» Giới thiệu » Tham quan » Điểm hẹn tâm linh
15/04/2011
NHÀ THỜ SA PA
Nằm ngay trung tâm thị trấn Sa Pa tại một vị trí đắc địa với phía trước là khu đất rộng bằng phẳng và phía sau được che chắn bởi dãy núi Hàm Rồng, nhà thờ Sa Pa là công trình kiến trúc độc đáo được người Pháp xây dựng từ những năm 20 của thế kỷ 20, cùng với biệt thự Chủ Cầu (nay là khách sạn Hoàng Liên) và khu Huyện ủy cũ (nay là trụ sở Trung tâm Thông tin Du lịch Lào Cai) làm thành ba đỉnh của một tam giác với ba kiến trúc mang đậm phong cách châu Âu, trở thành những biểu tượng nổi bật của trung tâm điều dưỡng - du lịch Sa Pa lúc bấy giờ.
Toàn cảnh nhà thờ Sa Pa – Ảnh: Nam Trung (baodatviet.vn - 12.10.2009)
Nguyên từ năm 1902, điểm truyền giáo Sa Pa đã được thành lập do các linh mục thuộc Hội thừa sai Paris (Missionnaires Etrangers de Paris - MEP). Đến năm 1905, nhằm đáp ứng nhu cầu hành lễ của các tín đồ đã ngày một đông, ngôi nhà thờ Sa Pa đầu tiên được xây dựng. Trong những năm 1925 - 1930, ngôi nhà thờ này đã được xây dựng lại bằng vật liệu kiên cố còn đến tận ngày nay. Trên một khuôn viên với diện tích 6.400m², nơi đây đã xây dựng cụm công trình gồm nhà thờ, nhà xứ, nhà Thiên Thần (một hình thức bệnh xá, nơi cứu chữa những người bệnh tật và cho khách lỡ đường tá túc qua đêm), nhà chăn nuôi và vườn thánh.
Nhà thờ Sa Pa – Mùa tuyết 2002
Được bố cục theo hình thập giá với kiến trúc Roman cách tân pha trộn nét Gothic ở vòm mái bên trong, nhà thờ Sa Pa có mái nhà, tháp chuông, vòm cuốn… đều mang hình chóp với phần tháp chuông vươn cao 20m tạo nên vẻ bay bỗng thanh thoát. Khu nhà thờ gồm 7 gian với diện tích hơn 500m², toàn bộ được xây bằng đá đẻo khổ 20 x 30cm, liên kết với nhau bằng hỗn hợp vữa gồm cát, vôi và mật mía. Mái nhà thờ được lợp ngói, trần được làm bằng vôi trộn rơm. Tại tháp chuông có phần giá đỡ bằng gỗ pơmu, nơi đây treo một quả chuông cao 1,5m, nặng 500kg được đặt đúc tại Pháp năm 1934, có tiếng ngân vang xa trong vòng bán kính gần 1km.
Đáng tiếc là do chiến tranh với những diễn biến phức tạp, số giáo dân phải đi sơ tán nên sinh hoạt tôn giáo cũng bị ngưng trệ, nhà thờ Sa Pa gần như bị bỏ hoang trong suốt thời gian dài (1950 - 1990). Sau khi sơ tán trở về, một số người dân đã đến ở trong nhà xứ hoặc dựng thêm nhà trong khuôn viên, cũng có lúc nhà thờ được sử dụng làm kho gạo và khu vực nhà xứ cũng được dùng làm trường học. Cho đến nay, số đất nhà thờ bị chiếm dụng đến 2.600m² vẫn chưa được hoàn trả, chưa kể nhà Thiên thần gồm 1 tầng hầm và 3 tầng nổi với diện tích 300m².
Thánh lễ tại nhà thờ Sapa trước khi được tu sửa lần 1 (năm 1995)
Năm 1995, với chủ trương tạo thuận tiện cho các sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào Công giáo H’mông tại giáo xứ Sa Pa và các giáo họ Hầu Thào, Lao Chải (thành lập từ năm 1927), chính quyền địa phương đã chấp thuận cho tu sửa nhà thờ Sa Pa và khôi phục các hoạt động tôn giáo tại đây. Trong đợt tu sửa này, nhà thờ đã được xây thêm hàng rào và lót đá phần sân phía trước. Tháng 5-2006, Sa Pa chính thức có linh mục quản nhiệm và thường trú sau gần 50 năm vắng bóng vị chủ chăn. Ngày 13-5-2007, nhà thờ Sa Pa đã được trùng tu, lợp lại mái ngói, làm mới trần nhà nhưng vẫn giữ nguyên phần trần của gác chuông, làm lại nền… Sau hơn 5 tháng nỗ lực, công trình đã hoàn thành vào ngày 25-10-2007. Vào dịp lễ Giáng sinh năm đó, Giáo xứ Sa Pa đã có vinh dự đón vị mục tử của Giáo phận Hưng Hóa – Giám mục Vũ Huy Chương về thăm và cung hiến ngôi thánh đường giáo xứ dâng kính Đức Mẹ Mân Côi (ngày 23-12-2007).
Bên trong nhà thờ sau đợt trùng tu 2007
Giám mục Vũ Huy Chương (phải) cùng linh mục Phạm Thanh Bình, quản nhiệm giáo xứ Sa Pa trong ngày cung hiến thánh đường (23-12-2007)
Với địa thế thuận lợi và một sân rộng ở phía trước, ngay từ khi được xây dựng đến nay, nhà thờ Sa Pa luôn là nơi diễn ra nhiều hoạt động truyền thống của đồng bào các dân tộc, đặc biệt các sinh hoạt văn hóa độc đáo diễn ra vào mỗi tối thứ Bảy, được nhiều du khách biết đến với tên gọi “chợ tình”. Phải chăng xuất phát từ việc đồng bào các dân tộc ở rải rác và quá xa khu vực trung tâm nên để có thể tham dự thánh lễ vào mỗi sáng Chủ nhật, họ đã phải lặn lội băng rừng vượt núi về đây từ chiều tối thứ Bảy, và trong lúc tập trung quây quần bên nhau, các tiếng khèn réo rắt mang theo hơi thở của núi rừng đã vang lên, xua tan cái giá lạnh, cái vắng lặng buồn tẻ trước khi đi vào giấc ngủ vật vờ đã trở thành sinh hoạt truyền thống với những biến tấu qua thời gian? (!).
Nhà thờ Sa Pa với bố cục hình thập giá – Ảnh: nguồn vikool.org
Trải bao năm dài với sự tàn phá của chiến tranh và thời gian cùng xu thế phát triển của xã hội hiện nay, những công trình cổ ở Sa Pa không còn nhiều. Có thể nói dấu ấn kiến trúc của người Pháp còn lại nguyên vẹn nhất tại đây là nhà thờ Sa Pa, một hình ảnh đặc trưng của thị trấn du lịch Sa Pa, nơi nét trầm mặc cố hữu cùng nhịp sống hối hả luôn bị những làn sương mỏng bao trùm, trở thành dấu hỏi lớn kích thích trí tưởng tượng và gọi mời khám phá…
Mai Kim Thành
Ảnh: nguồn Sapachurch.org – 24.12.2010
Giờ thánh lễ:
- Ngày thường: 19:00
- Chủ nhật: 09:00