» Giới thiệu » Tham quan » Thắng cảnh
27/05/2011
BÃI BIỂN SA HUỲNH
"Hỏi mình biển đẹp vô ngần,
Sóng xanh như đến dừng chân Sa Huỳnh…"
(Xuân Diệu)
Nằm về cực Nam tỉnh Quảng Ngãi, cạnh quốc lộ 1A và cách thành phố Quảng Ngãi chừng 60km về phía Đông Nam, Sa Huỳnh là một địa danh nổi tiếng thuộc địa phận hai xã Phổ Châu và Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ. Nguyên ban đầu nơi đây có tên Sa Hoàng với ý nghĩa “bãi cát vàng”, sau do chữ “Hoàng” trùng tên với chúa Nguyễn Hoàng nên đã phải biến âm đọc trại mà thành ra Sa Huỳnh như hiện nay.
Biển Sa Huỳnh – Ảnh: nguồn dulich.chudu24.com
Không chỉ là vùng di chỉ khảo cổ có giá trị với hàng loạt mộ chum và nhiều hiện vật tiêu biểu cho một nền văn hóa cổ xưa bị chìm khuất dưới lòng đất mà mãi đến đầu thế kỷ 20 mới được phát lộ, Sa Huỳnh còn được biết đến với một bãi biển đẹp chạy dài 5 - 6km cong cong hình lưỡi liềm, được trang điểm bởi dãy núi Cấm, thắng cảnh ghềnh đá Châu Me và những đảo Khỉ, hòn Bẹp, hòn Dù, hòn Khu Ông, hòn Son… xa xa ngoài biển khơi, trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách vào các ngày cuối tuần hay các dịp lễ, tết…
Ảnh: nguồn est.congdulich.com
Nằm tại Km 985, bãi tắm Sa Huỳnh thật lý tưởng với bãi cát vàng óng ả và làn nước biển trong xanh, nơi đây đáy biển thoai thoải và không có bãi đá ngầm. Cách bờ chừng hơn một hải lý là dải đá ngầm cùng rạn san hô, nơi tập trung những đàn cá muôn màu và cả một thế giới đại dương kỳ ảo như trong truyện thần tiên… Du khách có thể ngồi thuyền đi dọc theo núi Cấm, tham quan hang Én, hang Hóc Mó đặc biệt hang Hóc Mó càng lộng lẫy hơn vào mỗi độ xuân về, khi rừng mai vàng nở rực cả một khoảng trời tạo nên nét nhấn nhá độc đáo giữa biển trời bao la… Du khách cũng có thể tắm ở những bãi tắm Hóc Mó, Bàu Nú đầy vẻ hoang sơ hay khám phá đảo khỉ với nhiều loài động vật hoang dã qúy hiếm…
Biển Sa Huỳnh nằm cạnh Quốc lộ 1A – Ảnh: nguồn sahuynhonline.com
Đến với biển Sa huỳnh, sẽ là thiếu sót nếu du khách không thưởng thức những hải sản còn tươi rói vừa được ngư dân đánh bắt, từ tôm, mực, ghẹ, cua Huỳnh đế… đến món cá nục cuốn bánh tráng rất dân dã mà vô cùng khoái khẩu. Đặc sản nổi tiếng nhất của Sa Huỳnh là mắm nhum và cua Huỳnh đế. Con nhum (cầu gai) vốn đã hiếm và chỉ có thể bắt theo mùa, nên để làm được thành mắm thì lại càng qúy hiếm hơn. Mắm nhum Sa Huỳnh đã một thời là mắm “ngự” khi vào thời vua Minh Mạng, hàng năm địa phương phải “tiến” về kinh đô 12 cân. Khác với các loài cua thông thường, cua Huỳnh đế là giống cua lớn có toàn thân màu đỏ gạch, mỗi con cân nặng đến cả ký; không phải chế biến cầu kỳ, chỉ cần luộc rồi chắm muối ăn đã đủ cảm nhận hết vị bùi béo, ngọt thơm của loài cua độc đáo này. Một phó sản khác từ biển là muối – Sa Huỳnh nổi tiếng là vựa muối lớn ở miền Trung với các cánh đồng muối có diện tích gần 500ha, cho sản lượng muối hàng năm đến hàng trăm ngàn tấn. Muối Sa Huỳnh có chất lượng tốt, được tín nhiệm từ lâu tại các thị trường miền Trung và Tây nguyên.
Con Nhum (Cầu gai) – Ảnh: nguồn saigontoserco.com
Cua Huỳnh đế – Ảnh: nguồn baodongnai.com.vn
Trong dự báo về triển vọng của du lịch Sa Huỳnh khi thành phố Vạn Tường được hình thành và khu kinh tế Dung Quất đi vào hoạt động vào năm 2010, ngay từ giữa năm 2005 với sự hỗ trợ của Tổng Cục Du lịch, tỉnh Quảng Ngãi đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng Sa Huỳnh thành một khu du lịch hoàn chỉnh, bao gồm cải tạo cơ sở hạ tầng, điện, đường, xây dựng khách sạn, siêu thị, khu vui chơi, nghỉ dưỡng và tắm biển… phục vụ khách du lịch. Hiện Sa Huỳnh Resort đã đi vào hoạt động với đầy đủ dịch vụ, tập đoàn Mai Linh cũng đầu tư dự án trạm dừng chân tại Sa Huỳnh và Công ty cổ phần đầu tư phim trường Vina Universal thuộc tập đoàn Tân Tạo đang triển khai dự án xây dựng phim trường lớn nhất Việt Nam…
Lễ cầu an – Ảnh: nguồn mientrungtiepthi.vn
Ảnh: nguồn baomoi.com
Từ một làng chài còn hoang sơ, Sa Huỳnh ngày nay như cô Tấm bước ra từ cổ tích để thành một thị tứ xinh xắn nằm nép mình bên những hàng dừa thơ mộng hay dưới những hàng dương rủ bóng thướt tha… Du khách đến đây còn có dịp tham dự vào những lễ hội dân gian như lễ cầu an của ngư dân, được đắm mình vào những làn điệu đậm chất văn hóa như hát bả trạo, hát bài chòi… hoặc tìm hiểu đời sống của người dân chân chất và rất mực hiếu khách, nghe văng vẳng câu ca dao tình tứ:
“Ngó ra ngoài bãi cát vàng,
Cát bao nhiêu hạt, thương chàng bấy nhiêu.”…
Mai Kim Thành