc, bình, bình vôi, nậm, ấm, bát hương, kendi, liễn, tước, lọ, hộp, ống nhổ, nồi, nghiên mực, tượng động vật, tượng người…, nhiều dòng men truyền thống như men trắng hoa lam, men trắng vẽ nhiều màu, men ngọc, men xanh dương, men nâu, men trắng vẽ nhiều màu kết hợp vẽ vàng kim…

a

Tạo hình hiện đại của chiếc bình rượu cổ gốm Chu Đậu Ảnh: Nguyễn Đình – Nguồn: Tạp chí Ngày nay

a

Chim chích choè - hình ảnh khá phổ biến trên hiện vật gốm Chu Đậu Ảnh: Nguyễn Đình – Nguồn: Tạp chí Ngày nay

Gốm Chu Đậu hiện có mặt tại 46 bảo tàng cả trong và ngoài nước, một số bảo tàng trong nước như Lịch Sử, Mỹ Thuật, Dân Tộc Học… đều lưu giữ số lượng lớn, riêng tại Bảo tàng Hải Dương có trên ba vạn di vật, trong đó 5.624 cổ vật được tiếp nhận từ con tàu đắm trục vớt tại Cù lao Chàm tỉnh Quảng Nam. Trên bình diện quốc tế, gốm Chu Đậu có một vị thế khá đặc biệt: tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, bình rồng cổ Chu Đậu đã được chọn làm biểu tượng văn hóa của Việt Nam; tại Mỹ, một chiếc bình tỳ bà cao 28,5cm từng được bán đấu giá đến 512.000 USD; tại Istambul - Thổ Nhĩ Kỳ, một bình gốm hoa lam hình củ tỏi cao 54cm lưu giữ tại bảo tàng Topkapi Saray được mua bảo hiểm đến một triệu USD …

a

Bình tỳ bà thanh hoa, họa tiết lá đa được chạm lộng, vẽ trang kim... Bộ sưu tập SFA – Ảnh: nguồn xuquang.com

a

Đĩa men trắng vẽ lam - Tàu cổ Hội An (Sưu tập SFA) – Ảnh: nguồn xuquang.com

Từ năm 1990 đến nay, đã có hàng trăm đoàn khách quốc tế, nhiều nhất là từ các nước Nhật, Pháp, Úc, Mỹ về thăm Chu Đậu, trung bình mỗi năm có từ 10 – 15 đoàn khách trong nước. Các đoàn khách nước ngoài đa phần là các nhà khoa học, có nhu cầu nghiên cứu từ không gian, địa bàn cư trú, phong tục tập quán… đến các lò nung, di vật gốm… Năm 1999, một tổ chức Nhật Bản đã tài trợ kinh phí xây dựng khu bảo tàng gốm cổ. Đây quả là những tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự cần thiết và triển vọng của việc khôi phục phát triển một dòng gốm cổ gắn với phát triển du lịch tại địa phương.

a

Một trong những hiện vật quý của gốm Chu Đậu – Ảnh: nguồn xuquang.com

a

Ảnh: nguồn xuquang.com

a

Bình men ngọc - Tàu cổ Hội An – Ảnh: nguồn xuquang.com

Trong nỗ lực làm sống lại một làng gốm cổ, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội đã thành lập Xí nghiệp gốm Chu Đậu nhằm khôi phục và duy trì “thần thái phong cách gốm cổ Chu Đậu”. Bên cạnh việc đầu tư các lò nung theo công nghệ hiện đại, Xí nghiệp cũng có kế hoạch xây dựng khu sản xuất gốm ở nhiệt độ thấp, đốt bằng củi theo cách làm của các nghệ nhân xưa. Hy vọng trong tương lai không xa, du khách đến đây sẽ có dịp chứng kiến sự hoàn sinh của một làng gốm cổ, vốn đã bị “mất dấu” trong hơn 4 thế kỷ.

Mai Kim Thành

Danh mục nội dung