» Giới thiệu » Tham quan » Khu du lịch

thu nhỏ | phóng to

08/04/2011

CÙ LAO CHÀM - KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN THẾ GIỚI


Nằm cách bờ biển Cửa Đại chừng 15km và cách Hội An chừng 18km, Cù lao Chàm là một cụm đảo trải dài theo hình cánh cung gồm 8 đảo hòn Lao, hòn Dài, hòn Mồ, hòn Khô Mẹ, hòn Khô Con, hòn Lá, hòn Tai và hòn Ông. Nơi đây thiên nhiên còn mang vẻ nguyên sơ với khu rừng xanh mượt soi mình xuống dòng nước trong xanh và những bãi biển cát trắng đầy hấp dẫn… Về mặt hành chánh, Cù lao Chàm đuợc tổ chức thành xã đảo Tân Hiệp thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam với khoảng 3.000 cư dân sinh sống chủ yếu bằng nghề biển tại bãi Hương và bãi Làng.

 a

Biển đảo trong xanh Ảnh: Nguyễn Hải Vân (nguồn VnExpress.net – 4.10.2009)

Cách đây hơn 150 năm, Cù lao Chàm đã từng là điểm dừng chân của các thương thuyền quốc tế trong hành trình con đường tơ lụa trên biển, đánh dấu mối quan hệ giao lưu với các nước Trung Quốc, Nhật Bản và phương Tây gắn với sự hình thành của đô thị thương cảng Hội An. Trên các bản đồ phương Tây xưa, Cù lao Chàm được ghi là “Champello”, có nguồn gốc từ tiếng Nam Ấn (Autronesien): “Pulau Champa”.  

a 

Vẻ đẹp của Cù lao Chàm Ảnh: Thanh Thủy (tuvanonline.com 27.3.2010)

Trong nỗ lực bảo tồn hệ sinh thái biển, Khu Bảo tồn thiên nhiên Cù lao Chàm đã được thành lập từ tháng 10 - 2003 với sự giúp đỡ của chính phủ Đan Mạch, gồm 1.549ha rừng tự nhiên và 6.716ha mặt nước, trở thành 1 trong 15 khu bảo tồn biển của Việt Nam (2007). Nơi đây có hệ thực vật khá phong phú với hơn 500 loài, khoảng 228 loài cây làm thuốc trong đó có nhiều loại dược liệu qúy như mã tiền, sơn máu, ngũ gia bì, đặc biệt 2 loài cây cỏ nhung và trầm hương thuộc loại qúy hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam, nhiều loại lâm sản qúy như gõ, kiền kiền, dẻ, chua, mây… Hệ động vật gồm 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát, trong đó có khỉ đuôi dài và chim yến được xếp vào loài qúy hiếm. Hệ sinh vật biển cũng rất phong phú với 950 loài thủy sinh gồm hàng trăm loài cá hay sinh vật nhuyển thể, 135 loài san hô thuộc 35 giống trong đó có 6 loài được ghi nhận đầu tiên ở Việt Nam, các thảm rong, cỏ biển, các loài hải sản có giá trị như tôm hùm, ốc hương, ngọc trai, đồi mồi, ốc vú nàng, cua đá… Bên cạnh đó, các loài sinh vật đáy lớn bao gồm các loài thân mềm, loài giáp xác, động vật da gai và các loài giun nhiều tơ cũng được ghi nhận với mật độ trung bình 259 cá thể / 400m².

a 

Du khách có thể bắt gặp những đàn cá…

a 

…và nhiều rặng san hô Ảnh: Nguyễn Hải Vân  (nguồn VnExpress.net – 4.10.2009)

Không chỉ nổi bật với hệ sinh thái biển đa dạng và phong phú, Cù lao Chàm còn được biết đến như một địa chỉ văn hóa lịch sử nổi tiếng với các di tích thuộc các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt, các công trình kiến trúc cổ có niên đại từ vài ngàn đến vài trăm năm của người Chăm và người Việt, trong đó có miếu thờ Tổ nghề yến chung cho cả 3 tỉnh Quảng Nam, Bình Định và Khánh Hòa được xây dựng năm 1843 tại bãi Hương. Các nghiên cứu khảo cổ đã chứng minh cách đây trên 3.000 năm, tại Cù lao Chàm đã từng hiện diện các cư dân cổ.

a 

Bãi biển trải dài Ảnh: Nguyễn Hải Vân  (nguồn VnExpress.net – 4.10.2009)

a 

Du khách đắm mình trong biển xanh ngắt và đồi núi phía sau mát mẻ ở Cù lao Chàm Ảnh: Việt Hùng (TTO 24.5.2009)

Trong khoảng mươi năm trở lại đây, cùng với dòng du khách đổ về tham quan di sản thế giới phố cổ Hội An, Cù lao Chàm cũng đã được nhiều người biết đến. Chỉ cần chừng 20 phút vượt qua những con sóng biển, du khách đã có thể đặt chân đến bãi Làng (bãi chính của Cù lao Chàm) và chiêm ngắm  những vịnh biển còn rất hoang sơ hay khám phá những khu rừng nguyên sinh điệp trùng ngút tầm mắt. Du khách còn có dịp tiếp cận những cư dân hiền hòa thân thiện và thưởng thức những đặc sản biển độc đáo với giá rẻ đến không ngờ. Đặc biệt nơi đây còn là quê hương của loài chim yến và tổ của chúng từng được mệnh danh là vàng trắng mà mãi đến đầu thế kỷ 21, những hang chim yến tự nhiên cùng nghệ thuật khai thác yến sào (tổ yến) trên Cù lao Chàm vẫn còn là điều bí mật, chỉ biết tại đây mỗi năm đã khai thác từ 1 – 1,5 tấn sản vật cực kỳ qúy hiếm và bổ dưỡng này.

a 

Vàng trắng trong hang động Ảnh: Trương Tâm Thư (Báo Lao Động)

a 

Gỡ tổ yến trong hang động Ảnh: Trương Tâm Thư (Báo Lao Động)

Ngày 26-5-2009, tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Điều phối quốc tế chương trình con người và sinh quyển diễn ra tại đảo Jeju (Hàn Quốc), Cù Lao Chàm đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Mai Kim Thành       

Danh mục nội dung