» Giới thiệu » Tham quan » Điểm đến khác
10/09/2011
NHÀ CỔ BÌNH HÒA PHƯỚC
Nằm bên bờ rạch Cái Muối thuộc cù lao An Bình, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ giữa vùng cây trái sum suê, nhà cổ Bình Hòa Phước là một công trình kiến trúc mang dáng dấp châu Âu pha lẫn nét Á Đông, lạc lỏng giữa vùng quê Nam bộ như chứng tích một thời người Pháp thống trị trên phần đất Nam kỳ lục tỉnh, phản ảnh sự du nhập mạnh mẽ của nền văn hóa đến từ phương Tây.
Tòa nhà với lối đi lên ở giữa và hai bên hông dẫn lên hành lang -- Ảnh: Mai Kim Thành
Hành lang với trần ốp gỗ cùng lối trang trí độc đáo -- Ảnh: Mai Kim Thành
Nguyên đây là ngôi nhà của ông Cai Cường, được xây dựng vào đầu thế kỷ 20 với mặt chính quay về hướng Bắc, trên nền cao cẩn đá xanh tạo cảm giác vững vàng và chắc chắn. Nhà có bề ngang 15m với hàng cột cái cao đến 6m đỡ mái ngói nâu bằng đất nung. Tuy 4 mặt đều xây kín đến mái nhưng ở mặt trước là 2 lớp vách cách nhau khá rộng tạo thành một hành lang, bên trên xây kín còn bên dưới được đỡ bởi những hàng cột, trang trí hoa văn và hình thể theo kiến trúc gothique, vừa có giá trị thẩm mỹ vừa giảm thiểu tác động của nắng, mưa.
Gian giữa thờ Phật theo tín ngưỡng gia đình – Ảnh: Mai Kim Thành
Gian bên trái thờ dòng họ bên Nội – Ảnh: Mai Kim Thành
Bên trong căn nhà, toàn bộ kết cấu chính đều được làm bằng gỗ qúy như muốn giữ lại nét truyền thống của ngôi nhà Việt Nam. Tuy những chạm trỗ nơi đây không cầu kỳ và sắc sảo so với các nhà rường truyền thống Huế nhưng không vì thế mà thiếu phần công phu. Tại hai hàng cột chính giữa nhà, phía dưới chân cột đều có gắn hình đầu rồng thể hiện sự thành đạt của chủ nhân ngôi nhà. Nhà chính được chia làm 3 gian, gian chính giữa rộng nhất để tôn thờ Đức Phật theo tín ngưỡng gia đình, gian bên trái thờ dòng họ bên nội, còn gian bên phải thờ dòng họ bên ngoại.
Nội thất nhìn từ phía trái – Ảnh: Mai Kim Thành
Ngôi nhà nằm giữa vườn nhãn sum suê – Ảnh: Mai Kim Thành
Ngày nay ngôi nhà này không còn dùng để ở mà chỉ làm điểm tham quan, bao quanh nhà là một vườn nhãn lớn với nhiều căn chòi nhỏ được bố trí dưới các lùm cây làm chỗ dừng chân cho khách nghỉ ngơi hay uống trà. Du khách ghé nơi đây, ngoài việc tham quan một công trình cổ khá hiếm hoi được bảo tồn nguyên vẹn, còn có dịp thưởng thức các loại trái cây đặc sản địa phương, nghe đờn ca tài tử và thưởng thức các điệu múa mâm vàng của người Chăm Nam bộ vừa được ngành du lịch đưa vào phục vụ khách tham quan. Du khách có nhu cầu có thể nghỉ lại qua đêm trong căn nhà cổ để tìm lại những dấu xưa kỷ niệm của một thời quá vãng xa xăm…
Mai Kim Thành