» Giới thiệu » Tham quan » Điểm hẹn tâm linh

thu nhỏ | phóng to

20/05/2011

ĐIỆN TÂY SƠN - BÌNH ĐỊNH


Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn giành được thắng lợi, nhà Nguyễn đã tiến hành chính sách trả thù tàn bạo mà dữ dội nhất là tại quê hương anh em Tây Sơn tại làng Kiên Mỹ, huyện Tuy Viễn, phủ Qui Nhơn (nay thuộc khối 1, thị trấn Phú Phong, cách thành phố Qui Nhơn chừng 40km về phía Tây Bắc). Nhiều ruộng vườn bị tịch thu làm công điền, nhiều ngôi nhà bị phá thành bình địa trong đó có ngôi nhà cũ của ông bà Nguyễn Phi Phúc (thân sinh Tây Sơn tam kiệt).

Với tấm lòng biết ơn những vị anh hùng dân tộc, bất chấp hiểm nguy rình rập, người dân Tuy Viễn đã góp công góp của dựng lại trên nền nhà cũ của anh em Tây Sơn một ngôi từ đường làm nơi thờ tự ông bà Nguyễn Phi Phúc. Ngôi từ đường này về sau cũng bị nhà Nguyễn phá hủy. Để tránh sự dòm ngó của triều đình, người dân đã phải mượn danh nghĩa Thành hoàng làng để dựng lên trên nền từ đường cũ ngôi đình làng Kiên Mỹ và xin sắc của nhà Nguyễn. Thực tế đình Kiên Mỹ được lập là để bí mật thờ “Ba ngài Tây Sơn”, hàng năm được cúng giỗ vào dịp lễ thường tân (tết cơm mới – 15 tháng 11 âm lịch) và chỉ cúng hương hoa cùng “mật cáo” chứ không có văn tế, trong khi Tổ đình vẫn được thờ ở miếu Vĩnh An (xóm Chợ hay xóm Hưng Trung) và được cúng tế linh đình hàng năm vào tháng Ba.

a 

Điện Tây Sơn – Ảnh: nguồn website Bình Định

Đình Kiên Mỹ đã từng nổi tiếng khắp vùng với những cột đình lớn đến nổi một người ôm không xuể, ký ức dân gian vẫn còn lưu truyền câu tục ngữ:“Hạc chợ Đình, cột đình Kiên Mỹ”. Trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, ngôi đình này đã bị phá hủy năm 1947 theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến nhưng dân làng cũng đã lập một miếu nhỏ để tiếp tục việc thờ tự anh em Tây Sơn.

Năm 1958, ngôi điện thờ chính thức mới được xây dựng và khánh thành vào năm 1960. Đến năm 1998 đã được nâng cấp tôn tạo qui mô hơn nhưng về đại thể vẫn không khác mấy so với kiến trúc ban đầu. Điện Tây Sơn được kiến trúc theo lối cổ và nhỏ nhưng vẫn thể hiện nét uy nghi tĩnh tại gợi liên tưởng đến khí phách anh hùng của các lãnh tụ kiệt xuất đất Tây Sơn. Trước tiên là cổng tam quan, qua khoảng sân rộng đến nhà bia và sau cùng là chính điện gồm 3 gian: gian giữa thờ Tây Sơn tam kiệt, hai gian hai bên thờ văn thần, võ tướng theo đúng nguyên tắc “tả văn hữu võ”.

a 

Tượng Quang Trung hoàng đế – Ảnh: nguồn hoangsa.org

Năm 2004, dịp kỷ niệm 215 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 -  2004), 9 bức tượng gồm Tây Sơn tam kiệt và văn thần, võ tướng đã được đưa vào thờ trong điện Tây Sơn. Đây là những bức tượng bằng chất liệu gốm dát vàng, mang phong cách tượng thờ truyền thống được thực hiện bởi họa sĩ Lê Đình Bảo và nhóm điêu khắc thuộc công ty Mỹ thuật Trung ương, gồm:

- Tượng Quang Trung hoàng đế (cao 2,55m kể cả phần đế bằng đá granite).

- Tượng Đông Định vương Nguyễn Lữ (cao 2,50m).

- Tượng Trung ương Hoàng đế Nguyễn Nhạc (cao 2,50m).

- Tượng Binh bộ thượng thư Ngô Thì Nhậm (cao 2,50m).

- Tượng Trung thu lệnh Trần Văn Kỷ (cao 2,50m).

- Tượng Đại tư mã Ngô Văn Sở (cao 2,50m).

- Tượng Thiếu phó Trần Quang Diệu (cao 2,50m).

- Tượng Đô đốc Bùi Thị Xuân (cao 2,50m).

- Tượng Đại tư đồ Võ Văn Dũng (cao 2,50m).

a 

Ban thờ Tây Sơn tam kiệt – Ảnh: nguồn vovnews

Tại điện thờ, án thờ hội đồng được đặt tại vị trí trung tâm, ngay cửa chính bước vào. Đối diện với án thờ là ba bàn thờ Tây Sơn tam kiệt: ở giữa là bàn thờ Quang Trung - Nguyễn Huệ (cao 1,13m), bên trái là bàn thờ Đông Định vương Nguyễn Lữ (cao 1,08m) và bên phải là bàn thờ Trung ương hoàng đế Nguyễn Nhạc (cao 1,08m). Sáu bàn thờ các văn thần, võ tướng (cao 1m) được đặt hai bên: bên trái là bàn thờ các văn thần Binh bộ Thượng thư Ngô Thì Nhậm, Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ, Đại tư mã Ngô Văn Sở; bên phải là bàn thờ các võ tướng Thiếu phó Trần Quang Diệu, Đô đốc Bùi Thị Xuân, Đại tư đồ Võ Văn Dũng.

Điện Tây Sơn được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia ngày29-4-1979. Hàng năm vào các ngày 4 và 5 tháng Giêng âm lịch, dịp kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Điện Tây Sơn cùng Bảo tàng Quang Trung lại rộn lên không khí lễ hội, vừa tưởng niệm các hào kiệt Tây Sơn thể hiện chân lý “uống nước nhớ nguồn”, vừa long trọng mừng chiến tích đại thắng quân Thanh lẫy lừng trong lịch sử dân tộc.

Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung