» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng

thu nhỏ | phóng to

08/04/2011

THÁNH ĐỊA MỸ SƠN - DI SẢN THẾ GIỚI


Nằm gọn trong một thung lũng kín đáo có đường kính chừng 2km giữa bốn bề đồi núi thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, cách thành cổ Trà Kiệu khoảng 20km và cách thành phố Đà Nẵng gần 70km cùng về phía Tây Nam, Mỹ Sơn là một thánh địa Ấn Độ giáo thuộc vương quốc Chămpa. Theo nội dung được ghi trên tấm bia có niên đại khoảng thế kỷ IV – sớm nhất ở Mỹ Sơn, vua Bhadresvara đã xây dựng một ngôi đền dâng cúng vua Bhadravarman, vị vua sáng lập dòng vua đầu tiên vùng Amaravati vào cuối thế kỷ IV, được đồng hóa với thần Siva, trở thành tín ngưỡng thờ thần - vua cùng tổ tiên hoàng tộc.

a 

Ảnh: nguồn duyxuyen.com.vn – 20.2.2011

Với hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch đá, được xây dựng từ thế kỷ VII - XIII, Mỹ Sơn trở thành trung tâm kiến trúc quan trọng nhất của vương quốc Chămpa xưa. Khi được phát hiện vào những năm cuối thế kỷ XIX và được nghiên cứu vào những năm đầu thế kỷ XX, Mỹ Sơn còn tồn tại 68 công trình kiến trúc. Tuy được trùng tu bởi E.F.E.O (Ecole Française d’Extrême Orient) trong những năm 1937 - 1944 nhưng do bị bom đạn tàn phá nặng nề trong những năm chiến tranh mà ác liệt nhất là vào năm 1969, nơi đây chỉ còn lại 32 di tích, trong đó khoảng 20 đền, tháp còn giữ được dáng vẻ ban đầu theo thống kê năm 1975.

a

Bộ Linga-Yoni   Ảnh: nguồn dulichgo.blogspot.com

Trong những năm từ 1981 - 1991, Mỹ Sơn được bảo quản và tu bổ từng phần với sự giúp đỡ về chuyên môn của công ty P.K.Z (Ba Lan). Tại kỳ họp thứ 23 của Ủy ban Di sản thế giới tổ chức tại Marrakesh (Morocco) từ 29-11 đến 4-12-1999, khu di tích Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới dựa trên tiêu chuẩn C (II) như là một ví dụ điển hình về trao đổi văn hóa và theo tiêu chuẩn C (III) như là bằng chứng duy nhất của nền văn minh châu Á đã biến mất.

VÉN MÀN LỊCH SỬ

Nếu vương quốc Chămpa từng được biết đến như một quốc gia độc lập, tồn tại liên tục qua các thời kỳ từ năm 192 – 1832 với các tên gọi Lâm Ấp (192-757), Hoàn Vương (757-875), Chiêm Thành (875-1471) và cuối cùng là Panduranga - Chămpa (1471-1832) trên phần đất ngày nay thuộc miền Trung Việt Nam, thì cùng với sự lụi tàn của vương quốc này, các công trình kiến trúc độc đáo như thánh địa Mỹ Sơn hay kinh thành Shimhapura (Trà Kiệu), kinh đô Indrapura (Đồng Dương), kinh đô Vijapura (Phan Rang)… đã dần bị lãng quên và mất dấu theo thời gian. Phải đến năm 1885 khi một học giả người Pháp là M.C Paris phát hiện ra di tích Mỹ Sơn, thì việc vén màn lịch sử vương quốc Chămpa mới được các nhà khoa học người Pháp để mắt tới. Hơn mười năm sau, các nhà nghiên cứu đã tiến hành phát quang và tìm hiểu khu di tích này. Khởi đầu là Louis Finot và Launet de Lajonquere nghiên cứu các văn bia (1898 - 1899), qua đầu thế kỷ XX, kiến trúc sư kiêm nhà khảo cổ học Henri Parmentier đã nghiên cứu các nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Chăm (1901 - 1902) và qua năm 1904 đã cùng ông Olrpeaus tổ chức khai quật khảo cổ tại Mỹ Sơn. Năm 1904, những thông tin cơ bản nhất về bia ký và nghệ thuật kiến trúc Mỹ Sơn đã được L. Finot và H. Parmentier chính thức công bố. Từ các nghiên cứu của H. Parmentier, người ta được biết Mỹ Sơn còn đến 68 công trình kiến trúc và chính ông đã phân thành các nhóm từ A, A’ đến N.

a

Ảnh: nguồn nto.com.vn (20.3.2010)

Qua đối chiếu từ các di tích bao gồm các công trình đền tháp còn lại hay đã bị phá hủy, các văn bản bằng tiếng Chăm và tiếng Phạn trên các bia và bề mặt các công trình bằng đá, các sử sách Trung Hoa và Việt Nam cùng các văn bản ngoại giao liên quan…, các nhà khoa học đã dần khôi phục lịch sử của vương quốc Chămpa xưa. Tuy vẫn còn nhiều tranh cải nhưng hầu như Chămpa không phải là một thể chế chính trị kiểu trung ương tập quyền, mà là một dạng liên bang lỏng lẻo với sự tham gia của nhiều tiểu quốc, trong đó mỗi tiểu quốc đều tự trị theo thể chế chính trị riêng và dễ dàng ly khai để hình thành quốc gia độc lập. Vương quốc Chămpa gồm tộc người Chăm chiếm đa số và một số tộc người thiểu số thuộc vùng núi Tây nguyên nhưng bản thân tộc Chăm bao gồm hai nhóm: Nam Chăm thuộc bộ tộc Cau (Kramuta Vanusa) và Bắc Chăm thuộc bộ tộc Dừa (Naeikela Vanusa). Hai bộ tộc này tuy liên minh với nhau nhưng vẫn không ngừng cạnh tranh dành quyền lảnh đạo trong vương quốc.

a

Khu tháp trung tâm - Ảnh: Phạm Huy Tưởng (nguồn baoanhdatmui.vn - 28.9.2009)

Trải qua nhiều triều đại với nhiều lần dời đô từ Bắc vào Nam hay từ Nam ra Bắc, bốn địa khu được biết đến trong lịch sử hình thành vương quốc Chămpa là Amaravati (nay là thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi với hai trung tâm là thành phố Indrapura nằm ở khu vực Đồng Dương, nay thuộc huyện Thăng Bình và thành phố Simhapura nằm ở Trà Kiệu nay thuộc huyện Duy Xuyên – địa khu này lúc mở rộng nhất bao gồm cả tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế ngày nay), Vijaya (nay là toàn bộ tỉnh Bình Định với thủ phủ cũng là thành phố Vijaya nằm gần thành phố Qui nhơn ngày nay mà sử Việt ghi là Chà Bàn hay Đồ Bàn), Kauthara (gồm hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên ngày nay, với thủ phủ cũng là thành phố Kauthara, nay là thành phố Nha Trang) và Panduranga (gồm hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay, với thủ phủ cũng là thành phố Panduranga nay là thành phố Phan Rang - Tháp Chàm). Tuy lảnh thổ Chămpa gồm cả Tây nguyên và có lúc còn mở rộng sang tận nước Lào ngày nay, nhưng do người Chăm có truyền thống đi biển với các hoạt động thương mại gắn với đường biển nên họ thường định cư ở các tỉnh đồng bằng ven biển nay thuộc miền Trung Việt Nam.

MỸ SƠN – DẤU ẤN VƯỢT THỜI GIAN

Trong thời kỳ đầu dựng nước, văn hóa Chămpa đã chịu ảnh hưởng khá mạnh mẽ bởi nền văn hóa Ấn Độ và ngay từ những thế kỷ đầu công nguyên, chữ Bắc Phạn (Sanskrit) đã được người Chăm tiếp thu vận dụng, trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên có chữ viết. Từ tự dạng của chữ Phạn, người Chăm đã lược bỏ các phụ ghi âm không có trong ngôn ngữ Chăm và bổ sung một số ký hiệu mới hình thành dạng chữ Phạn - Chămpa. Các nhà nghiên cứu phân tích chữ Chăm có 65 ký hiệu và 24 chân ngữ bắt nguồn từ hệ thống chữ thảo (Akhar Thrah) của Ấn Độ. Các chữ viết trên bia Võ Cạnh vào thế kỷ 3 đã sử dụng một lối viết rất gần với kiểu viết của các bia ký vùng Amaravati ở Nam Ấn Độ. Có điều chữ viết của Chămpa trong hơn 10 thế kỷ tồn tại cũng biến đổi tương ứng với những thời kỳ và vùng ảnh hưởng khác nhau của Ấn Độ, như từ thế kỷ 6 – 8 có dạng tự vuông của vùng Bắc Ấn, đến thế kỷ 9 trở đi lại có dạng tự tròn của vùng Nam Ấn.

a

Ảnh: UNESCO Việt Nam (vinhanonline.com – 19.11.2008)

Thông tin từ các văn bia Mỹ Sơn cho biết khởi đầu của quần thể kiến trúc nơi đây là một ngôi đền bằng gỗ được dựng từ cuối thế kỷ IV, thờ vua - thần Siva - Bhadravarman. Ngôi đền này sau hơn hai thế kỷ tồn tại, đã bị thiêu hủy bởi một trận hỏa hoạn lớn và đến đầu thế kỷ VII, vua Sambhuvarman đã cho xây dựng lại bằng vật liệu kiên cố, còn đến tận ngày nay. Trong suốt nhiều thế kỷ, người Chăm đã dựng nên ở đây một quần thể kiến trúc độc đáo bằng vật liệu nung và đá sa thạch, hình thành trung tâm văn hóa và tín ngưỡng của các triều đại Chămpa. Nơi đây ngoài ngôi đền chính thờ Linga-Yoni, biểu tượng của năng lực sáng tạo, còn có những ngôi tháp chính (Kalan) và nhiều ngôi tháp phụ thờ các vị thần hoặc các vị vua, các bậc cao tăng quá vãng.

a

Ảnh: Nguyễn Việt Long (dantri.com.vn – 30.4.2009)

a 

Ảnh: Nguyễn Việt Long (dantri.com.vn – 30.4.2009)

Các đền tháp ở Mỹ Sơn đã được xây dựng theo cùng một phác đồ, trên một mặt bằng tứ giác gồm 3 phần: phần đế tháp biểu hiện cho thế giới trần gian được xây dựng chắc chắn, phần thân tháp tượng trưng cho thế giới thần linh nhuốm màu sắc thần bí, phần trên cùng thể hiện các nghi thức giao tiếp như hình người dâng hoa trái, hình hoa lá, chim muông, các loài thú như voi, sư tử là những biểu tượng gần gũi với đời sống con người và tôn giáo…

a 

Ảnh: nguồn lambamblog.wordpress.com

Tổng thể thánh địa Mỹ Sơn gồm hai ngọn đồi, đối diện nhau theo hướng Đông - Tây và ngay tại ngã tư của một con suối, các nhánh suối đã trở thành ranh giới tự nhiên chia thánh địa Mỹ Sơn thành bốn khu vực A, B, C, D. Cách chia này vừa hợp với yếu tố phong thủy lại vừa tránh được tình trạng xé lẻ các tổng thể kiến trúc như cách mà H. Parmentier đã làm năm 1904.

-  Khu A gồm 1 tháp chính và 4 tháp phụ nằm trên ngọn đồi phía Đông.

-  Khu B gồm 1 tháp chính và 3 tháp phụ nằm trên ngọn đồi phía Tây.

-  Khu C nằm về phía Nam là khu vực có nhiều tháp và các tác phẩm điêu khắc nhất, chia thành C1 ở phía Đông được bao quanh bằng một con suối với 4 kiến trúc nằm rải bên ngoài và 2 ở bên trong (gồm 2 tháp chính với 8 tháp phụ, 1 tháp chính và 2 tháp phụ đi kèm cùng một số tượng điêu khắc bằng đá); C2 ở phía Tây gồm 6 kiến trúc bên ngoài và 20 kiến trúc bên trong (gồm 3 tháp chính và 12 tháp phụ cùng một số tượng, phù điêu, các tác phẩm điêu khắc, bi ký bằng đá mang tính tôn giáo).

-  Khu D nằm về phía Bắc với 1 kiến trúc bên ngoài và 11 kiến trúc bên trong.

a

Trong tháp lưu giữ cổ vật Ảnh: Phạm Huy Tưởng (baoanhdatmui.vn - 28.9.2009)

Trải qua một quá trình dài, mỗi giai đoạn lịch sử hay triều đại đều mang dấu ấn riêng với những đường nét kiến trúc khác biệt. Những đền tháp ở Mỹ Sơn đã trở thành những kiệt tác ghi dấu một thời huy hoàng không chỉ của nền kiến trúc Chămpa mà còn của cả nền văn hóa khu vực Đông Nam Á. Ông F.S. Tern, một nhà nghiên cứu nghệ thuật đã căn cứ vào quá trình phát triển của vương quốc Chămpa để chia các di tích kiến trúc Chăm thành 7 phong cách nghệ thuật, thì Mỹ Sơn đã hội đủ đại diện của các phong cách, từ phong cách cổ thế kỷ 7 – 8, phong cách Hòa Lai thế kỷ 8 – 9, phong cách Đồng Dương từ giữa thế kỷ 9, phong cách Mỹ Sơn và chuyển tiếp giữa Mỹ Sơn và Bình Định, phong cách Bình Định… đặc biệt phong cách Mỹ Sơn với xuất phát điểm là đền A1 được đánh giá là kiệt tác kiến trúc của di tích Chăm.

a 

Hóa thân...    Ảnh: Thủy Nguyên (Bưu Điện Việt Nam – 20.2.2011)

Cách đây không lâu vào ngày 26-10-2005, Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn Di sản - Di tích Quảng Nam đã làm sửng sờ giới khoa học khi thông báo một phát hiện khảo cổ lớn: trong lòng đất dưới khu di tích Mỹ Sơn hiện đang tồn tại một “Mỹ Sơn” khác. Theo Tiến sĩ Lê Đình Phụng, chủ trì nhóm khai quật của Viện Khảo cổ học Việt Nam thì dưới độ sâu từ 0,9 – 2,3m dưới mặt nền khu tháp D, các hố đào H1, H2 và H3 đã phát hiện dấu vết những kiến trúc không kết nối với kiến trúc Mỹ Sơn hiện có, gồm đền tháp bị ngã đổ với những bờ gạch, đá, cột, khối trang trí… có niên đại khoảng đầu thế kỷ IX. Nhóm khảo cổ cũng đã thu được hơn 445 hiện vật của một kiến trúc tháp bằng đá có niên đại thế kỷ XIII. Tuy các kiến trúc được phát hiện có niên đại không “cổ” so với nhiều kiến trúc đã được biết đến nhưng cũng giúp giới khoa học có một cái nhìn thấu đáo hơn vào lòng đất, vừa để có thêm hiểu biết về những kiến trúc đã trở thành di sản văn hóa của nhân loại, lại vừa có dịp đào sâu khám phá nền văn hóa rạng rỡ của một dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

a

Khách nước ngoài du lịch và nghiên cứu thánh địa Mỹ Sơn
Ảnh: Phạm Huy Tưởng (nguồn baoanhdatmui.vn - 28.9.2009)

Ngày nay nhiều hiện vật tiêu biểu như các thần linh mà người Chăm thờ phượng, những mẫu vật thờ, những tượng vũ nữ hay những cảnh sinh hoạt cộng đồng… tại khu tháp cổ Mỹ Sơn đã được trưng bày tại một số bảo tàng trong nước và quốc tế, nhiều và tập trung nhất là tại Bảo tàng kiến trúc Chăm Đà Nẵng. Những hiện vật được giới thiệu tuy không nhiều nhưng là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc vô giá, là bằng chứng sống động xác thực lịch sử một dân tộc với một nền văn hóa vượt trội nhưng thiếu may mắn đã không tồn tại trong tư thế một quốc gia qua không gian và thời gian…

Mai Kim Thành        

Danh mục nội dung