» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Làng nghề

thu nhỏ | phóng to

11/03/2011

NGHỀ LÀM TRỐNG LÀNG ĐỌI TAM


Làng Đọi Tam thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên là một làng nghề trống có lịch sử cả ngàn năm, với tổ nghề là các ông Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản. Nơi đây hiện có 14 cơ sở sản xuất khung trống, 13 cơ sở sản xuất da trâu, trên 10 cơ sở làm trống hoàn chỉnh với chừng 550 lao động trên tổng số 545 hộ gia đình thuộc xã Đọi Sơn. Tương truyền năm 986 khi được tin vua Lê Đại Hành sẽ về làng cử hành lễ tịch điền, hai anh em Năng - Bản đã tự tay làm một cái trống thật lớn để đón vua. Tiếng trống vang to như tiếng sấm rền nên dân làng đã suy tôn hai ông là Trạng Sấm.

aTrống Đọi Tam tham gia lễ hội - Ảnh: nguồn songchau.vn

Để hình thành một chiếc trống phải qua 3 công đoạn: làm da, làm tang và bưng trống. Da dùng làm trống phải là da trâu cái được bào hết lớp màng, sau đó ngâm nước khử mùi, chống thối rồi phơi khô. Để làm trống lớn phải sử dụng lớp da ngoài, còn làm trống trẻ em thì có thể dùng đến lớp da dưới. Tang trống thường được làm bằng loại gỗ mít với ưu điểm dẻo, mềm, không bị cong vênh hay nứt vỡ. Tùy theo kích cở trống mà người thợ sẽ định ra cần bao nhiêu dăm, độ cong và độ dẻo của dăm để khi ghép vào thân trống sẽ vừa khít và không có kẻ hở, phần khiếm khuyết còn lại sẽ được khắc phục bằng sơn ta để cho trống được kín. Bưng trống là khâu sau cùng, da được căng hết cở trên mặt trống rồi cố định vào thân bằng đinh chốt làm bằng vầu hay tre già.

aCẩn thận “vào đai” trống - Ảnh: Sơn Bắc (nguồn giadinh.net.vn)

Tuy vẫn là những bước làm trống cơ bản nhưng trống Đọi Tam dù dùng trong đình chùa, trống chèo, trống trường hay trống trung thu vẫn nổi tiếng có độ bền, đẹp nhờ tinh thần trách nhiệm của người thợ và bí quyết riêng của làng nghề. Tháng 10-2004, làng trống Đọi Tam được tỉnh Hà Nam cấp bằng công nhận làng nghề truyền thống. Tháng 11-2007, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã tặng bằng khen “Làng nghề tiêu biểu Việt Nam” cho làng trống Đọi Tam.

aLàm da trâu, chuẩn bị bưng trống - Ảnh: Sơn Bắc (nguồn giadinh.net.vn)

a

Khâu bưng trống đòi hỏi những người có kỹ thuật, tay nghề cao
Ảnh: Sơn Bắc (nguồn giadinh.net.vn)

a

Phụ nữ trong làng cũng tham gia làm các trống con
Ảnh: Sơn Bắc (nguồn giadinh.net.vn)

a

Căng da, phơi khô làm mặt trống - Ảnh: nguồn nguoisaigon.com

Trong dịp Hà Nội kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, các nghệ nhân Đọi Tam đã vinh dự góp mặt 285 chiếc trống hội đầu tiên trong số 1.000 trống hội dự kiến công diễn vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (ngày 10-10-2010 tại thủ đô Hà Nội). Làng trống Đọi Tam tự hào với chiếc trống lớn nhất nước có đường kính 2,1m và cao 2,64m hiện được đặt tại Quốc Tử Giám Hà Nội.

Mai Kim Thành

Danh mục nội dung