» Giới thiệu » Tham quan » Điểm hẹn tâm linh

thu nhỏ | phóng to

03/09/2011

TÒA THÁNH CAO ĐÀI TÂY NINH


Cách thị xã Tây Ninh chừng 5km về hướng Đông Nam thuộc xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, trên một khuôn viên hình vuông rộng 1km² có tường bao quanh với 12 cổng mở ra bốn hướng, Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh là Tổ Đình, là “Thiên Lý Bửu Tòa”, Tòa Thánh Trung ương của đạo Cao Đài, tức Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, trung tâm tụ hội của hơn hai triệu tín đồ đạo Cao Đài tại miền Nam Việt Nam.

Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh – Ảnh: Allen Wong (thienlybuutoa.org)

Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh – Ảnh: Allen Wong (thienlybuutoa.org)

Đại Đạo Tam kỳ Phổ Độ là một nền Đạo lớn mở ra vào thời kỳ thứ ba để cứu giúp toàn chúng sinh nơi cõi trần thoát khỏi khổ cảnh luân hồi mà trở về cõi thiêng liêng hằng sống. Khi mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn xưng danh hiệu là “Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát”, nên Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được gọi tắt là Đạo Cao Đài. Đạo Cao Đài chủ trương giao tiếp với Đấng Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế cùng các Đấng Thánh, Thần, Tiên, Phật qua Đàn Cơ, nhất nhất đều theo chỉ thị do thần cơ giáng dạy mà hành động nên có thể nói Cao Đài là một tôn giáo nhuốm màu sắc thần bí.

Tòa thánh nhìn từ phía sau – Ảnh: Allen Wong (thienlybuutoa.org)

Tòa thánh nhìn từ phía sau – Ảnh: Allen Wong (thienlybuutoa.org)

Việc hình thành Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh là một tiêu biểu sống động cho sự giao tiếp mang tính chất thần bí đó, từ vị trí xây cất, kiểu cách hình dáng đến phương pháp kiến trúc đều theo lời giáng dạy của Đức Lý Giáo Tông, họa đồ xây cất và kích thước Tòa Thánh đều do Ngài vẽ theo kiểu vở của Thiên đình. Tòa Thánh Cao Đài được xây dựng từ năm 1931 (Tân Mùi) đến năm 1947 (Đinh Hợi) mới hoàn thành nhưng mãi đến ngày 9 tháng Giêng năm Ất Mùi (1-2-1955) mới khánh thành, dịp đại lễ vía Đức Chí Tôn. Thực tế việc xây dựng bị gián đoạn vào các năm 1931, 1933, 1935. Năm 1936 khi Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc được giao điều hành Hội Thánh, việc xây dựng mới được tiếp tục nhưng vẫn có 5 năm gián đoạn khi Đức Hộ Pháp bị viên Toàn quyền Đông Dương Decoux đưa đi an trí tại Madagascar (28-6-1941 đến 30-8-1946), lúc công trình mới hoàn thành được chừng 80%.

Cổng Chánh Môn Tòa Thánh Tây Ninh – Ảnh: nguồn nto.com.vn

Cổng Chánh Môn Tòa Thánh Tây Ninh – Ảnh: nguồn nto.com.vn

Theo sự giáng dạy của Đức Lý Giáo Tông, Tòa Thánh Tây Ninh dự kiến có bề dài 135m (được chia ra Hiệp Thiên Đài dài 27m, Cửu Trùng Đài dài 81m, Bát Quái Đài dài 27m), ngang 27m, bề cao của lầu chuông và lầu trống là 36m,  bề cao của Nghinh Phong Đài và Bát Quái Đài là 24m. Do thấy công trình này qui mô quá lớn sợ gây khó khăn tốn kém cho chúng sinh, Đức Chí Tôn đã giáng cơ dặn Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh rằng: "Thơ! Thái Bạch muốn lập Thánh Thất coi cho tốt đẹp, chẳng tưởng sự khó nhọc các con, Thầy chẳng đành. Thoảng như tốn kém nhiều, các con coi theo họa đồ, tính làm theo thước mộc, nghe à!". Vì vậy mà kích thước Tòa Thánh đã có sự nhân nhượng điều tiết so với họa đồ ban đầu của Đức Lý Giáo Tông, cụ thể bề dài từ cuối Bát Quái Đài đến mặt tiền lầu chuông là 94m, bề ngang gồm cả hai hành lang là 22m, bề cao của lầu chuông và lầu trống từ mặt đất lên đến nóc là 27m (chưa tính hồ lô cao 1,2m)…

Buổi lễ lúc 12 giờ trưa – Ảnh: nguồn vietlinktour.com

Buổi lễ lúc 12 giờ trưa – Ảnh: nguồn vietlinktour.com

Tòa Thánh Tây Ninh là một công trình kiến trúc độc đáo, duy nhất và kỳ diệu do có sự phối hợp giữa Trời và Người, là “Thiên khiển Nhơn tạo” nên được mệnh danh là Bạch Ngọc Kinh tại thế… Tòa Thánh được xây dựng không qua đồ án kiến trúc, không xin phép xây dựng cũng không được giám sát kỹ thuật bởi những người chuyên môn mà chỉ do bàn tay và tấm lòng của những người tình nguyện, đặc biệt để bảo đảm sự tinh khiết họ còn lập thệ không cưới vợ, lấy chồng trong suốt thời gian xây dựng và chỉ ăn chay trường với cháo rau đạm bạc. Tòa thánh là một công trình Cao Đài tiêu biểu nhất, phối hợp hài hòa văn minh kiến trúc của các nền văn hóa lớn trên thế giới, với hai lầu chuông, trống vút cao mang dáng dấp tháp chuông nhà thờ Thiên Chúa giáo, những mái ngói đỏ cong cong mang kiểu dáng của các ngôi chùa Phật giáo Trung Hoa, Nghinh Phong Đài bên dưới hình vuông, bên trên hình tròn với chóp tròn tựa như những nóc tháp của đền thờ Hồi giáo, Bát Quái Đài gợi liên tưởng đến Bát Quái Đồ của đạo Tiên, Cửu Trùng Đài với 9 bậc cấp giống 9 phẩm trật quan lại triều đình theo quan niệm Nho giáo Trung Hoa thời phong kiến… Năm 1993 Tòa thánh được trùng tu và hoàn thành vào năm 1995.

Phi Tướng Đài – Ảnh: nguồn tayninhtour.com

Phi Tướng Đài – Ảnh: nguồn tayninhtour.com

Đạo Cao Đài tin vào Thượng Đế là Đấng Chí Tôn, biểu trưng bằng Thiên Nhãn (Mắt Trời). Hàng năm có ba dịp lễ lớn là vía Đức Chí Tôn (8-1 âl), Hội yến Diêu Trì cung (15-8 âl) và ngày Khai đạo (15-10 âl) thu hút hàng vạn người về dự. Lễ hội Cao Đài Tây Ninh tuy là một nghi lễ tôn giáo nhưng đã biết kết hợp và phát huy được những giá trị văn hóa từ lễ hội dân gian truyền thống. Tại đây vào lúc 12 giờ trưa hàng ngày đều diễn ra một nghi lễ trang nghiêm, các tín đồ với chiếc áo dài trắng truyền thống chuyển động nhịp nhàng trong âm vang của những bài lễ nhạc hay những kinh kệ mang nhiều âm hưởng dân ca Việt Nam. Du khách có thể ghé Trai đường dùng bữa chay miễn phí hoặc ra chợ Long Hoa nếm thử các món “giả mặn” vừa khéo léo vừa đa dạng mà cũng không kém phần phong phú, hấp dẫn…

Tòa Thánh Tây Ninh ngày đại lễ – Ảnh: nguồn tayninhtour.com

Tòa Thánh Tây Ninh ngày đại lễ – Ảnh: nguồn tayninhtour.com

Ngoài ngôi Tòa thánh uy nghi, tại đây cũng còn một số công trình độc đáo khác được chạm trổ nhiều họa tiết tinh vi, sắc sảo như cổng Chánh môn, đền thờ Phật, đền thờ Mẫu, ba bảo tháp thờ Đức Hộ Pháp, Đức Thượng Phẩm và Đức Thượng Sanh, đặc biệt Bá Huê viên (Vườn hoa Đoàn kết) với nhiều bonsai, nhiều loại hoa thơm cỏ lạ rất đẹp và tao nhã…

Mai Kim Thành     

 Tham khảo:

-  Caodaism.org
-  Thienlybuutoa.org
-  Personal.usyd.edu.au

Danh mục nội dung