» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Lễ hội
11/03/2011
LỄ HỘI ĐỀN TRÚC
Tương truyền vào năm 1069, Lý Thường Kiệt đã dẫn đoàn chiến thuyền chinh phạt phương Nam, khi đi qua trại Canh Dịch bỗng một trận gió lớn ào tới bẻ gãy cột buồm và cuốn luôn cả lá cờ của đoàn quân lên đỉnh núi. Cho là điềm bất thường, Lý Thường Kiệt đã cho dừng thuyền, cùng quân sĩ lên bờ sửa lễ tế trời đất và cầu đại thắng. Ông cũng đặt tên núi là Quyển Sơn (núi cuốn) và đổi trại Canh Dịch thành làng Quyển Sơn. Chiến thắng trở về, Lý Thường Kiệt cùng đoàn quân ghé lại làng Quyển Sơn làm lễ tạ ơn và khao thưởng ba quân. Ông đã tuyển chọn các trinh nữ có thanh sắc dạy múa hát dậm là một lối hát thờ nhằm ca ngợi các chiến công đánh giặc giữ nước, chọn các trai tráng khỏe mạnh để tổ chức đua thuyền, dạy dân trồng dâu, chăn tằm, dệt vải… Để tưởng nhớ công ơn của vị tướng tài, về sau dân làng Quyển Sơn đã lập đền thờ Lý Thường Kiệt dưới chân núi Cấm, giữa khu rừng trúc rộng hàng chục mẫu nên còn được gọi là đền Trúc.
Rước kiệu từ đền lên chùa - Ảnh: nguồn vinhanonline.com
Hàng năm, từ ngày 1 – 10 tháng Hai âm lịch, người dân Quyển Sơn mở hội đền Trúc. Không gian lễ hội không chỉ giới hạn ở đền Trúc mà còn mở rộng đến đình Trung, chùa Thi và cả vùng ven núi Cấm.
Múa tứ linh trước đền Trúc - Ảnh: nguồn vinhanonline.com
Sáng ngày 1 tháng Hai âm lịch là ngày làng chính thức mở hội. Ngay từ sáng sớm, đoàn kiệu rước tượng Phật từ chùa Thi và bài vị Lý Thường Kiệt từ đền Trúc về đình Trung để làm lễ dâng hương. Các đội tế với trang phục đủ màu sắc làm lễ tế cáo Trời, Phật và Thành hoàng. Tiếp đến phần múa hát thờ là những điệu múa hát dậm được diễn liên tục trong 6 ngày. Đến sáng ngày 7 lại kiệu rước tượng Phật về chùa và bài vị Lý Thường Kiệt về đền, tại đền lại tiếp tục hát dậm trong 3 ngày nữa gọi là hát yên vị, qua ngày 10 thì đóng cửa đền hay vãn hội.
Trinh nữ hát dặm trước cửa đền Trúc - Ảnh: nguồn vinhanonline.com
Múa hát dậm là những điệu múa có các cử điệu mô phỏng động tác chèo thuyền, lúc đứng hát gọi là chèo thuyền, khi qùy lạy gọi là chèo qùy, được tổ chức ngay tại sân đình hay sân đền với phường múa hát gồm từ 30 con dậm trở lên, là những trinh nữ tuổi từ 13 – 15 vừa có nhan sắc lại vừa có tài múa hát. Đứng đầu là một cụ trùm cao tuổi có tài hát và đặc biệt nhớ bài, trực tiếp chỉ đạo và điều khiển các con dậm.
Bơi chải, dấu vết luyện thủy quân - Ảnh: nguồn vinhanonline.com
Bên cạnh phần lễ, lễ hội đền Trúc còn diễn ra phần hội với nhiều trò chơi dân gian truyền thống như thi kéo co, đấu vật, chọi gà, chơi cờ bỏi… nhưng đặc sắc nhất là hội đua thuyền trên sông Đáy được tổ chức vào ngày 6 tháng Hai âm lịch. Mang sắc thái tín ngưỡng của cư dân lúa nước cổ, hội đua thuyền ngoài việc cổ vũ tinh thần thể thao trượng nghĩa, còn là dịp làm sống lại bầu khí khải hoàn của Lý Thường Kiệt sau cuộc chinh Nam thắng lợi năm xưa. Khác với múa hát dậm, tham gia đội đua thuyền chỉ toàn nam giới, mỗi đội có 18 người gồm 1 lái thuyền, 16 tay chèo và 1 người gõ nhịp chỉ huy. Tuy số lượng thuyền đua được ấn định từng năm nhưng thông thường là 3 thuyền, xuất phát từ trước cửa đền Trúc đến chân cầu Quế rồi vòng trở lại với cự ly chừng 3km. Hội đua thuyền thu hút rất đông khán giả đến chứng kiến và cổ vũ, tiếng hò reo vang động cả một vùng…
Mai Kim Thành
Chủ đề liên quan :
- HỘI VẬT VÕ LIỄU ĐÔI 11/03/2011