» Giới thiệu » Tham quan » Điểm đến khác

thu nhỏ | phóng to

27/08/2011

TÂY NGHỆ AN - KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN THẾ GIỚI


Tháng 9-2007, Hội đồng điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển trực thuộc UNESCO đã chính thức công nhận và xếp hạng Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Theo đánh giá của UNESCO, đây là khu dự trữ sinh quyển lớn nhất Đông Nam Á và là vùng đất duy nhất của Đông Nam Á còn lại những cánh rừng nguyên sinh có giá trị cao về sinh thái và môi trường, trong đó có nhiều vùng chưa hề ghi nhận dấu chân khám phá của các nhà khoa học.

Khu DTSQ Tây Nghệ An - Ảnh: nguồn lukhach24h.com

Khu DTSQ Tây Nghệ An -- Ảnh: nguồn lukhach24h.com

Rừng nguyên sinh – Ảnh: nguồn pumat.vn

Rừng nguyên sinh – Ảnh: nguồn pumat.vn

Trên diện tích 1,3 triệu hecta bao gồm Vườn Quốc gia Pù Mát và hai Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt trải dài gần 500km qua 9 huyện miền núi của tỉnh Nghệ An tiếp giáp với nước bạn Lào, Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhiều dân tộc thiểu số như Thái, Đan Lai, Khơ Mú, Ơ Đu (dân tộc ít người nhất trong số 54 dân tộc tại Việt Nam)...

Sao La (Pseudoryx nghetinhensis) – Ảnh: nguồn pumat.vn

Sao La (Pseudoryx nghetinhensis) – Ảnh: nguồn pumat.vn

 

Là điểm giao thoa của những hệ động thực vật Bắc và Nam Trường Sơn ở độ cao 1.000 - 2.000m, Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An có tính đa dạng sinh học rất cao đại diện cho hầu hết các kiểu rừng của rừng mưa nhiệt đới, các sinh cảnh sống rất đa dạng bao gồm núi, đất ngập nước, suối và sinh cảnh khác. Tại đây tập trung chừng 2.500 loài trong đó có khoảng 2.000 loài thực vật bậc cao, 130 loài động vật lớn nhỏ được ghi nhận, nhiều loài sinh vật qúy hiếm chưa được phát hiện như sao la, hổ, thỏ vằn Trường Sơn... trong đó Sao La (Pseudoryx nghetinhensis) mới được phát hiện trong thời gian gần đây là một trong những động vật đặc trưng và quá trình bảo tồn rất được quốc tế quan tâm, 295 loài chim, 54 loài lưỡng cư và bò sát, 84 loài cá, 39 loài dơi, 304 loài bướm ngày và hàng ngàn loài côn trùng khác.

Thác Khe Kèm – Ảnh: pumat.vn

Thác Khe Kèm – Ảnh: pumat.vn

Hiện Việt Nam có 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận,  xếp thứ nhì Đông Mam Á sau Indonesia (19 khu), gồm: Cần Giờ (còn gọi là Rừng Sác) thuộc thành phố Hồ Chí Minh (2000), Châu thổ Sông Hồng thuộc 3 tỉnh Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình (2004), Cát Bà thuộc thành phố Hải Phòng (2004), Ven biển và biển đảo Kiên Giang thuộc tỉnh Kiên Giang (2006), Tây Nghệ An thuộc tỉnh Nghệ An (2007), Cù lao Chàm thuộc tỉnh Quảng Nam (2009), Mũi Cà Mau thuộc tỉnh Cà Mau (2009), Đồng Nai thuộc 5 tỉnh Đồng Nai - Bình Dương - Bình Phước - Lâm Đồng - Đăk Nông (2011), Lang Bian thuộc tỉnh Lâm Đồng (2015), Núi Chúa thuộc tỉnh Ninh Thuận (2021) và Kon Hà Nừng thuộc tỉnh Gia Lai (2021). 

Mai Kim Thành    

(Cập nhật 20-9-2021)

Danh mục nội dung