» Giới thiệu » Tham quan » Điểm hẹn tâm linh
18/09/2011
CHÙA HỘI KHÁNH & TƯỢNG PHẬT DÀI NHẤT VIỆT NAM
Nằm tại số 35 đường Yersin thuộc phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh chừng 25km về phía Nam, chùa Hội Khánh là một ngôi cổ tự danh tiếng vào bậc nhất ở miền Nam với lối kiến trúc tiêu biểu xứ Đàng trong, trung tâm Phật giáo cổ truyền của vùng đất Bình An xưa, nơi đào tạo tầng lớp sĩ phu và nhiều thế hệ trụ trì của đất Bình An và đất Thủ Dầu Một sau này.
Chùa Hội Khánh – Ảnh: Võ Văn Tường (nguồn Giác Ngộ Online)
TỪ HỘI KHÁNH CỔ TỰ…
Nguyên chùa được Thiền sư Đại Ngạn thuộc hệ phái Bắc tông khai sơn trên một ngọn đồi vào năm Tân Dậu (1741), niên hiệu Cảnh Hưng thứ hai đời vua Lê Hiển Tông. Năm 1860, chùa bị thực dân Pháp thiêu hủy trong chiến tranh. Đến năm 1868 (năm Tự Đức thứ 20), Hòa thượng Chánh Đắc đã cho xây dựng lại chùa mới dưới chân đồi, cách chùa cũ khoảng 100m về phía Nam, tức vị trí hiện nay.
Cổng chùa Hội Khánh – Ảnh: Võ Văn Tường (Giác Ngộ Online)
Chùa Hội Khánh đã qua nhiều lần trùng tu tôn tạo nhưng về cơ bản vẫn giữ được nét kiến trúc cổ với 700m² diện tích gồm chánh điện, giảng đường, Đông lang và Tây lang. Năm 1917, chùa đã xây lại giảng đường và Đông lang, đến năm 1984 mới xây dựng lại Tây lang. Trong hai năm 1990 - 1991, ngôi chánh điện cũng đã được xây dựng. Ngày 29-2-1992, di tích chùa Hội Khánh đã được tiến hành đại trùng tu.
Chánh điện chùa Hội Khánh – Ảnh: Võ Văn Tường (Giác Ngộ Online)
Tại gian chánh điện, ngoài bức tượng Phật cao khoảng 2m được đặt ở chính giữa, chùa còn tôn trí cả trăm tượng Phật, Bồ tát hầu hết đều được tạc bằng gỗ và sơn son thếp vàng, là công trình tạo tác của nhóm thợ nổi tiếng đất Thủ vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đặc biệt bộ tượng thập bát La hán cao khoảng 90cm mang dáng dấp Việt Nam với thần thái an nhiên tự tại được khắc họa một cách tài tình, ba tấm bao lam với các hình chạm khắc tứ linh, tứ qúy, cửu long và thập bát La hán… cũng là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.
Thập bát La Hán chùa Hội Khánh – Ảnh: Võ Văn Tường (Giác Ngộ Online)
Năm 2002, chùa tôn trí một Phật đài Thích Ca lộ thiên bằng đá cao 5,1m với tượng Đức Phật cao 2,5m, ngang gối 1,8m. Năm 2007, ở sân trước chùa đã hoàn thành công trình xây dựng ngôi bảo tháp 8 tầng thờ Phật cao 30m.
Tháp thờ Phật – Ảnh: Võ Văn Tường (Giác Ngộ Online)
Với 150 năm tồn tại, chùa đã qua nhiều đời trụ trì: Đại Ngạn - Từ Tấn, đời 37 dòng Liễu Quán (1741-1812), Minh Huệ - Chân Kính (1812-1839), Toàn Tánh - Chánh Đắc, đời 37 dòng Chúc Thánh (1839-1869), Chương Đắc - Trí Tập (1869-1884), Ấn Long - Thiện Quới (1884-1906), Chơn Thinh - Từ Văn (1906-1931), Ấn Bửu - Thiện Quới (1931-1941), Thị Huê - Thiện Hương (1941-1971), Đồng Bửu - Quảng Viên (1971-1988) và Nhựt Minh - Huệ Thông, đời 41 dòng Lâm Tế Gia Phổ (từ 1988 đến nay). Trong đó, Hòa thượng Thích Từ Văn (vị trụ trì đời thứ sáu) đã được phong Tăng thống Hội phật giáo Nam kỳ và là người đã xây dựng chùa Hội Khánh tại Pháp năm 1920, Thượng tọa Thích Huệ Thông trụ trì chùa đương nhiệm đang đảm nhận Phó Trưởng ban thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương.
Chùa Hội Khánh đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Hiện Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương đặt văn phòng tại đây.
… ĐẾN KỶ LỤC TƯỢNG PHẬT NHẬP NIẾT BÀN
Ngày 12-8-2008 (nhằm 12 tháng Bảy năm Mậu Tý), chùa Hội khánh đã tổ chức xây dựng một Phật đài quy mô lớn, đồng thời cũng là Trung tâm Văn hóa Phật Giáo tỉnh Bình Dương, gồm một dãy nhà có chiều dài 64m, ngang 23m, cao 22m, bên trên tôn trí một đại tượng Đức Bổn sư Thích ca nhập niết bàn.
Tượng cách mặt đất 24m – Ảnh: Tuệ Mẫn (VnExpress.net - 30.3.2010)
Công trình được bố trí trên diện tích 3.200m² đất nằm trong khuôn viên rộng 13.000m² của khu đất tổ chùa, do hai kiến trúc sư Phạm Văn Thịnh và Trần Văn Pháp vẽ bản thiết kế, điêu khắc gia Trần Quang Thái thực hiện. Điểm nhấn là tượng Đức Bổn sư Thích ca nhập Niết bàn dài 52m, cao 12m được an vị trên độ cao cách mặt đất 24m giữa khu rừng dầu, sao gợi liên tưởng đến hình ảnh Phật Thích ca nhập Việt (chết) trong rừng Tala Song Thọ cách đây trên 2.500 năm. Dưới chân bệ nằm của Đức Phật là 20 bức phù điêu thể hiện cuộc đời của Đức Phật từ lúc Đản sinh đến lúc nhập Niết bàn, quanh tượng Phật còn được trang trí bằng 840 cánh hoa sen đắp bằng xi-măng.
20 bức phù điêu thể hiện cuộc đời Đức Phật – Ảnh: Dysport (saigonphoto.net)
Tại bốn mái đao của phần sân thượng, hình ảnh rồng cách điệu lá sen được đắp lên những mảnh gốm sứ tạo nên nét nhẹ nhàng tinh tế. Cầu thang chính dẫn lên tượng Phật gồm 49 bậc, tượng trưng cho 49 năm hành đạo của Đức Phật. Chiều dài “52m” là biểu trưng cho 52 quả vị gồm Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác và Diệu Giác để tu chứng thành Phật. Con số này cũng gợi nhớ 52 vị chúng sinh ở khắp nơi thấy ánh sáng Phật mà đến dự Pháp hội Niết bàn hay 52 phẩm vật dâng cúng Đức Phật trong hội Niết bàn.
49 bậc cấp tượng trưng 49 năm hành đạo của Đức Phật – Ảnh: Dysport (saigonphoto.net)
Phần kiến trúc bên dưới tượng Phật được phân bố thành bốn phòng chức năng với diện tích 600m² dành làm nơi học tập, tổ chức hội nghị, đại hội với sức chứa trên 500 đại biểu. Ngoài ra còn bố trí thư viện sách Phật giáo, khoa học, lịch sử cùng phòng làm việc của Ban Giám hiệu Trường Phật học tỉnh Bình Dương…
Bên dưới tượng là 4 phòng chức năng – Ảnh: Dysport (saigonphoto.net)
Sáng ngày 29-3-2010, chùa Hội Khánh đã long trọng khánh thành Trung tâm Văn hóa Phật giáo Bình Dương và công trình đại tượng Đức Bổn sư Thích ca nhập niết bàn. Với 52m chiều dài, công trình này đã xác lập kỷ lục Guiness là tượng Phật nằm dài nhất Việt Nam.
Mai Kim Thành