» Giới thiệu » Tham quan » Thắng cảnh

thu nhỏ | phóng to

13/03/2011

HANG LUỒN - AO DONG


Từ thành phố Phủ Lý qua cầu Hồng Phú rồi theo quốc lộ 21 đến Km 11, du khách rẽ trái chừng 500m là tới hang Luồn nằm trong dãy núi thấp, được bao quanh bởi rừng rậm và các dãy núi cao.

a

Quả núi có cửa hang (Ảnh: nguồn Hanam.gov.vn)

a

Cửa hang Luồn - Ảnh: nguồn Hanam.gov.vn

Hang Luồn là một hang thủy động có chiều dài gần 400m, chiều rộng 20 - 30m. Trước mặt hang là một bãi đất rộng, nước từ các khe núi cao đổ xuống tạo thành một con kênh lớn dẫn nước ra sông Đáy. Về mùa mưa đây là một bến thuyền nhưng về mùa cạn thì có thể vừa đi thuyền vừa đi bộ đến cửa hang. Hang có miệng hình vòm vách núi, lồi lõm bất thường với vách uốn cong, bên trong hang là một thế giới kỳ ảo với các nhủ đá muôn hình vạn trạng. Đi thuyền trong hang, du khách có cái thú bồng bềnh giữa cảnh tranh tối tranh sáng, lắng nghe từng tiếng nước nhỏ tí tách trước khi lạc vào một không gian choáng ngợp ở ao Dong.

a

Ảnh: nguồn baotayninh.vn

Được hình thành bởi các dãy núi cao, ao Dong là một hồ nước tự nhiên rộng đến 300 mẫu với độ sâu chừng 3m, mặt hồ phẳng lặng với nguồn nước trong vắt, lung linh soi bóng những ngọn núi hay rừng cây. Núi rừng quanh đây còn là nơi quần tụ của những đàn cò trắng hay sơn dương, tiếng chim ríu rít suốt ngày như muốn phá tan cái yên ắng của một vùng non nuớc được mệnh danh kỳ sơn tú thủy…

a

Đi thuyền trên Ao Dong - Ảnh: nguồn hanam247.com

Hang Luồn - Ao Dong không chỉ là một di tích có nhiều giá trị về lịch sử và văn hóa, nơi đây còn là một thắng cảnh có nhiều tiềm năng khai thác du lịch, được các chuyên gia Ba Lan đánh giá là nơi có thể tổ chức du lịch dưỡng bệnh trên núi. Ấy vậy mà trong những năm gần đây, thắng cảnh Hang Luồn - Ao Dong cùng với quần thể Ngũ Động Thi sơn bị xâm hại nghiêm trọng bởi các hoạt động khai thác khoáng sản đã khiến dư luận ở tỉnh Hà Nam và huyện Kim Bảng không ngớt xót xa. Với việc quản lý, qui hoạch chồng chéo và mạnh ai nấy làm, nguy cơ xóa sổ một thắng cảnh đẹp nhất ở địa phương không phải là điều khó xảy ra.

a

Nhũ đá kỳ thú trong hang - Ảnh: nguồn Hanam.gov.vn

Đứng trước thực trạng này, ông Chu Đức Thọ, Bí thư Huyện ủy huyện Kim Bảng đã bày tỏ bức xúc:“…Việc khai thác đá đang tàn phá một thắng cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng trong khi nó không đóng góp nhiều lợi ích về kinh tế cho người dân và địa phương. Khi các hoạt động khai thác bằng mìn liên tục diễn ra xung quanh khu vực Hang Luồn - Ao Dong thì ai còn hứng thú du ngoạn trong hang nữa. Việc nổ mìn, phá đá đã biến một thắng cảnh đẹp nhất ở địa phương thành đại công trường khai thác đá, việc nổ mìn gần khu vực Hang Luồn còn gây nguy cơ thắng cảnh bị tàn phá từ phía trong do phải chịu các chấn động mạnh…”. (*)

Mong rằng những lời trần tình như vậy không chỉ là “tiếng kêu trong sa mạc”, mà trở thành một hồi chuông cảnh tĩnh đánh thức lương tâm những người có trách nhiệm, để những thắng cảnh ngày càng được trân trọng bảo tồn, bởi xét cho cùng, thắng cảnh là món quà thiên nhiên ban tặng cho hết mọi người, con người không thể tự xây đắp được nên càng không thể phá bỏ đi một cách vô trách nhiệm…

Mai Kim Thành

(*): Trong bài trả lời phỏng vấn do Hồng Ninh thực hiện, được đăng trên trang tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường (monre.gov.vn – 06.7.2009).

Danh mục nội dung