» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng

thu nhỏ | phóng to

29/09/2011

KHU BẢO TÀNG SINH THÁI TRE PHÚ AN - BÌNH DƯƠNG


Nằm trên địa phận xã Phú An thuộc huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, cách thị xã Thủ Dầu Một 12km và cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh chừng 35km, Làng tre Phú An có tên đầy đủ là Khu Bảo tàng Sinh thái tre và Bảo tồn thực vật Phú An, một địa chỉ thích hợp cho những ai quan tâm tìm hiểu hay nghiên cứu về các chủng loại tre.

  Cổng vào làng tre – Ảnh: nguồn dulichbui.org

Cổng vào làng tre – Ảnh: nguồn dulichbui.org

Được hình thành từ năm 1999 dựa trên ý tưởng khoa học của tiến sĩ Diệp thị Mỹ Hạnh (giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Tp. HCM) với mục đích sưu tầm, bảo tồn tre và thực vật phục vụ cho nghiên cứu khoa học, hướng dẫn người dân địa phương trồng và chăm sóc tre đúng kỹ thuật, biến khu tam giác sắt bị bom đạn cày xới thành vùng tam giác được phủ xanh bởi các loài thực vật… Trên mảnh đất nhỏ 10.000m² ban đầu, những giống tre từ khắp nơi được đưa về hình thành bộ sưu tập tre đầu tiên ở Việt Nam và lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

 Bản đồ hướng dẫn đến Làng Tre Phú An – Tùng Lâm vẽ (dulichbui.org)

Bản đồ hướng dẫn đến Làng Tre Phú An – Tùng Lâm vẽ (dulichbui.org)

Để có cơ sở hoạt động, Tiến sĩ Mỹ Hạnh đã phải gõ cửa khắp nơi tìm nguồn tài trợ. Khi đến Lãnh sự quán Pháp và biết họ sẵn lòng tài trợ cho những dự án lớn, Bà đã có động cơ để nâng cấp dự án “vườn thực vật” thành một dự án mang tầm quốc tế. Với sự phối hợp hỗ trợ của Tỉnh Bình Dương, Vùng Rhône Alpes (Pháp), Vườn thiên nhiên Pilat (Pháp) và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Tp. HCM), dự án “Bảo tàng Sinh thái tre và Bảo tồn thực vật Phú An” đã được hình thành năm 2003. Tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ cấp 10ha đất ở xã Phú An, huyện Bến Cát và nguồn kinh phí xây dựng nhà bảo tàng, bãi đậu xe, hàng rào giúp Tiến sĩ Mỹ Hạnh thực hiện ý tưởng “tam giác xanh”, Hội đồng vùng Rhône Alpes đã tài trợ nguồn kinh phí 596.000€ (khoảng 13 tỷ VNĐ) trong vòng 6 năm (2003-2008). Đến tháng 4 năm 2008, Bảo tàng Sinh thái tre và Bảo tồn thực vật Phú An đã bắt đầu mở cửa phục vụ khách tham quan và nghiên cứu khoa học.

 Gây giống tre – Ảnh: nguồn dulichbui.org

Gây giống tre – Ảnh: nguồn dulichbui.org

Hiện Khu Bảo tàng Sinh thái tre và Bảo tồn thực vật Phú An đã tập trung trên 1.500 bụi tre của 17 giống, với hơn 300 mẫu tre, trúc, nứa thu thập khắp trong Nam ngoài Bắc, chiếm gần 90% giống tre ở Việt Nam hình thành bảo tàng tre, trong đó có nhiều giống qúy như Phyllostachys, Bambusa, Teinostachyum, mai ống, vàng sọc, tre vuông, mạy muồi, luồng, vầu, trúc Cao Bằng, tre mét, hóp…, ngoài ra còn có khu vực nghiên cứu dành cho sinh viên và các nhà nghiên cứu tìm hiểu về tre, cách thức nuôi trồng, gây giống tre thông qua hình ảnh và phim tư liệu… Để thuận tiện cho việc nghiên cứu, các sưu tập tre được bố trí theo từng khu vực, từ khu tre đồng bằng sông Cửu Long, Tây nguyên đến Đông Nam bộ, Bắc bộ… với những chỉ dẫn cụ thể như tên địa phương, tên khoa học, tọa độ tìm thấy, thời gian, tên người sưu tập…

 Khu vực nghiên cứu – Ảnh: nguồn dulichbui.org

Khu vực nghiên cứu – Ảnh: nguồn dulichbui.org

Tham quan làng tre Phú An, du khách có cảm giác thư thái khi được đi dưới những vòm tre, tưởng như cái nắng gay gắt của miền Đông Nam bộ đã bị đẩy đi đâu mất. Du khách sẽ rất ngạc nhiên với bản đồ Việt Nam khổng lồ biếc xanh điểm sắc hoa vàng của thực vật họ đậu phủ đất (Arachis Pintoi) có khả năng cải thiện đất, trên đó mỗi một địa phương đều được cụ thể thành đồi, núi tương ứng giới thiệu các loại tre đặc trưng của mỗi vùng. Du khách sẽ thích thú khi đi vào mê cung tre với nhiều giống tre lạ, qúy hiếm, tham quan con đường sinh thái hay dạo bước trên con đường làng mát rượi dẫn đến dòng sông Rạch Chùa uốn lượn hiền hòa… Trên con đường thiên lý Nam - Bắc, du khách sẽ “tình cờ” bắt gặp những tảng đá ong hay những hòn đá cuội được sắp đặt rải rác, “vô tình” trở thành những điểm nghỉ chân thú vị giữa tiếng chim hót líu lo. Những người thích có một không gian thiền tĩnh sẽ thật sự hài lòng với sân khấu lộ thiên bằng đá ong, nơi tối đến có thể ngồi ngắm trăng sao hay thả hồn hoài niệm bên tiếng ếch, nhái hòa thanh cùng dế, vạc…

 Những điểm dừng chân thú vị – Ảnh: nguồn dulichbui.org

Những điểm dừng chân thú vị – Ảnh: nguồn dulichbui.org

Bên cạnh việc nghiên cứu khoa học và tạo môi trường làm du lịch sinh thái, chủ nhân ngôi làng còn quan tâm đến đời sống của bà con địa phương, từ việc tổ chức các buổi hội thảo nhằm giúp người dân nhận thức sự tác hại của các loại rác thải và lý do phải bảo vệ môi trường… đến hướng dẫn họ cách cải tạo môi trường cùng đất trồng trọt, làm du lịch sinh thái, tổ chức đón khách tại nhà hay tiếp đãi khách bằng những sản vật địa phương… Bên cạnh đó còn tổ chức dạy tiếng Pháp miễn phí cho trẻ em từ môi trường thực tế để các em có thể tự tin giao tiếp với khách nói tiếng Pháp. Hiện làng tre Phú An đã hình thành những câu lạc bộ phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, qua việc trồng rau an toàn hay làm các sản phẩm từ cây tre. Điều quan trọng là người dân địa phương đã ý thức được việc bảo vệ môi trường sinh thái là bảo vệ cuộc sống và hạnh phúc của chính mình.

 Giải thưởng Xích Đạo cho Làng tre Phú An – Ảnh: nguồn dulichbui.org

Giải thưởng Xích Đạo cho Làng tre Phú An – Ảnh: nguồn dulichbui.org

Ngày 21-9-2010, Khu Bảo tàng Sinh thái tre và Bảo tồn thực vật Phú An đã được UNDP trao giải thưởng Xích đạo (Prix Equateur) về đa dạng sinh học, trở thành một trong số 21 ngôi làng trên thế giới được trao giải thưởng này. Đây là một giải thưởng dành cho những sáng kiến trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đề cao bình đẳng giới và phát triển cộng đồng, phát triển bền vững gắn với mục tiêu giảm nghèo, đặc biệt quan tâm phát triển phụ nữ… Với giải thưởng này, làng tre Phú An đã trở thành một ngôi làng mang tầm vóc quốc tế, một mô hình không chỉ đáp ứng mục đích bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên mà còn góp phần giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống của cả một cộng đồng…

Mai Kim Thành    

Danh mục nội dung