» Giới thiệu » Tham quan » Thắng cảnh

thu nhỏ | phóng to

29/04/2011

ĐÈO HẢI VÂN


Trên đường thiên lý Bắc - Nam, khi qua dải đất miền Trung nhiều nắng gió, du khách sẽ thật thú vị với biết bao đồi núi lướt qua tầm mắt và những tên đèo đã trở thành quen thuộc với nhiều người, như đèo Ngang, đèo Hải Vân, đèo Cù Mông, đèo Cả…, trong đó ấn tượng nhất phải kể đến Hải Vân, một mạch núi từ dải Trường Sơn Bắc vươn dài ra biển với độ dốc cao, thế núi quanh co khúc khuỷu làm nền cho một đèo Hải Vân như dải lụa vắt ngang giữa trời mây, đẹp lạ lùng… 

a 

Ảnh: nguồn baodatviet.vn

Cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 25km về phía Bắc và cách trung tâm thành phố Huế chừng 63km về phía Nam, đèo Hải Vân có chiều dài 20,5km là một phần của quốc lộ 1A uốn lượn chênh vênh theo lưng chừng núi, với điểm cao nhất là đồn Nhất hay còn gọi Hải Vân quan ở độ cao 496m làm thành phân giới tự nhiên của tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng, chia đều đoạn đèo cho mỗi bên. Những ai đã từng qua đèo đều có nhận xét người xưa quả rất tinh tế khi chọn tên Hải Vân (mây - biển), bởi nơi đây mây từ trên núi sà xuống tạo thành một biển mây, còn dưới kia biển xanh mênh mông được tán sắc bởi ánh dương đã làm nhòa nét đường chân trời khiến biển với trời như hòa làm một, tạo nên một vùng cảnh quan vô cùng ngoạn mục với những biến tấu khôn lường.

a 

Ảnh: nguồn baodatviet.vn

Trong chuyến vi hành năm 1471, đứng trước một Hải Vân Sơn hùng vĩ, vua Lê Thánh Tông đã tức cảnh đề tặng 4 chữ “Đệ nhất hùng quan”. Sau này vua Minh Mạng (1820 - 1840) đã cho mở rộng đường, đặt ra 3 cửa ải trong đó cửa ải chính nằm về phía Tây núi, có tường thành chắn ngang, hai mặt đều trổ cửa với chiều cao 6m, ngang 7m. Tại cửa trước nhìn ra hướng Bắc có đề 3 chữ “Hải Vân quan” (cửa ải Hải Vân), cửa sau trông về hướng Nam có đề 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Người Pháp đã tỏ ra thực tế khi xây dựng một lô cốt trên đỉnh đèo vào năm 1826, gọi là “đồn Nhất”, vừa để bảo vệ đoạn đèo chiến lược, vừa có thể kiểm soát được đoạn đèo từ cả hai phía Bắc - Nam.

a 

Ảnh: Nguyễn Quý Đường (nguồn VnExpress.net – 20-5-2009)

a 

Ảnh: Nguyễn Trùng Dương (nguồn VnExpress.net. – 12-5-2009)

Đèo Hải Vân là điểm dừng chân lý tưởng của khách lữ hành trong hành trình ra Bắc vào Nam. Đứng từ đỉnh đèo quanh năm mây phủ, du khách như lạc vào một cõi nào khác lạ, ngây ngất với tâm lý chiếm lĩnh độ cao giữa trời, mây, non, nước giao hòa thật tráng lệ, xa xa trong tầm mắt là thị trấn Lăng Cô về phía Bắc hay bán đảo Sơn Trà, Non Nước - Ngũ Hành Sơn về phía Nam, hiện ra dung dị sau làn sương mờ ảo… Du khách có thể tìm về bên một Hải Vân Quan sừng sửng bám sườn núi gần trăm năm như thách đố cả thời gian, để nghe bảng lảng trong sương chiều những âm vọng hào hùng “từ thuở mang gươm đi mở cõi”…  

a 

Ảnh: Nguyễn Quý Đường (nguồn VnExpress.net – 20-5-2009)

Tuy là điểm thưởng ngoạn hấp dẫn đối với khách du lịch nhưng đèo Hải Vân luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rình rập và là nỗi ngán ngại đối với cánh lái xe với hàng trăm khúc cua tay áo khá hiểm nghèo. Vì vậy mà ngày 27-8-2000 đã mở ra trang sử mới cho “đệ nhất hùng quan” khi dự án hầm đường bộ đèo Hải Vân được khởi công, sau gần 5 năm xây dựng đã chính thức khánh thành ngày 5-6-2005. Đây là hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á và là một trong 30 hầm lớn nhất thế giới, với tổng chiều dài 15km trong đó hầm chính chạy xe dài 6,3km, rút ngắn đoạn đường qua đèo từ 20,5km xuống còn 12km khi qua hầm.

a 

Ảnh: Nguyễn Quý Đường (nguồn VnExpress.net – 20-5-2009)

 a

Hầm đường bộ Hải Vân - Ảnh: nguồn otofun.net

Hầm đường bộ đèo Hải Vân đi vào hoạt động đã đem lại nhiều hy vọng giảm thiểu những chuyến xe bão táp, những tai nạn thương tâm hay những ngày nóng ruột chờ khai thông đèo, mở ra cơ hội nối liền Đà Nẵng – vùng kinh tế trọng điểm nhất miền Trung với Huế, hình thành một huyết mạch di sản nối liền phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn với quần thể di tích cố đô Huế và xa hơn, đến tận vùng hoang mạc Phong Nha - Kẻ Bàng.

 a

Ảnh: Nguyễn Quý Đường (nguồn VnExpress.net – 20-5-2009)

Vẫn còn đó cơ hội để du khách khám phá cung đường huyền thoại, một cung đường đã từng được nhà thơ Cao Bá Quát tán tụng “Nhất bích ngưng vi giới, Trùng vân nhiễu tác thành” (biếc một dải làm mốc, mây muôn trùng dựng thành)…

Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung