» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Đặc sản

thu nhỏ | phóng to

20/08/2011

BÁNH PHỒNG SƠN ĐỐC - BẾN TRE


Từ Mỹ Thạnh quê hương của bánh tráng Mỹ Lồng đi về hướng Ba Tri chừng 10km, du khách sẽ gặp một ngã ba có bày bán rất nhiều dừa. Từ đây rẽ phải đi chưa đầy 1km là đến chợ Sơn Đốc, quê hương của nghề làm bánh phồng nổi tiếng thuộc xóm Chòi, ấp Hưng Bình, xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm được nhiều người biết đến qua câu thành ngữ “Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc”.

Phơi bánh phồng – Ảnh: nguồn bentre.gov.vn

Để làm nên món bánh phồng Sơn Đốc nổi tiếng, người dân Hưng Nhượng thường dùng giống nếp trồng tại quê nhà như nếp Sáp, nếp Bà bóng hay giống bốn tháng ruỡi. Cứ 10 lít nếp cộng với đường kính, nước cốt dừa… sẽ cho ra khoảng 300 chiếc bánh phồng. Công đoạn làm bánh phồng khá cầu kỳ bởi người thợ phải chọn nếp, đồ thành xôi rồi sau đó mới cho vào cối quết mịn. Nếu việc quết xôi trước đây phải cần đến những đôi chân dẻo dai của các thanh niên lực lưỡng để đạp chày thì ngày nay đã được hỗ trợ bằng cơ giới. Riêng khâu bắt bột và cán bánh thì vẫn phải làm bằng thủ công và dựa vào đôi bàn tay khéo léo của chị em phụ nữ. Khi đạt được độ dẻo cần thiết, người thợ mới ngắt ra từng phần theo trọng lượng định trước (gọi là bắt bột), tiếp đó mới cán mỏng để thành sản phẩm chuyển đến người tiêu dùng.

Để bánh cán ra có độ dày đồng đều, tròn trịa với đường kính 15cm, đòi hỏi người thợ phải thạo việc và có kinh nghiệm, những chiếc bánh không đẹp phải được “gọt” lại bằng kéo. Tiếp đến bánh sẽ được đem phơi nắng.

Bắt bột, cán bánh phồng – Ảnh: nguồn bentre.gov.vn

Nếu trước đây bánh phồng chỉ được biết đến với hai loại bánh ngọt và bánh trắng thì trong chừng mươi lăm năm trở lại đây, đã biến tấu thành nhiều loại với chủ yếu hai loại chính: bánh béo là sản phẩm pha trộn giữa bánh ngọt và bánh trắng ngày trước nhưng có cải tiến nâng cấp với nguyên liệu nếp dẻo, đường kính, chất béo và dừa khô; bánh sữa là loại bánh đặc biệt thường được làm vào dịp tết, có chất lượng cao hơn và được pha chế thêm sữa, hột gà, sầu riêng hoặc mít…

Tại Hưng Nhượng hiện có hàng trăm hộ lớn, nhỏ làm bánh phồng. Để giúp làng nghề có đủ năng lực cạnh tranh trên thương trường, ngay từ năm 2001 đã hình thành hợp tác xã bánh phồng Sơn Đốc. Năm 2002, hợp tác xã bánh phồng Sơn Đốc đã đăng ký thương hiệu cho 3 loại bánh phồng sữa, bánh phồng sầu riêng và bánh phồng nếp truyền thống. Hiện tại hợp tác xã bánh phồng Sơn Đốc có 19 hộ xã viên với bình quân hộ từ 10 – 15 lao động.

Cán bánh phồng – Ảnh: nguồn blog.yume.vn

Do phải “cưu mang” nhiều chất liệu nên bánh phồng ngày nay không nở lớn như trước, và tùy thuộc vào cách nướng mà bánh có biến tướng khác nhau, như nướng trong lò kín thì bánh nở theo chiều dày, nướng trên lò than hoặc bếp gas thì bánh nở theo chiều rộng…

Bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc đã nổi danh từ rất lâu, với việc Cục Sở hữu Trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ chấp nhận đơn đăng ký thương hiệu của làng nghề, đã tạo đà cho tên tuổi làng nghề bay xa, bay cao…

Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung