» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Làng nghề

thu nhỏ | phóng to

08/05/2011

LÀNG GỐM BÀU TRÚC - NINH THUẬN


Nằm cạnh quốc lộ 1, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm chừng 10km về phía Nam thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Bàu Trúc là một thôn nhỏ cư trú toàn người dân tộc Chăm với 440 hộ gồm 2.887 nhân khẩu, trong đó có đến 80% số hộ gắn bó với nghề làm gốm truyền thống. Tương truyền nghề gốm cổ truyền tại đây đã có từ thời vua Po Klong Garai và được truyền dạy cho phụ nữ trong làng do vợ chồng ông tổ Poklong Chanh, vì vậy ông bà đã được bà con lập đền thờ và tổ chức cúng tế vào dịp lễ hội Katê hàng năm.

a 

Sản phẩm gốm Bàu Trúc – Ảnh: nguồn camnangdulich.com

Bàu Trúc là một làng gốm cổ xưa nhất vùng Đông Nam Á. Nguyên làng có tên Chăm là Paley Hamu Trok mà người Việt quen gọi là “Ma Tró”, với địa danh hành chánh là làng Vĩnh Thuận có từ năm 1832 thời vua Minh Mạng. Sau trận lụt lớn năm Giáp Thìn (1964), làng đã được dời đến vị trí cao ráo hơn cách làng cũ 2km, bên một hồ nước lớn có nhiều cây trúc mọc quanh nên từ thực tế đó mà hình thành tên làng Bàu Trúc như hiện nay.

a 

Vũ điệu “đánh vòng” – Ảnh: nguồn tinhhoadat.com

Từ nguồn nguyên liệu là loại đất sét được lấy từ đôi bờ sông Quao có độ kết dính cao, người thợ Bàu Trúc đã pha trộn với loại cát mịn lấy từ dòng sông La chảy quanh làng, theo một tỷ lệ nhất định tùy vào kích cỡ và công dụng của từng loại sản phẩm, làm nên loại gốm Bàu Trúc sau nung rất bền và có nhiều ưu điểm, khác hẳn so với các loại gốm ở những nơi khác. Qui trình làm gốm trải qua các công đoạn, từ làm đất, nặn hình, chà láng gốm đến trang trí hoa văn, tu sửa gốm, nung gốm đều được người Chăm thực hiện hoàn toàn bằng thủ công. Điểm đặc biệt là trong khi bàn xoay được sử dụng khá phổ biến ở nhiều làng gốm khác, thì tại Bàu Trúc các nghệ nhân lại đi quanh để tạo tác sản phẩm, gọi là đánh vòng. Với cách đánh vòng này, tuy năng suất không cao so với việc sử dụng bàn xoay nhưng mỗi sản phẩm làm ra đều mang dấu ấn và tài năng của người lao động, giản dị và chân chất như chính màu đất quê hương họ.

a 

Ảnh: nguồn dacsandatphanrang.com

Là một dân tộc theo chế độ mẫu hệ, nghề gốm nơi đây được “mẹ truyền con nối” qua các đời. Các bà mẹ Bàu Trúc thường dạy con họ thành những người thợ gốm tài năng. Ngay từ độ lên mười, các cô gái đã bắt đầu học nghề gốm và phải làm được các sản phẩm, từ ấm, niêu đất đến chum, vại đựng nước… Các “nữ nghệ nhân” Bàu Trúc nắn và tạo hình các sản phẩm chỉ bằng đôi bàn tay và không sử dụng đến bàn xoay. Sản phẩm sau khi hoàn thành được đem phơi nắng 4 – 6 giờ, tiếp đến người thợ sẽ dùng những mảnh sành, sứ hay nẹp tre để cắt, gọt, làm bóng láng, trang trí các hoa văn. Tiếp đến sản phẩm sẽ được để trong mát từ 5 – 10 ngày trước khi xếp vào lò nung lộ thiên được lập trên những khoảnh đất trống.


a 

Ảnh: nguồn baocongthuong.vn

Các sản phẩm gốm sẽ được ủ rơm và đốt bằng củi, sau chừng 4 – 5 giờ nung với nhiệt độ lên đến 500 - 600ºC, gốm sẽ được lấy ra để phun màu (gồm các loại màu được chiết suất từ trái dông và trái thị ở trên rừng), rồi nung tiếp chừng 2 giờ nữa để hoàn thành công đoạn nung. Lúc này gốm đã chín tới và có các màu vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, bợt nâu rất đặc trưng làm nên sản phẩm gốm mang dáng vẻ và dấu ấn văn hóa Chăm cổ rất độc đáo.


 a

Ảnh: nguồ suckhoemoinha.com

Tham quan làng gốm Bàu Trúc, du khách không thể không ghé thăm Nhà trưng bày gốm Chăm được xây dựng khá khang trang ngay giữa làng, trên một khuôn viên chừng 0,3ha. Tại đây du khách sẽ thực sự ngạc nhiên và thích thú trước một rừng gốm với nhiều chủng loại khác nhau, từ những bình hoa với đủ kiểu dáng đến những tháp tượng được mô phỏng, từ những vũ nữ Apsara đến những bình, ấm nước, nồi niêu, chum vại… tất cả đều được làm từ nguyên liệu đất sét có nguồn gốc địa phương và qua bàn tay tạo tác của các nghệ nhân Bàu Trúc giàu kinh nghiệm.

 a

Ảnh: nguồn vietbao.vn

Trong thời kinh tế thị trường, các nghệ nhân Bàu Trúc đã biết vận dụng từ nhu cầu thực tế để làm nên nhiều sản phẩm gốm mỹ nghệ đáp ứng không chỉ thương mại, du lịch mà còn cả xuất khẩu, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Các cơ sở gốm Đàng Xem, Đổng Minh Mạng, Đàng Thị Hộ… đã là những nhân tố tích cực, đi đầu trong tiến trình cải tiến mẫu mã để sản phẩm gốm mỹ nghệ Bàu trúc tìm được chỗ đứng trong cơ chế thị trường và không ngừng vươn xa…

Có đến Bàu Trúc chứng kiến tận mắt cách các nghệ nhân làng gốm làm ra những sản phẩm, chúng ta mới cảm nhận được vẻ đẹp mộc mạc trong từng tác phẩm, để thêm trân trọng những giá trị truyền thống được người nghệ nhân Bàu Trúc ra sức gìn giữ qua không gian và thời gian…

Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung