» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng

thu nhỏ | phóng to

20/05/2011

THÁP CHĂM TẠI BÌNH ĐỊNH


Trong số những kiến trúc Chăm hiện diện trên dải đất miền Trung, phong cách kiến trúc Chăm tại Bình Định đã luôn được các nhà chuyên môn đánh giá cao. Ngay từ năm 1942, Ph. Stern đã xếp phong cách kiến trúc Bình Định vào hàng thứ sáu trong bảy phong cách và là một phong cách lớn kéo dài từ thế kỷ 12 – 14. Tuy quần thể tháp Chăm tại Bình Định không nhiều như tại Quảng Nam nhưng những gì còn lại gần như nguyên vẹn và đa dạng, trong đó có những kỷ lục Đông Nam Á như tháp gạch cao nhất (tháp Dương Long với độ cao ban đầu của tháp giữa là 39m và hai tháp còn lại là 36m), tháp gạch được xây ở vị trí cao nhất so với mực nước biển (tháp Hòn Chuông ở độ cao 600m)…

THÁP ĐÔI

Không ở đâu xa, ngay bên đầm Thị Nại trên địa bàn phường Đống Đa cách trung tâm thành phố Qui Nhơn chừng 3km là quần thể tháp Đôi hay tháp Hưng Thạnh được xây dựng từ cuối thế kỷ 12 và được trùng tu năm 1996, gồm hai tháp: tháp lớn cao khoảng 20m và tháp nhỏ cao khoảng 18m, đứng kề nhau như cặp vợ chồng. Đây là cụm tháp được kể vào loại độc đáo nhất bởi không giống với bất kỳ tháp Chăm nào, đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngày10-7-1980. Tháp Đôi chịu ảnh hưởng kiến trúc Chân Lạp với phần đế là những tảng sa thạch, phần thân và chân bằng nhau, mái cấu tạo nhiều tầng càng lên cao càng nhỏ dần và các góc tháp trang trí hình chim thần Garuda trong tư thế xòe cánh bay.

 a

Đêm hội Tháp Đôi (mồng 2 Tết âl) – Ảnh: Đào Tiến Đạt (baobinhdinh.com.vn)

THÁP BÁNH ÍT

Ra khỏi thành phố chừng 20km, đến gần ngã ba cầu Bà Di có quốc lộ 19 đi Gia Lai - Kon Tum và cách quốc lộ 1A chừng 300m về phía Đông thuộc địa phận xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước là quần thể tháp Bánh Ít hay tháp Bạc, gồm 4 tháp nằm trên một ngọn đồi cao 32m giữa hai nhánh của sông Kôn là Tân An và Cầu Gành, được xây dựng từ cuối thế kỷ 11 đến đầu thế kỷ 12. Do đứng từ xa trông 4 ngôi tháp như những chiếc bánh ít nên người dân đã từ thực tế mà đặt tên cho cụm tháp này. Mỗi tháp mang một dáng vẻ khác nhau, riêng tháp chính cao khoảng 24m với đỉnh vòm hình Kala, các diềm mái được trang trí công phu các phù điêu hình Gajashimha, Haruman hay mặt Kala trong tư thế khá sinh động.

 a

Tháp Bánh Ít (tháp chính) – Ảnh: Đào Tiến Đạt (baobinhdinh.com.vn)

 a

Toàn cảnh tháp Bánh Ít – Ảnh: Đào Tiến Đạt (baobinhdinh.com.vn)

THÁP BÌNH LÂM

Cách thành phố Qui Nhơn chừng 22km và cách tháp Bánh Ít chừng 2km thuộc thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước là tháp Bình Lâm, một công trình khá đặc biệt bởi được xây dựng ngay giữa đồng bằng vào cuối thế kỷ 10 đến đầu thế kỷ 11. Đây là ngôi tháp nằm trong khu thành Bình Lâm, kinh đô đầu tiên và tạm thời khi các vua Chăm dời kinh đô từ Quảng Nam vào Bình Định và trước khi xây dựng kinh đô Đồ Bàn. Tháp có chiều cao khoảng 20m gồm 3 tầng, có bình đồ vuông với mỗi cạnh khoảng 10m, hai tầng phía trên được thu nhỏ dần khi lên cao, kiến trúc mang nét thanh tú và khỏe khoắn với các hoa văn trang trí tinh tế và hài hòa… Tháp Bình Lâm được xếp hạng di tích quốc gia năm 1995.

 a

Tháp Bình Lâm – Ảnh: Đào Tiến Đạt (baobinhdinh.com.vn)

THÁP DƯƠNG LONG

Từ ngả ba cầu Bà Di, đi thêm chừng 25km đến huyện Tây Sơn, tại hai thôn Vân Tường (xã Bình Hòa) và An Chánh (xã Tây Bình) có cụm tháp Dương Long hay tháp Ngà gồm 3 tháp được xây dựng khoảng cuối thế kỷ 12 đầu thế kỷ 13 là thời kỳ rực rỡ nhất của nghệ thuật kiến trúc Chăm. Tháp giữa cao khoảng 24m, hai tháp hai bên chừng 22m, kích thước khá lớn với nghệ thuật điêu khắc chạm trổ điêu luyện, kiến trúc uy nghi, các họa tiết trang trí rất tinh xảo, được xếp vào hàng những tháp Chăm đẹp nhất trên đất dãi đất miền Trung. Tháp Dương Long đã được xếp hạng di tích quốc gia ngày 10-7- 1980.

 a

Tháp Dương Long – Ảnh: Đào Tiến Đạt (baobinhdinh.com.vn)

THÁP THỦ THIỆN

Nằm ở bờ Nam sông Kôn tại làng Thủ Thiện, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, cách thành phố Qui Nhơn 35km về hướng Tây Bắc là tháp Thủ Thiện, một ngôi tháp đơn chiếc được xây dựng vào khoảng thế kỷ 11 trong thời chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn A1 và Bình Định. Đây là một tháp vuông gồm phần thân và 3 tầng phía trên mô phỏng phần thân tháp càng lên cao càng nhỏ dần, kiểu dáng trang nhã, thanh thoát. Điểm thú vị là vào những năm 1980, trên đỉnh tháp có một cây đa đồ sộ che phủ cả tháp, đến năm 1985 một cơn bão đã thổi bay cây đa khỏi đỉinh tháp nhưng không ảnh hưởng lớn đến tòa tháp cổ. Tháp Thủ Thiện được xếp hạng di tích quốc gia năm 1995.

 a

Tháp Thủ Thiện – Ảnh: Đào Tiến Đạt (baobinhdinh.com.vn)

THÁP CÁNH TIÊN

Được chú ý nhiều hơn cả phải kể đến tháp Cánh Tiên nằm đơn độc trên một ngọn đồi lộng gió cách quốc lộ 1A chừng 500m, được xây dựng khoảng thế kỷ 16 tại vị trí trung tâm thành Đồ Bàn xưa, cách thành Hoàng Đế nổi tiếng một thời chừng 300m (nay thuộc xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn). Tháp Cánh Tiên gồm bốn tầng thu nhỏ dần khi lên cao, tại các góc của mỗi tầng đều trang trí những hình tháp nho nhỏ tạo nên nét cổ kính uy nghi. Đây là loại tháp mang phong cách Bình Định với vòm cửa hình mũi giáo, có vách trang trí đơn giản nhưng vẫn mang nét khỏe khoắn. Đặc biệt kiến trúc tháp rất thanh thoát với các cột áp tường được ốp bằng những phiến sa thạch màu tím có chạm khắc những hoa văn dây xoắn.

 a

Tháp Cánh Tiên – Ảnh: Đào Tiến Đạt (baobinhdinh.com.vn)

THÁP PHÚ LỐC

Cũng tại huyện An Nhơn, cách ngôi cổ tự Thập Tháp Di Đà không xa và cách thành phố Qui nhơn chừng 35km về phía Bắc còn có tháp Phú Lốc hay tháp Vàng (Tour d’Or) theo cách gọi của người Pháp, nằm trên một ngọn đồi cao 76m so với mực nước biển tại làng Phú Thành, xã Nhơn Thành. Với vị trí này ngôi tháp nổi bật giữa đồng bằng như một ngọn hải đăng khổng lồ. Đây là ngôi tháp thờ thần Shiva, được xây dựng đầu thế kỷ 12 theo phong cách Bình Định, với đá được dùng chế tác nhiều bộ phận trang trí kiến trúc, từ các hình áp chân các cột ốp đến diềm mái cho thân và các tầng tháp… Tháp Phú Lốc được xếp hạng di tích quốc gia năm 1995.

 a

Tháp Phú Lốc – Ảnh: Đào Tiến Đạt (baobinhdinh.com.vn)

THÁP HÒN CHUÔNG

Ngoài bảy cụm tháp gồm 13 tòa tháp cổ được biết đến từ lâu trên địa phận tỉnh Bình Định, tháp Hòn Chuông thuộc huyện Phù Cát chỉ mới được phát hiện vào năm 1997. Đây là một tháp gạch, được xây ở độ cao 600m so với mực nước biển, một vị trí cao nhất tại khu vực Đông Nam Á. Đáng tiếc là do sự tàn phá của thời gian và cả con người, ngôi tháp này hiện chỉ còn phần chân đế hoặc đã bị sụp đổ do những người thiếu ý thức đào bới để tìm kiếm vàng hay cổ vật…

● ● ●

Du lịch đến Bình Định, du khách không chỉ thưởng lãm những thắng cảnh kỳ thú do thiên nhiên hào phóng ban tặng mà còn có dịp tiếp cận với nhiều tòa tháp cổ là những di sản văn hóa qúy báu được tổ tiên người Chăm xây dựng từ bao thế kỷ trước. Hiện trên địa phận tỉnh Bình Định còn tồn tại 8 cụm tháp với tổng số 14 tòa tháp cổ được xem như những tài sản vô giá. Những bí ẩn về tháp Chăm tuy đã được các nhà nghiên cứu quan tâm giải mã phần nào từ cả trăm năm nay nhưng mỗi lần đứng trước một công trình cổ chắc hẳn vẫn đem lại cho khách tham quan những cảm nhận lý thú.

Hiện tỉnh Bình Định và Viện Khảo cổ Việt Nam đang xúc tiến việc lập hồ sơ trình chính phủ để làm cơ sở đề nghị UNESCO công nhận hệ thống tháp Chăm tại Bình Định là di sản văn hóa thế giới.

 Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung