» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng

thu nhỏ | phóng to

10/09/2011

VĂN THÁNH MIẾU VĨNH LONG


Nằm cách trung tâm thành phố Vĩnh Long chừng 2km, trên một sở đất rộng cặp bên bờ sông Long Hồ thuộc thôn Long Hồ, tổng Long An, huyện Vĩnh Bình nay thuộc phường 4, thành phố Vĩnh Long, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long là văn miếu thứ hai được lập trên vùng đất Nam bộ, sau khi Văn Miếu Trấn Biên (lập năm 1715), Văn Miếu Gia Định (lập năm 1824) bị người Pháp phá hủy. (Trước đó Văn Thánh Miếu Cao Lãnh đã được lập năm 1857 tại thôn Mỹ Trà, tổng Phong Thạnh, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường, nay thuộc phường 3, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).

Cổng tam quan Văn Thánh Miếu – Ảnh: nguồn tuvanonline.com

Cổng tam quan Văn Thánh Miếu – Ảnh: nguồn tuvanonline.com

Văn bia số 1 dựng tại Văn Thánh Miếu Vĩnh Long năm 1911, ghi lại nội dung được Phan Thanh Giản soạn từ năm 1866, đã cung cấp đôi điều về sự ra đời của Văn Thánh Miếu:” Năm Kỷ Mùi, Tự Đức thứ 12 (1859), Gia Định, Biên Hòa, Định Tường nối nhau thất thủ, sĩ phu ba tỉnh tỵ địa qua bản tỉnh (ý nói Vĩnh Long) và các hạt An Giang, Hà Tiên. Lúc bấy giờ binh mã bận rộn, sĩ tử mang bút tòng quân, việc học bỏ bê. Năm Tự Đức thứ 15 (1862), Đốc học Nguyễn Thông họp các thân hào nhân sĩ bàn việc ấy, chọn đất ở địa phận thôn Long Hồ, cách tỉnh thành hơn 2 dặm về hướng Đông Nam, phía trước sông dài, phía sau là gò cao, hai bên vườn tược… Tháng 11 năm Tự Đức thứ 17 (Giáp Tý - 1864) khởi công, tháng 9 năm nay hoàn thành (năm Bính Dần - 1866)”.  Như vậy, với sự đề xướng của quan Đốc học Nguyễn Thông cùng sự bảo trợ của Kinh lược sứ Nam Kỳ Phan Thanh Giản, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long đã được hình thành trong một bối cảnh đất nước khá nhiễu nhương.

Cận cảnh cổng tam quan Văn Thánh Miếu – Ảnh: nguồn mytour.vn

Cận cảnh cổng tam quan Văn Thánh Miếu – Ảnh: nguồn mytour.vn

Du khách ngang qua đường Trần Phú ngày nay sẽ có dịp nhìn thấy cổng tam quan Văn Thánh Miếu màu vàng được xây theo lối cổ lâu, uy nghi với ba tầng mái lợp ngói đỏ và ba cổng hình vòm. Phía trên cổng chính có ba chữ Hán “Văn Thánh Miếu” và phía dưới là hàng chữ quốc ngữ, hai bên cổng chính có đôi câu đối bằng chữ Hán với nội dung: “Khổng môn truyền đạo thiên ban thượng / Thánh Miếu sùng văn vạn đại tôn.” (Nơi cửa Khổng, đạo lý truyền đi, ngàn lớp người kính nễ / Chốn miếu Thiêng, văn chương trọng vọng, vạn thế hệ suy tôn – Vietgle.vn). Thực tế cổng này mới được làm lại từ năm 1964. Trước đó vào năm 1928, cổng được làm bằng cột gỗ mái ngói, đến năm 1936 mới được xây bằng hai trụ cổng với đôi liễn mang nội dung khá lãng mạn: “Liễu phố tân sào nha tháo nguyệt / Hạnh đàn cửu chỉ mã tê phong” (Nơi bờ sông, trên cây liễu bầy quạ thấy trăng kêu rộ / Chốn sân hạnh, nhớ chuồng cũ lũ ngựa nghe gió hí vang).

ĐIỆN ĐẠI THÀNH

Qua khỏi cổng tam quan, du khách dễ dàng cảm nhận bầu khí yên tĩnh thanh tao của chốn “cửa Khổng sân Trình” với con đường thần đạo lát đá chẻ nối từ cổng tam quan đến điện Đại Thành, được trang điểm bởi băng viên ở giữa và hai hàng cây sao cao vút gợi liên tưởng đến những chú lính gác uy nghiêm. 

Đường thần đạo dẫn tới Đại Thành điện – Ảnh: nguồn tuvanonline.com

Đường thần đạo dẫn tới Đại Thành điện – Ảnh: nguồn tuvanonline.com

Đại Thành điện thờ vị tổ của đạo Nho là Đức Khổng Tử, được người đời sau tôn vinh bằng nhiều danh hiệu như “Vạn Thế Sư Biểu”, “Đại Thành Chí Thánh”, “Thánh Văn”, “Thánh Nhân”… Nguyên từ khi mới thành lập Văn Thánh Miếu, điện Đại Thành chỉ được xây dựng đơn giản với cột cây mái ngói và trên nền đất. Năm 1903, một công trình bề thế hơn đã được dựng trên nền đá xanh cao chừng 90cm với các cột được thay bằng gỗ căm xe, nền lót gạch tàu, mái lợp ngói đại và ngói ống theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc”.

Tại gian chánh điện bài trí khá đơn sơ, ở giữa đặt khánh thờ bài vị “Đại Thành Chí Thánh Tiên Sư Khổng Phu Tử” cùng bài vị của bốn vị cao đồ Tăng Tử, Mạnh Tử, Nhan Tử và Tử Tư được Đức Khổng Tử ban gọi “Tứ phối”. Hai bên tả ban và hữu ban đặt khánh thờ “Thập triết”. Cạnh điện Đại Thành còn có Tả Vu và Hữu Vu là hai ngôi miếu nhỏ ở hai bên, thờ “Thất thập nhị hiền” là 72 học trò giỏi của Đức Khổng Tử.

Bia số 1 trước Đại Thành điện – Ảnh: Dương Thu (baoanhdatmui.vn)

Bia số 1 trước Đại Thành điện – Ảnh: Dương Thu (baoanhdatmui.vn)

Nằm giữa đường thần đạo, đan xen với hoa lá cỏ cây còn có 3 tấm bia: bia số 1 đặt gần điện Đại Thành là trước tác của Phan Thanh Giản soạn năm 1866 và được dựng năm 1911, có mặt trước nêu lý do dựng miếu, xưng tụng công đức thánh nhân và triều đình, mặt sau dương danh những người có công; bia số 2 được dựng năm 1903 để kỷ niệm Tống Hữu Định và giới trí thức trong cuộc trùng tu Văn Thánh Miếu lần 2; bia số 3 dựng năm 1931 ghi lại di chúc của Trương Thị Loan hiến đất cho miếu làm tự điền (bà là con gái của Bá hộ Trương Ngọc Lang, người có nhiều công lao trong việc xây dựng và bảo tồn Văn Thánh Miếu). Cũng trong khuôn viên Văn Thánh Miếu, còn có hai hồ Nhật Tinh và Nguyệt Anh là hai ao nhỏ trồng sen tạo cảnh và một kiến trúc nhỏ gần cổng tam quan là Tụy Văn Lâu.

TỤY VĂN LÂU

Lúc lập Văn Thánh Miếu, Phan Thanh Giản đã có ý định xây dựng một thơ lầu phía bên tả công trình. Tuy nhiên do người Pháp đánh chiếm Vĩnh Long và cụ Phan đã tuẫn tiết, ý định tốt đẹp kia đành phải gác lại. Năm 1869, những người Minh Hương mà đứng đầu là bá hộ Trương Ngọc Lang đã đứng ra quyên góp xây dựng lầu thơ theo như ý nguyện ban đầu của cụ Phan. Công trình khởi sự từ năm 1869 đến năm 1872 mới hoàn thành. Thoạt đầu lầu thơ gồm hai tầng nhưng chỉ với cột gỗ, mái ngói và nền đất. Tầng trên là để tàng trữ văn sách, chính giữa có đặt ban thờ ba vị Văn Xương Đế Quân, thần chủ về văn học, gồm Cửu thiên Khai hóa Văn Xương tử đồng đế quân (giữa), Cửu thiên Tuyên hóa Văn Xương khôi đẩu tinh quân (bên trái), Cửu thiên Dương hóa Văn Xương kim giáp tinh quân (bên phải). Tầng dưới là nơi dành cho khách nghỉ ngơi khi về đây cúng tế, nơi bình văn luận võ của các quan đại thần…

Văn Xương Các (Tụy Văn Lâu) – Ảnh: nguồn tuvanonline.com

Văn Xương Các (Tụy Văn Lâu) – Ảnh: nguồn tuvanonline.com

Thơ lầu được trùng tu vào năm 1914 với nền gạch, cột gỗ căm xe, mái lợp ngói ống. Tầng trên treo biển “Văn Xương Các” (Gác thờ ba vị Văn Xương đế quân), tầng dưới treo biển “Tụy Văn Lâu” (Lầu nhóm họp giới văn nhân tài tử). Năm 1933, sau khi vua Bảo Đại ban sắc tái phong cho Phan Thanh Giản là “Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần” thì ở tầng dưới lầu thơ đã đặt thêm biển “Phan Thanh Giản thần miếu” bằng chữ quốc ngữ. Tại gian chính giữa trong cùng đặt khám thờ Khâm sai Đại thần - Kinh lược sứ Phan Thanh Giản với hòm sắc, phía trước là khám thờ Gia Định Xử Sĩ Sùng Đức Võ Trường Toản. Gian bên trái là khánh thờ các trọng thần như Tổng đốc Vĩnh Long Trương Văn Uyển, Bố chánh Vĩnh Long Nguyễn Văn Nhã, Án sát Vĩnh Long Võ Doãn Thanh, Bố chánh Quảng Ngãi (nguyên Đốc học Vĩnh Long) Nguyễn Thông. Gian bên phải thờ các công thần gồm Tuần phủ Hà Tiên Lê Quang Nguyên, Án sát Hà Tiên Nguyễn Toán, Án sát An Giang Phạm Hữu Chánh, Tri phủ Định Viễn Lê Văn Khiêm, Tri phủ Định Viễn Nguyễn Tống Minh, Giáo thọ Hoằng tự Nguyễn Tu Mẫn, Tổng đốc Thuận Khánh Nguyễn Mục Như (Nguyễn Văn Phong), Bá hộ Trương Trọng Tiên (Trương Ngọc Lang). Ngoài ra còn có gian phía sau thờ các hiền nhân, hương chức có nhiều công sức với Văn Thanh Miếu.

Súng thần công tại Tụy Văn Lâu – Ảnh: Nam Tuan (panoramio.com)

Súng thần công tại Tụy Văn Lâu – Ảnh: Nam Tuan (panoramio.com)

Năm 1937, hai khẩu thần công vốn được đặt tại cầu tàu từ năm 1921 đã được mang về Văn Thánh Miếu, đặt hai bên Tụy Văn Lâu, đến năm 1960 đã được đặt trên bệ xây đàng hoàng như hiện nay. Cạnh Tụy Văn Lâu còn có khu nhà trù, nhà tiệc.

Văn Thánh Miếu một thời là niềm tự hào của người dân Vĩnh Long. Với truyền thống “tôn sư trọng đạo”, chính quyền và người dân Vĩnh Long đã có ý thức bảo vệ và trùng tu tôn tạo để Văn Thánh Miếu không chỉ là điểm đến gần gũi của mọi người mà còn là một địa chỉ hấp dẫn khách du lịch. Công trình Văn Thánh Miếu Vĩnh Long đã qua các đợt trùng tu vào các năm 1872, 1903, 1914, 1933, 1963, 1994 và gần đây nhất vào tháng 6-2006. Ngày 25-3-1991, Văn Thánh Miếu được công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Văn Xương Các và các bia số 2, 3 – Ảnh: Dương Thu (baoanhdatmui.vn)

Văn Xương Các và các bia số 2, 3 – Ảnh: Dương Thu (baoanhdatmui.vn)

Hàng năm tại Đại Thành miếu có các lễ cúng Xuân Đinh và Thu Đinh, tại Tụy Văn Lâu có lễ vía cụ Phan vào các ngày 4 và 5 tháng Bảy âm lịch, lễ cúng vọng các trung thần liệt tử vào các ngày 12 và 13 tháng Mười âm lịch. Du khách đến đây vừa có dịp tỏ lòng thành kính đối với các đấng bậc tiền nhân, vừa có điều kiện tìm hiểu phần nào nền văn hóa dân tộc qua những công trình kiến trúc cổ còn được bảo tồn qua thời gian và lịch sử.

Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung