» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng
30/06/2011
THÀNH NHÀ HỒ - DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI
Cách Hà Nội 150km về phía Nam và cách thành phố Thanh Hóa chừng 45km về phía Tây Bắc, Thành Nhà Hồ là tên thường gọi của “tòa thành trong”, một phức hợp kiến trúc bằng đá đồ sộ còn khá nguyên vẹn giữa vùng đồng bằng lưu vực sông Mã và sông Bưởi, thuộc địa bàn các thôn Tây Giai, Xuân Giai (xã Vĩnh Tiến) và Đông Môn (xã Vĩnh Long), huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Theo truyền tụng, thành được xây dựng theo lệnh của Tuyên Trung Vệ Quốc Đại Vương Hồ Qúy Ly (1337 - 1407) năm 1397 và đã hoàn thành trong thời gian ba tháng, bằng kỹ thuật ghép đá rất độc đáo và tinh tế. Khi thành xây xong, Hồ Qúy Ly đã ép vua Trần Thuận Tông (con rể) phải dời đô từ thành Thăng Long (Hà Nội) vào Đại Lại (Thanh Hóa) để dễ bề khống chế và soán đoạt ngôi vua. Thành còn có nhiều tên gọi khác như thành An Tôn vì vào cuối thời Trần khu vực này được gọi là động An Tôn, Tây Giai vì thành thuộc thôn Tây Giai, thành Tây Đô vì nơi đây được đặt làm kinh đô của nước Đại Việt (1397 - 1400) và Đại Ngu (1400 - 1407), Tây Kinh để phân biệt với Đông Kinh (thành Thăng Long), Thạch Thành do thành được xây toàn bằng đá; sau này khi Nhà Minh xâm chiếm Đại Việt, nơi đây được đổi thành phủ Thanh Hóa.
Bình đồ và các thành phần kiến trúc chính của thành trong
Là cung thành của một kinh đô, Thành Nhà Hồ đã được thiết kế công phu và xây dựng rất kiên cố với bình đồ gần vuông và có mặt chính quay về hướng Đông Nam, còn đường trục chính lệch về hướng Bắc 45º theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Tuy trục chính không đúng hướng Bắc Nam với mặt chính nhìn về hướng Nam theo quan niệm “Thánh nhân Nam diện nhi thính thiên hạ” (Thánh nhân quay mặt về phương Nam để nghe thiên hạ) trong nguyên tắc phong thủy và dịch lý Đông phương nhưng bốn mặt tường vẫn được gọi tên theo bốn hướng chính với bốn cửa Nam, Bắc, Đông, Tây. Thành có chu vi 3.513,40m, diện tích 769.086m² với bốn mặt tường thành: Nam dài 877,10m, Bắc dài 877m, Đông dài 879,30m và Tây dài 880m. Hai trục đường chính nối cửa Nam với cửa Bắc và cửa Đông với cửa Tây giao nhau tại chính tâm của tòa thành.
Đôi rồng đá bên trong thành
Căn cứ vào hiện trạng cùng các kết quả khảo cổ trong những năm gần đây, có thể bước đầu xác định những thành phần kiến trúc cơ bản của một hoàng thành gồm: tường thành, cửa thành, hào thành, dấu tích các hồ nước cùng các kiến trúc bên trong. Quan sát từ bên ngoài, người xem có thể hình dung một tòa thành gồm các bức tường xây bằng các khối đá khổng lồ có hình chữ nhật hoặc gần vuông được xếp với nhau không trùng mạch.
Kỹ thuật gia cố lõi tường thành
Thực tế tường thành được cấu tạo gồm ba lớp gắn kết chặt chẽ với nhau bằng một kỹ thuật khá đặc biệt: lớp ngoài được xây dựng bằng các khối đá vuông thành sắc cạnh được đẽo gọt công phu và hơi thu nhỏ về phía trên theo kiểu “thượng thu, hạ thách”, lắp ghép chồng khít vào nhau theo phương thẳng đứng bằng một kỹ thuật khéo léo, đặc biệt thể hiện rõ ở các điểm bắt góc của thành; lớp giữa là phần lõi tường, được đắp bằng đá mồ côi gồm các khối đá rời tự nhiên, được chèn ốp bên trong dựa vào thế đá bên ngoài; lớp trong là lũy đất có độ dốc thoải dần vào trong, được đắp bằng đất sét trộn cát sỏi, nện kỹ và cứ khoảng 60 - 70cm lại có một lớp cát mỏng trộn với sỏi. Ba lớp liên kết tạo nên một tường thành có mặt thành cho đến nay còn rộng chừng 4 - 5m, thoải dần vào bên trong. Tại một điểm ở thành phía Đông, độ dày đo được dưới chân bức tường là 21,36m.
Góc thành phía Đông Bắc
Có thể nói các cổng thành là tuyệt tác của kỹ thuật dựng thành Nhà Hồ. Các cửa thành đều được mở ở chính giữa tường thành và đều được xây theo kiểu vòm cuốn, với một kỹ thuật tương đối giống nhau: bên dưới đặt những khối đá lớn làm nền, các khối đá chữ nhật phía bên trên tạo thành thân cửa, phần vòm cửa hình bán viên được chế tác bằng các khối đá hình thang hơi cong và được lắp đặt với độ chính xác cao tạo nên nét đặc sắc của tòa thành. Trong bốn cửa, cửa Nam được xây dựng lớn nhất, mở ra ba vòm trong khi các cửa còn lại chỉ có một vòm. Cửa phía Nam (còn gọi là cửa Tiền) có chiều dài 34,85m, độ cao hiện còn từ mặt nền là 7,65m, dày 15m được xây thành 3 vòm cuốn, vòm giữa cao 8,50m, rộng 5,85m hai vòm bên cao 7,80m, rộng 5,45m và 5,47m; Cửa phía Bắc có chiều dài 21,34m, độ cao hiện còn 8,10m, dày 13,55m tạo một vòm cuốn cao 5,42m, rộng 5,80m, trên nóc vòm cuốn được lát đá tạo thành một mặt bằng rộng 12,70m, dài 20m; Cửa phía Đông có chiều dài 23,30m, dày 13,40m, rộng 5,80m, vòm cuốn chiều cao còn lại 6,80m, nơi đây các phiến đá trên nóc cửa và hai bên cánh bị vỡ nhiều nhưng vẫn còn nhận rõ dấu vết hèm cửa; Cửa phía Tây dài 19,30m, dày 13,40m, rộng 5,70m, vòm cuốn cao 6,16m.
Cửa Nam nhìn từ cửa Bắc
Cửa Bắc
Bao quanh các bức tường thành còn có hệ thống hào thành được Lưu Công Đạo (thế kỷ XIX) mô tả: “Hệ thống hào còn được gọi là trì, trì rộng 36 tầm, bốn cửa đều có cầu đá vào thành”. Tuy nhiều phần của hào đến nay đã bị lấp cạn nhưng vẫn có thể nhận rõ dấu tích của hào thành phía Bắc, phía Đông và một nửa phía Nam (đầu phía Đông). Theo ghi nhận, khoảng cách từ hào đến tường phía Nam khoảng 65 - 70m, đến tường phía Bắc khoảng 70m, đến tường phía Đông khoảng 100m và đến tường phía Tây khoảng 120m. Tại góc Đông Nam của hào thành còn nhận rõ một con kênh nối thông với sông Bưởi.
Cửa Đông
Cửa Tây
Bên trong thành, theo sử sách còn ghi chép, đã từng hiện diện nhiều công trình kiến trúc quan trọng được xây dựng rất nguy nga tráng lệ như điện Hoàng Nguyên (nơi nhà vua ngự triều), cung Nhân Thọ (nơi ở của Thượng hoàng), Đông Cung (nơi ở của Thái tử), cung Phù Cực (nơi ở của Hoàng hậu), Đông Thái miếu (nơi thờ tổ họ Hồ), Tây Thái miếu (nơi thờ họ ngoại là Trần Minh Tông và Trần Nghệ Tông), đàn Xã Tắc…, được nối với nhau bằng những con đường lát đá. Đầu thế kỷ 20, khi khảo sát hiện trạng các di tích ở Thành Nhà Hồ, L. Bezacier đã ghi lại: “Những công trình xây dựng, cung điện, dinh thự khác nhau bằng gỗ bên trong thành trước đây đã hoàn toàn biến mất trên mặt đất. Tuy nhiên, có điều rất thú vị lưu ý rằng các khoảnh ruộng lúa đã trồng lên các nền móng cũ của các bức tường. Khi quan sát trên máy bay còn thấy rõ sự nhô lên trên nền đất các cửa, hình dáng chung của các dinh thự, nền và lối đi rất rõ nét…”.
Một đoạn tường thành phía Nam
Theo ước tính của các nhà chuyên môn, để hoàn thành công trình tường thành, đã phải đào đắp đến 100.000m³ đất và sử dụng hơn 20.000m³ đá, trong đó có nhiều khối đá nặng trên 20 tấn. Các khối đá đắp tường có kích thước trung bình 2,2 x 1,5 x 1,2m, cá biệt có khối kích thước tới 4,2 x 1,7 x 1,5m và 5,1 x 1 x 1,2m. Tuy triều Hồ đã tồn tại ngắn ngủi trong lịch sử (1400 - 1407) nhưng cũng kịp để lại những cách tân đáng ghi nhận như cải cách thi cử, mở mang trường học, đề cao chữ Nôm, phát hành giấy bạc…, đặc biệt Thành Nhà Hồ không chỉ là một trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của Việt Nam lúc bấy giờ mà còn là một kiến trúc độc đáo, một di sản quý báu biểu hiện tính kiệt xuất của công trình thành cổ còn đến tận ngày nay, đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia từ năm 1962 và đang từng bước được trùng tu tôn tạo để trở thành một điểm đến hấp dẫn khách du lịch.
Một đoạn tường thành phía Đông
Với việc Ủy ban Di sản thế giới thuộc UNESCO tại kỳ họp thứ 35 tổ chức tại Paris (Pháp) ngày 27-6-2011, đã chính thức công nhận di tích Thanh Nhà Hồ của Việt Nam vào danh sách di sản văn hóa thế giới, di tích Thành Nhà Hồ đã được tôn vinh xứng đáng, đem lại niềm vinh dự không chỉ cho đất nước Việt Nam, mà còn cho tỉnh Thanh Hóa nơi di tích được xây dựng. Ước mong niềm vui hôm nay giúp nâng cao hơn ý thức của người dân Thanh Hóa trong bảo tồn bảo tàng để càng biết trân trọng các di tích lịch sử - văn hóa, bởi trên vùng đất Thanh Hóa vẫn còn hiện diện nhiều di sản quý báu cấp quốc gia…
Mai Kim Thành
Tham khảo chính & Ảnh:
Ban Quản lý di tích Thành Nhà Hồ (thanhnhaho.vn)