» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng
15/04/2011
BÃI ĐÁ CỔ TẠI SAPA
Nằm tại thung lũng Mường Hoa trên địa bàn ba xã Hầu Thào, Sử Pán và Tả Van thuộc huyện Sa Pa, cách thị trấn Sa Pa chừng 7km trên đường đi Tả Van, bãi đá cổ là một khu di chỉ của các cư dân Việt cổ gồm hơn 200 khối đá (*) nằm xen giữa những thửa ruộng bậc thang trên diện tích chừng 8km², được ông Jean Batherlier – chủ nhân nhà điều dưỡng Chapa phát hiện từ tháng 8 năm 1924.
Một góc bãi đá cổ – Ảnh: Song Nguyễn (nguồn tienphong.vn)
KHI NHÀ KHOA HỌC VÀO CUỘC
Năm 1925, “bãi đá cổ” chính thức được nghiên cứu bởi một đoàn khoa học của Viện Viễn Đông Bác Cổ do nhà nghiên cứu Victor Goloubew cùng các cộng sự, đã tiến hành đo đạc, chụp ảnh, lấy khuôn âm bản và in dập trên giấy những hình khắc kỳ lạ trên các tảng đá. Từ đó về sau, đã có nhiều đoàn nghiên cứu, nhiều tổ chức quốc tế đến đây tìm hiểu nhưng vẫn chưa đưa ra được câu trả lời thỏa đáng cho những thông điệp để lại qua các lớp chạm khắc… Gần đây nhất là đoàn nghiên cứu do một chuyên gia hàng đầu của Viện Viễn Đông Bác Cổ, tiến sĩ Phillipe Le Failler cùng các cộng sự Việt Nam. Sau 7 tháng làm việc nghiêm túc với sự hỗ trợ của máy định vị, họ đã dập được toàn bộ gần 200 khối đá với tổng cộng 3.000 bản dập và chừng 2.500 ảnh chụp. Những bản dập này cùng những dữ liệu định vị sẽ được vi tính hóa, từ đó sẽ dễ dàng nắm được số lượng hoa văn, sự lặp lại của các mẫu hình làm cơ sở cho việc giải mã các thông điệp bí ẩn.
In dập các hình khắc trên đá – Ảnh: Phạm Ngọc Dương (nguồn vtc.vn)
Theo ghi nhận thì các tảng đá này thuộc chủng loại đá granite thường thấy rải rác ở nhiều thung lũng quanh Sa Pa. Đây là những khối đá tự nhiên, không được gọt dũa và không phải di chuyển từ nơi khác đến. Các đường khắc chạm có cùng độ rộng và sâu tương đối gần giống nhau.
Ảnh: Phạm Ngọc Dương – nguồn vtc.vn
Từ những tranh vẽ, các hình người, hình nhà sàn, các hoa văn trang trí hay các dấu hiệu có thể là chữ viết… được khắc trên các khối đá, đã có nhiều nguồn lý giải khác nhau: có người cho rằng đó chỉ là những bức tranh tả thực, những hoa văn trang trí hay những hình người cách điệu; người khác lại cho rằng những hình khắc trên các khối đá chỉ nhằm thể hiện những cánh đồng, những thửa ruộng bậc thang hay nhà cửa, bản làng nơi cư dân sinh sống; có nhà khoa học lại khẳng định toàn bộ bãi đá là một cuốn sách lịch sử ghi lại những cuộc chiến đấu của người xưa… Mới đây, khi đang tiến hành thu thập các bản in dập từ các khối đá, Tiến sĩ Phillipe Le Failler cũng đã đưa ra nhận định: “Công việc nghiên cứu cho những kết luận ban đầu, có thể là một bản đồ, một bài cúng…”.
Về thời gian xuất hiện các hình khắc cũng có nhiều phỏng đoán khác nhau, có người cho rằng những người Mông, Dao sống trên vùng đất này là chủ nhân của những hình khắc từ 200 - 300 năm trước, người khác lại liên hệ đến cư dân văn hóa Đông Sơn sống cách đây 2.300 - 3.000 năm, cũng có người đi xa hơn khi cho rằng những hình khắc đã xuất hiện chừng 5.000 năm, thậm chí còn lâu hơn… (!).
Những hình đồ họa trên Bãi đá cổ Sa Pa - Ảnh: nguồn Vietnamnet.vn
BÃI ĐÁ CỔ VỚI NHÀ NGHIÊN CỨU VIỆT
Bên cạnh công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, cũng đã có những công trình nghiên cứu độc lập của các nhà triết học, giáo dục… Nếu nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lý học Đông phương (TP.HCM) cho rằng bãi đá cổ Sa Pa là pho sách về nền văn hóa Đông phương của người Việt cổ trong mối tương quan với Kinh Dịch, thì cựu Giáo sư sử học của Trường Đại học Tổng hợp (cũ), nhà nghiên cứu Lê Trọng Khánh, người đã dành cả đời để nghiên cứu chữ Việt cổ đã không thể không quan tâm đến một tư liệu đặc biệt như ở bãi đá cổ Sa Pa. Quan sát những rìu đồng, ấn đồng hay trống đồng, ông phát hiện chúng có những ký tự giống hệt với những ký tự tìm thấy trên những khối đá tại Sa Pa. Từ đó ông đã so sánh, đối chiếu những hình họa trên các khối đá này và trên các hiện vật đồng Đông Sơn để tìm sự tương quan không chỉ với chữ Thái cổ mà còn đến cả những văn tự “thắt gút” của người Chăm ở Nghĩa Bình…
GS Lê Trọng Khánh và bản dập chữ viết duy nhất ở Bãi đá cổ Sa Pa
Ảnh: nguồn vietnamnet.vn
Cách đây cả chục năm, Giáo sư Lê Trọng Khánh đã sớm nhận ra trong số gần 200 khối đá có những hình khắc bí ẩn này, đã có một khối không khắc hình mà chỉ toàn những ký tự. Tuy những ký tự không còn nguyên vẹn do sự bào mòn của thời gian nhưng ông vẫn còn dịch được đại ý: “Ông cha đã xây dựng đất nước, con cháu muôn đời sau phải giữ gìn đất nước”. Ông cũng phát hiện ở những khối đá cổ Sa Pa có đến 2 loại chữ viết, trong đó chữ đồ họa là loại chữ thường được dùng để mô tả các cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược hay các hoạt động lớn của xã hội đương thời. Từ những phát hiện của mình, Giáo sư Lê Trọng Khánh đã đưa lịch sử của những hình khắc trên bãi đá Sa Pa đi xa hơn, đến tận đầu thiên niên kỷ 1 trước công nguyên thuộc nền văn hóa Gò Mun (tiền Đông Sơn), tức thời kỳ hình thành nhà nước Văn Lang. Ông còn liên hệ những hình mái nhà cong trên các bản khắc đá Sa Pa với trống đồng Đông Sơn loại 1, sơ đồ hình người ở bãi đá cổ với hình người trên lưỡi xéo Đông Sơn để khẳng định “từ bản khắc Sa Pa lên tới trống đồng Đông Sơn là bước phát triển từ thấp đến cao” (!).
Ảnh: Sương Nguyệt Minh (nguồn vovnews.vn)
Bãi đá cổ Sa Pa được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia từ tháng 10-1994. Trong thời gian gần đây, khi tiến hành nghiên cứu bài bản khu di chỉ và xúc tiến hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận “bãi đá cổ” là di sản văn hóa của nhân loại, các nhà khoa học Việt Nam đã phát hiện một số hiện vật cổ nằm sâu dưới lòng đất quanh khu vực. Việc khai quật và tìm kiếm đã mở ra hướng nghiên cứu khá thú vị về nguồn gốc con người cổ đại ở Sa Pa, hy vọng sẽ góp thêm chứng liệu cho việc giải mã những bí ẩn trên bãi đá cổ trong một tương lai không xa, trước khi bãi đá này có thể bị biến dạng bởi những tác động tiêu cực của thiên nhiên và con người…
Mai Kim Thành
(*) Hiện nay chỉ còn 198 khối đá. Theo nguồn tin đáng tin cây từ một người vốn là chỉ huy công trình làm đường lên Sa Pa ngày trước, để làm con đường lên đến làng Pò Lùng Chải chạy xuyên qua bãi đá cổ, đã có 18 - 20 khối đá có chữ và hình vẽ đã bị đập phá. (Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh - nguồn vietnamngaynay.info - 3.8.2010)
Chủ đề liên quan :
- THÁNH TRẦN TỪ - ĐỀN THƯỢNG (LÀO CAI) 24/11/2016