» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng

thu nhỏ | phóng to

11/03/2011

SÁCH ĐỒNG BẮC LÝ


Nếu Hà Nam đã từng nổi tiếng với nhiều lớp trầm tích văn hóa dân gian đúc kết từ nghìn xưa mà những trống đồng Ngọc Lũ, mộ thuyền Yên Bắc… đã trở thành chứng tích của một nền văn minh nông nghiệp rực rỡ, thì người dân nơi đây cũng có thể tự hào với sách đồng Bắc Lý đến từ thế kỷ XV được xếp vào hàng cổ nhất và nặng nhất trong số những kim sách được biết đến trên cả nước từ trước đến nay.

a

Bốn trang của cuốn Cầu Không từ ký

Ra đời từ năm Hồng Đức thứ 3 (1472), sách đồng Bắc Lý có tên “Khâm ban đồng bài” hay còn gọi là “Cầu Không từ ký”, là cuốn sách độc bản bằng đồng đỏ gồm hai tấm đồng khổ 45 x 18,5cm tạo nên bốn trang sách được đóng gáy bằng 4 khuyên tròn, có trọng lượng 6,5kg. Mặc dù sách chỉ gồm 4 trang nhưng các nghệ nhân đã thể hiện những chữ khắc trên đồng rất sắc sảo, phản ảnh tài năng điêu luyện của người khắc chữ đồng thời cũng nói lên sự phát triển rực rỡ của nền văn hóa tạc khắc thuở đương thời.

a

Hai trang bìa cuốn sách

Toàn bộ nội dung trên sách gồm 527 chữ khắc chìm, trong đó có 525 chữ Hán và 2 chữ Nôm. Trên trang bìa 1 và 4 được bài trí giống nhau với hình hỉ, hả và hoa văn ở bốn góc, giữa trang 1 có bốn chữ “Khâm ban đồng bài” và giữa trang 4 là dòng chữ “Hồng Đức tam nguyên, Tam nguyệt sơ lục nhật” (Năm Hồng Đức thứ ba, ngày sáu tháng Ba) ghi lại niên đại hình thành sách. Trang 2 và 3 ghi bài chính văn “Cầu Không từ ký” gồm 19 dòng đứng, trong đó dòng nhiều nhất có 37 chữ và dòng ít nhất chỉ có 1 chữ.

a

Hai trang ruột của cuốn sách

Khác với các sách đồng khác xuất hiện vào thời Nguyễn và thường chuyển tải nội dung tín ngưỡng, sách đồng Cầu Không là pho dã sử kể về kỳ tích vua Lê Thánh Tông bình Chiêm ở phương Nam và cho dựng đền thờ Cầu Không. Tuy nhuốm màu sắc thần bí nhưng lại là một tư liệu sử học qúy báu không chỉ về Cầu Không mà còn cung cấp những thông tin về chiến tranh với Chiêm Thành cùng sự nghiệp an quốc nơi biên viễn của nhà vua trong thế kỷ XV.

Theo sử sách lưu truyền, ngay từ lúc hình thành cuốn sách được cất giữ tại đền Cầu Không (xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân), vốn là gian giữa của chiếc cầu gỗ 21 gian có mái lợp ngói kiểu “thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu – tức cầu có mái che). Đến năm 1952 do chiến tranh, cầu đã bị ngã đổ và không được trùng tu, do vậy sách đồng bị lưu lạc trong dân trước khi được đưa về lưu giữ tại Viện Hán Nôm. Đến những năm 60 của thế kỷ XX, Ty Thông tin Văn hóa mới xin về lại cho địa phương, giao cho Trường cấp 2 Bắc Lý sử dụng trong giảng dạy môn lịch sử. Trong những năm cuối thế kỷ 20, người dân Bắc Lý đã xin lại nhà trường để đem về bảo quản, và vì không tiện để bất cứ một cá nhân nào cất giữ, sách đã được an vị tại Văn An tự, một ngôi chùa nhỏ nằm đầu thôn Văn An.

a

Bia đá ghi lại lịch sử Cầu Không

Trải qua thời gian, cuốn sách bằng đồng đỏ nay đã ngả sang màu rêu xám. Hàng năm, vào dịp lễ tế thần Cầu Không (6 tháng Ba âm lịch) cũng là ngày hội làng, sách đồng Bắc Lý lại được đưa ra cho người dân chiêm ngưỡng –  một hình thức “ôn cố tri tân” nhằm tạo điều kiện cho các thế hệ sau tìm hiểu và hướng vọng về tiền nhân với tất cả lòng trọng thị…

Mai Kim Thành

Ảnh: Duy Tuyên – nguồn dantri.com.vn (25.11.2010)

Danh mục nội dung