» Giới thiệu » Tham quan » Điểm hẹn tâm linh
06/03/2011
CHÙA CÔN SƠN
Nằm dưới chân núi Kỳ Lân thuộc xã Cộng Hoà, huyện Chí Linh, chùa Côn Sơn là tâm điểm của khu di tích danh thắng Côn Sơn, 1 trong 32 di tích danh thắng quốc gia đặc biệt quan trọng. Do ngày xưa dân quanh vùng sau khi lên núi kiếm củi, thường đem về đốt than ở chân núi gần chùa nên chùa còn được gọi là chùa Hun.
Ảnh: nguồn Haiduong.gov.vn
Chùa có tên chữ là Côn Sơn Thiên Tư Phúc Tự, được dựng từ thời Lý, mở rộng và hoàn thiện vào thời Trần nhất là từ sau khi Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang về trụ trì. Trong thời cực thịnh (thời Lê), chùa có qui mô 83 gian với cửu phẩm liên hoa cao 9m và 385 pho tượng. Tuy được trùng tu vào khoảng thế kỷ 18 và trong vài chục năm gần đây nhưng trải bao biến thiên dâu bể, kiến trúc còn lại quả là khiêm tốn.
Chùa Côn Sơn - Thiên Tư Phúc tự – Ảnh: nguồn consonkiepbac.org.vn
Con đường đến chùa thật đẹp với hai hàng thông cổ thụ hàng trăm năm tuổi, qua mái tam quan vào sân chùa, du khách sẽ nhìn thấy hai tán đại già mà theo các nhà khoa học Đức thì chúng đã có chừng 600 năm, tại đây còn có 4 nhà bia với nhiều bia đá cổ, trong đó có bia “Thanh Hư Động” là ngự bút của vua Trần Duệ Tông được dựng từ thời Long Khánh (1373 – 1377), bia hình lục lăng “Côn Sơn Thiện Tư Bi Phúc Tự”… Trong chùa còn có một số di vật thời Trần như ngói tráng men hoa lâu chỉ thấy ở chùa Côn Sơn, những chân tảng hình hoa sen và thời hậu Lê như nền gạch Bát Tràng…
Sân chùa Côn Sơn - Ảnh: nguồn vn.360plus.yahoo.com
Chùa Côn Sơn được kiến trúc theo lối chữ “công” gồm tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Tại gian thượng điện có những bức tượng có niên đại từ thế kỷ 17 – 18 trong đó có tượng A-di-đà cao chừng 3m. Tại nhà tổ, có tượng Trúc Lâm tam tổ (Trần Nhân Tông - Pháp Loa - Huyền Quang), tượng ông bà Trần Nguyên Đán. Phía sau chùa còn có khu vườn tháp, nơi an nghỉ nhiều vị sư từng trụ trì tại chùa. Lên cao hơn chút nữa du khách sẽ gặp một giếng nhỏ có tên giếng Ngọc, cạnh giếng là ngôi tháp Đăng Minh nguyên được làm bằng đất nung, đến năm 1721 được đắp lại bằng đá xanh, cao 4m là nơi lưu giữ xá lị thiền sư Huyền Quang tức Lý Đạo Tái, vị tổ thứ ba của Thiền phái trúc Lâm.
Vườn tháp Tổ - Ảnh: nguồn dongocnam.blogspot.com
Hàng năm ngay từ 10 tháng Giêng âm lịch, đã có khách thập phương về đây lễ Phật và trẩy hội mùa Xuân, dù lễ hội chùa Côn Sơn chỉ chính thức diễn ra từ 16 – 22 tháng Giêng âm lịch để tưởng nhớ vị sư tổ Huyền Quang. Chùa Côn Sơn còn có lễ hội mùa Thu tổ chức vào ngày 16 tháng Tám âm lịch tưởng nhớ Nguyễn Trãi, một nhân tài kiệt xuất, một nhà văn hóa lớn của nhân loại.
Mai Kim Thành
Chủ đề liên quan :
- ĐỀN KIẾP BẠC 06/03/2011
- ĐỀN THỜ NGUYỄN TRÃI - CÔN SƠN 06/03/2011