» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Lễ hội

thu nhỏ | phóng to

08/04/2011

LỄ HỘI ĐỀN HÙNG


“Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày giỗ tổ mồng mười tháng Ba…”

                                  (Ca dao)

Hàng năm, cứ vào ngày 6 – 10 tháng Ba âm lịch, người dân cả nước lại nô nức đổ về xã Hy Cương – thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) trẩy hội đền Hùng để nói lên lòng kính ngưỡng đối với các vị Quốc Tổ. Trọng tâm của lễ hội là lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng được diễn ra cách trọng thể tại khu vực điện Kính Thiên trên núi Nghĩa Lĩnh vào ngày 10 tháng Ba.

 a

Trẩy hội Đền Hùng Ảnh: Hoàng Hà (VnExpress.net – 4.4.2009)

 a

Đông đảo người dân trẩy hội Đền Hùng Ảnh: Lê Quân (nguồn Tuổi trẻ Online – 24.4.2010)

Lễ hội đền Hùng hay giỗ tổ Hùng Vương là lễ hội được nâng lên hàng Quốc lễ từ năm 2007 và ngày 10 tháng Ba âm lịch hàng năm là ngày nghỉ lễ. Theo quy ước lễ hội được ban hành từ năm 2001, tùy theo năm hiện hành là “năm chẵn”, “năm tròn” hay “năm lẻ” mà qui mô lễ hội sẽ được tổ chức ở những cấp độ khác nhau. (*)

a 

Con Lạc cháu Hồng về với cội nguồn dân tộc Việt.
Ảnh: Phương Thanh (baophutho.org.vn – 6.4.2011)

a 

Rước kiệu Vua - Ảnh: baophutho.org.vn (8.4.2011)

Là một lễ hội mang tầm vóc quốc gia, tuy có ấn định thời gian cụ thể nhưng ngay từ nhiều tuần trước, lễ hội đã diễn ra với những tục lệ như đâm đuống, đánh trống đồng của dân tộc Mường, các cuộc hành hương tưởng niệm của người dân và cao điểm là ngày 10 tháng Ba âm lịch với nghi thức rước kiệu Vua và dâng hương tại đền Thượng. Nếu đám rước kiệu có xuất phát điểm từ dưới chân núi vượt qua các đền lên tới đền Thượng như một con rồng uốn lượn trên những bậc đá, rộn ràng với đủ màu sắc sặc sỡ từ các loại cờ hoa, lọng, kiệu hay trang phục truyền thống, thì lễ dâng hương lại mang bầu khí trầm lắng thể hiện lòng kính ngưỡng sâu xa khi mỗi người đến đây đều thắp lên một nén hương như muốn nhờ làn khói chuyển đến các đấng bậc tiên tổ những xúc cảm chân thành…

 a

Các đoàn đại biểu dâng lễ - Ảnh: Lê Quân (nguồn Tuổi trẻ Online – 24.4.2010)

a 

 Lễ dâng hương Đức Quốc tổ diễn ra sáng 8/4.
Ảnh: Thế Cường - Xuân Chường (dantri.com.vn – 8.4.2011)

 a

Kiều bào dân hương tưởng nhớ Vua Hùng - Ảnh: baophutho.org.vn (5.4.2011)

Là năm đầu tiên thực hiện nghi thức tưởng niệm thống nhất, từ thời gian đến cách thức tiến hành và nghi lễ dâng hương, lễ hội giỗ tổ Hùng Vương năm 2009 đã được tổ chức trong một không gian rộng lớn: từ khu di tích đền Hùng đến tận các xã vùng ven. Đây cũng là lần đầu tiên người tham dự lễ hội được dịp chiêm bái tượng vua Hùng bằng đồng nặng 1,5 tấn, cao 1,98m trong tư thế tọa ngự trên ngai vàng, hai bên có tả, hữu tướng quân cao 1,8m đứng hầu.

a 

Trước ngày khai hội, hội thi bơi chải đã được tổ chức tại ngã ba sông Bạch Hạc
Ảnh: Hoàng Hà (VnExpress.net – 4.4.2009)

 a

Biểu diễn nghệ thuật truyền thống trong ngày khai hội tại Đền Hùng.
Ảnh: Thế Cường - Xuân Chường (dantri.com.vn – 8.4.2011)

a 

Các thiếu nữ trình diễn đâm đuống - Ảnh: Hoàng Hà (VnExpress.net – 4.4.2009)

a 

Hát xoan - Ảnh: Hoàng Hà (VnExpress.net – 4.4.2009)

 a

Đấu vật dân tộc - Ảnh: Hoàng Hà (VnExpress.net – 4.4.2009)

a 

Tiết mục múa rồng - Ảnh: Lê Quân (nguồn Tuổi trẻ Online – 24.4.2010)

Bên cạnh các nghi thức truyền thống, giỗ hội đền Hùng luôn sội động với các hoạt động văn hóa dân gian nhắc nhớ quá trình dựng nước hào hùng khởi từ thời các vua Hùng như đâm đuống (giã gạo bằng chiếc cối gỗ hình chiếc thuyền), đánh trống đồng, hát Xoan (một lối hát thờ thần, thành hoàng, thuộc dân ca nghi lễ, phong tục gắn với hội mùa của người dân ở Phú Thọ), múa lân… cùng nhiều hoạt động văn hóa quần chúng khác như thi vật, thi kéo co, thi bơi chải ở ngã ba sông Bạch Hạc, thi giã bánh dầy, thi gói bánh chưng, thi kéo lửa nấu cơm… tạo nên một không gian văn hóa đầy tính nhân văn, đem lại niềm hứng khởi cho nhiều người tham dự…

Mai Kim Thành         

 (*) Theo nghị định 82/2001/NĐ-CP về việc quy ước lễ hội đền Hùng thì:

- "Năm chẵn" là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là "0"; Bộ Văn hóa - Thông tin và Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ hội; mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự lễ dâng hương.

- "Năm tròn" là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là "5"; Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự lễ dâng hương.

- "Năm lẻ" là số năm kỷ niệm có các chữ số cuối cùng còn lại. Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thông tin dự lễ dâng hương và tổ chức các hoạt động trong lễ hội.

Danh mục nội dung