» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Đặc sản
10/10/2011
BÚN BÒ HUẾ
Nhắc đến món ăn Huế, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến món bún bò giò heo mà khắp trong Nam ngoài Bắc quen gọi là “bún bò Huế”. Du khách đến Huế thường muốn ăn món bún bò “chính gốc” để xem có gì đặc biệt hơn so với cùng loại món ăn này tại nhiều địa phương trên cả nước.
Ảnh: nguồn vpha.org.vn
Đã gọi là bún bò giò heo thì đương nhiên nguyên liệu chính phải là thịt bò và giò heo rồi. Thịt bò được dùng là loại thịt đùi, nạc và có gân, đang khi giò heo lại chỉ lấy đoạn từ khuỷu chân xuống đến móng giò. Bún bò Huế sở dĩ ngon là nhờ bí quyết nêm gia vị độc đáo với nồi nước dùng thật trong mà khi nếm vào lại cảm nhận được vị ngọt của xương thịt hầm thoang thoảng mùi thơm của lá sả và vị đậm đà của ruốc ngon Thuận An hay Mỹ Lợi làm thành một hương vị đặc trưng. Bún dùng cho món bún bò cũng thật đặc biệt với sợi bún có thiết diện chừng 3mm – bún Huế tuy vẫn làm bằng bột gạo nhưng có pha lẫn một ít bột lọc nên con bún có màu trắng hơi trong mà ngon nhất phải là bún của hai làng Vân Cừ hay Bao Vinh.
Ảnh: nguồn top123.vn
Để nấu nồi bún bò thực ra không khó bởi ngay từ căn bản bún bò Huế là món ăn của đại chúng. Người Huế đã đặt ra nguyên tắc “ngũ đắc - thập toàn” như những tiêu chí nhận dạng món bún Huế. Nếu ngũ đắc là ai cũng biết, ai cũng mua được, ai cũng tìm được nguyên liệu, ai cũng nấu được và ai cũng ăn được nhằm nói lên sự phổ thông của món bún Huế, thì thập toàn gồm ngọt ngào, đậm đà, thơm tho, bổ dưỡng, tinh khiết, bắt mắt, khéo tay, khéo chọn, khéo nấu và khéo bày lại là những đòi buộc nói lên sự tinh tế và tính cảm thụ thẩm mỹ cao trong việc hình thành món ăn Huế.
Ảnh: nguồn toamviet.com
Ở Huế du khách có thể gặp quán bún bò khắp nơi nhưng tập trung và nổi tiếng nhất vẫn là vùng Gia Hội. Qua cầu Gia Hội, thẳng con đường Chi Lăng đến ngã ba thứ hai rẽ trái là đường Nguyễn Du, du khách sẽ gặp ngay hai bên đường những gánh bún rất bình dân nhưng không vì thế mà kém phần hấp dẫn. Nếu muốn tìm một hàng quán đàng hoàng hơn du khách có thể đến số 7 Lý Thường Kiệt, nhưng sẽ “dễ chịu” hơn khi đến quán bà Rơi (góc Ngô Đức Kế - Nguyễn Chí Diễu), bà Mai (47 Đinh Tiên Hoàng), bà Bê (dốc Từ Đàm), o Lẹt (6 Bà Triệu) hoặc tại rạp hát Hưng Đạo (số 3 Trần Hưng Đạo – buổi sáng), trước cổng Bến xe Huế (đường Trần Hưng Đạo – buổi tối)… Nếu muốn thưởng thức tô bún mang cả “hương đồng gió nội” và nhận được những nụ cười cùng tiếng “dạ” làm xốn xang, du khách có thể chờ đón gánh bún của các cô gái làng quê Thủy An bất chợt xuất hiện đó đây trong thành phố.
Ảnh: nguồn saigonsuntravel.com
Bún bò ngon phải vừa nóng lại vừa cay, để khi ăn thực khách có cái thú hít hà xuýt xoa, cảm nhận vị ngọt của thịt và nước bún chạy dần vào thực quản. Ăn bún Huế có khi phải chảy cả nước mắt mới thấm thía hết hương vị mặn-ngọt-chua-cay hội tụ trong tô bún và đồng cảm được với khẩu vị của những con người xứ Huế mộng mơ… (!).
Mai Kim Thành
Chủ đề liên quan :
- TÔM CHUA HUẾ ĐẬM ĐÀ PHONG VỊ HUẾ 28/12/2015
- CHÈ HUẾ 10/10/2011