» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Làng nghề

thu nhỏ | phóng to

27/05/2011

THỔ CẨM LÀNG TENG


Từ quốc lộ 1A tại ngã ba Thạch Trụ (huyện Mộ Đức), theo quốc lộ 24 đi Kontum chừng 25km đến chân đèo Lâm thuộc địa phận xã Ba Thành, huyện Ba Tơ rồi theo con đường đất đỏ rẽ về hướng Bắc chừng non cây số, du khách sẽ đặt chân đến làng Teng của đồng bào dân tộc H’Re, cách huyện lỵ Ba Tơ khoảng 7km về phía Đông. Con sông Liêng hung hiểm từ vùng rừng thượng nguồn Ba Tơ, khi chảy về ngang qua xã Ba Thành đã đột ngột giảm tốc rồi khẽ khàng đảo nhẹ một vòng trước khi hướng dòng chảy hiền hòa về hạ nguồn đã tạo nên một doi đất làm nơi cư trú đắc địa của cộng đồng người H’Re, hình thành nên làng Teng.

 a

Mí già Phạm thị Bế truyền nghề dệt cho cháu
Ảnh: Võ Qúy Câu (Tuổi Trẻ Online – 26.9.2008)

Không hiểu do thổ nhưỡng hay một nguyên nhân bí ẩn nào mà con gái làng Teng mang một vẻ đẹp hoang dại với sóng mũi cao, làn da trắng hoặc ngăm ngăm, mắt đượm vẻ huyền bí khác hẳn những người đồng chủng H’Re với chiếc mũi tẹt và màu da rất đen. Có người nêu giả thiết, từ nhiều thế kỷ trước, các cuộc chinh chiến giữa các đế chế Chăm - Việt đã đẩy một bộ phận người Chăm từ dưới xuôi chạy lên miền núi lánh nạn. Những cuộc hòa huyết giữa hai tộc người Chăm và Hré qua nhiều đời đã tạo nên một bộ phận người H’Re khác lạ này (!). Giả thiết này đúng tới đâu còn cần đến sự lý giải của các nhà chuyên môn, có điều người làng Teng kế thừa một cách khá hoàn hảo nghề dệt thổ cẩm vốn đã trở thành truyền thống của dân tộc Chăm, và hiện làng Teng gần như là nơi duy nhất tại tỉnh Quảng Ngãi còn duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống từ bao đời cho đến tận ngày nay.

a 

Phụ nữ làng Teng – Ảnh: Võ Qúy Câu (Tuổi Trẻ Online – 26.9.2008)

Theo nhiều bậc cao niên, ngay từ xa xưa người H’Re đã biết gieo trồng ngoài nương rẩy, và phụ nữ làng Teng ai cũng biết dệt vải như là bảo chứng cho phụ nữ của làng. Ở độ tuổi 12 - 13, các thiếu nữ làng Teng đã được các “mí” truyền cho nghề canh cửi. Hàng năm cứ đến mùa, khi con gái của làng mang gùi đi hái trái về kéo sợi, thì con trai làng lại ngược về phía núi kiếm rễ hay vỏ một số cây rừng về làm màu, ngâm sợi. Từ những sợi bông đã nhuộm màu, qua bàn tay người phụ nữ làng Teng sẽ trở nên những sản phẩm hữu dụng như kà tu (váy), ka pen (khố), ka tăh (tấm địu con), mul (khăn đội đầu), si păh (dây đeo), ta góh (khăn gói trầu cau hoặc gói lễ vật), vei xan (mền đắp)… vừa đẹp lại vừa bền.

a 

Tại Nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm – Ảnh: nguồn sinhviendulich.net

Đáng tiếc là trải qua thời gian và chiến tranh, giống bông trồng lấy sợi đã bị mai một và dần biến mất khỏi khu vực, bà con đã phải thay thế bằng sợi màu công nghiệp. Tuy sản phẩm làm ra có sắc sảo hơn nhưng điểm yếu của những sợi chỉ màu đa sắc là bị phai màu qua vài lần giặt. Thêm vào đó, do giá nguyên liệu cao đang khi sản phẩm làm ra không bán được giá tương xứng với công sức lao động đã khiến nhiều người không kham nổi với nghề.

Một nghịch lý khác là từ sau ngày đất nước thống nhất (1975), người phụ nữ làng Teng cũng như phụ nữ nhiều dân tộc khác đã có những thay đổi cơ bản về trang phục với cách ăn mặc gần như người Kinh. Điều này tuy có tiện lợi nhưng vô hình chung đã đẩy các loại thổ cẩm xuống hàng thứ yếu và chỉ còn tồn tại trong các dịp lễ hội. Từ nhu cầu giảm, hàng làm ra vừa khó khăn lại khó tiêu thụ, thổ cẩm làng Teng đang phải đối mặt với nhiều thách thức và có nguy cơ đi vào bế tắc.

a 

Dệt thổ cẩm ở làng Teng – Ảnh: Võ Qúy Câu (Tuổi Trẻ Online – 26.9.2008)

Trong nỗ lực bảo tồn các di sản nghệ thuật văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, dự án duy trì nghề dệt thổ cẩm cho làng Teng đã được Qũy hổ trợ bảo tồn nghệ thuật văn hóa dân gian triển khai. Cách đây 8 năm, Huyện Ba Tơ đã đầu tư 60 triệu đồng phục hồi nghề dệt thổ cẩm, xây dựng giữa làng một nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm và mở một lớp đào tạo nghề dệt cho gần 100 thiếu nữ người H’Re… Người dân làng Teng và những người học nghề hy vọng sẽ được các ngành chức năng của huyện, tỉnh giúp tìm giống cây bông phù hợp và hướng dẫn cách nuôi trồng để bảo đảm nguồn nguyên liệu dệt thổ cẩm nhưng xem ra điều đó vẫn còn quá xa vời. Việc phát triển nghề cũng chỉ dừng ở mức cầm chừng và chưa có dấu hiệu khởi sắc.

a 

Sắc màu thổ cẩm làng Teng – Ảnh: Võ Qúy Câu (Tuổi Trẻ Online – 26.9.2008)

Điều đáng mừng là cho dù gặp khó khăn, hiện làng Teng vẫn còn trên 30 “nghệ nhân” của làng vẫn cố duy trì nghề truyền thống và xem đó như là một cách “giữ lửa” cho làng. Cầu mong ngày càng có nhiều người quả cảm giữ lấy nghề truyền thống và những tấm thổ cẩm mãi giữ được màu tươi, đem lại nhiều niềm vui cho cộng đồng và những người sở hữu…

Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung