» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Đặc sản
08/11/2011
THƯƠNG QUÁ NÀNG THƠM CHỢ ĐÀO
Trong hồi ức những người đi mở cõi, đã từng lưu truyền câu thành ngữ “Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai…” nói lên mối tương quan hữu cơ của hạt gạo Cần Đước cùng nguồn nước trong lành của dòng sông Đồng Nai trong đời sống cư dân vùng đất Gia Định xưa. Ngày nay Cần Đước là một huyện thuộc tỉnh Long An, vẫn nổi tiếng với loại gạo đặc sản “Nàng Thơm Chợ Đào” từng được xếp vào danh mục những đặc sản phương Nam “tiến vua” dưới thời vua Minh Mạng.
Cây lúa Nàng Thơm Chợ Đào – Ảnh: nguồn diendan.mientay.net
Quê hương của gạo Nàng Thơm Chợ Đào là xã Mỹ Lệ, một xã trung tâm của huyện Cần Đước với diện tích 1.250ha, giáp huyện Cần Giuộc về phía Đông Bắc và giáp các xã Tân Tạo về phía Tây Bắc, Tân Lân về phía Đông Nam, Phước Tuy về phía Tây Nam. Mỹ Lệ là một vùng nước lợ, lại nằm giữa hai dòng sông Vàm Cỏ Đông và Rạch Cát được phù sa bồi đắp, đã chắt chiu nuôi dưỡng đất và sản sinh ra giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào nổi tiếng. Loại lúa mùa này có chu kỳ sinh trưởng 170 - 185 ngày nên chỉ làm một vụ mỗi năm, gieo trồng được ở một số ấp của xã Mỹ Lệ và không thích nghi với những vùng thổ nhưỡng khác. Cây lúa cao từ 1,8 – 2m, bông lúa nặng chĩu hạt, khi chín ngã rạp theo hướng gió chướng từ biển Đông thổi về. Các nông dân thường gieo hạt Nàng Thơm Chợ Đào từ thượng tuần tháng Bảy âm lịch và thu hoạch vào khoảng hạ tuần tháng Chạp âm lịch.
Toàn xã Mỹ Lệ hiện có 936ha ruộng lúa cho sản lượng 8.100 tấn / năm, trong đó đất gieo trồng lúa Nàng Thơm Chợ Đào là 580ha, tập trung ở các ấp Rạch Đào, Vạn Phước, Cầu Chùa, một phần các ấp Vạn Mỹ và Cầu Làng. Tuy có đến 580ha đất trồng lúa Nàng Thơm Chợ Đào nhưng hiện nay chỉ có khoảng 30 – 40ha trồng đúng giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào nguyên chủng với năng suất khoảng 3,5 tấn / ha, số diện tích còn lại được người dân trồng bằng giống lúa dòng 1 và dòng 5 do Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam lai tạo từ giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào nguyên chủng cho năng suất cao hơn nhưng không thể sánh bằng về chất lượng.
Gieo cấy lúa Nàng Thơm Chợ Đào tại xã Mỹ Lệ
Ảnh: Trần Công Nhung (Vietsciences.free.fr – 25.1.2009)
Gạo Nàng Thơm Chợ Đào có hạt dài chừng 6mm, hình dấu ngã, khi đem xát thành gạo thì hạt gạo có một lớp dầu với màu hơi ngà ngà, nếu bốc tay vào gạo, khi giở tay lên thấy nhiều hạt gạo còn bám dính trên tay. Gạo có mùi thơm thoang thoảng, khi chà trắng thấy giữa hạt gạo có ẩn đục nhẹ được người địa phương gọi là hạt lựu. Nếu cho vào túi nylon để dành, sau 4 – 5 tháng gạo vẫn còn thơm, nhưng nếu để đến 10 tháng thì mùi thơm nhạt hẳn, hạt gạo cứng, độ dẻo và độ xốp không còn mấy. Gạo Nàng Thơm Chợ Đào khi nấu cơm, nước vừa sôi thì mùi hương theo làn hơi nước tỏa lan ngào ngạt, cơm chín tới sẽ có độ bóng mượt như thể có ai trộn dầu vào, vị thơm, dẽo hạt và ăn ngon.
Tiếng tăm của gạo Nàng Thơm Chợ Đào đã theo chân những người lính viễn chinh Pháp đến tận mẫu quốc, về sau này những người Việt lưu vong còn đưa tên tuổi Nàng Thơm Chợ Đào đi xa hơn, đến nhiều nơi trên thế giới. Người ta có thể ghi nhận tại hầu hết các chợ Việt Nam ở California (USA) đều có quảng cáo giới thiệu loại gạo đặc sản này. Có người còn cho biết ở Hong Kong, một tiệm cơm của người Hoa Chợ Lớn đã thu hút được nhiều thực khách nhờ treo biển “Cơm gạo Nàng Thơm Chợ Đào”.
Cánh đồng lúa Nàng Thơm – Ảnh: Nguyễn Minh Út (tuoitre.vn – 22.6.2011)
Hiện nay Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Lệ (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền gạo Nàng Thơm Chợ Đào từ 17-10-2005, với logo là hình 11 bông lúa và phía dưới có ba ngôi đình mang nặng tính biểu tượng (11 bông lúa tượng trưng cho 11 ấp của xã Mỹ Lệ, 3 ngôi đình tượng trưng cho xã Mỹ Lệ ngày nay được hợp thành từ 3 làng Mỹ Lệ, Long Mỹ và Vạn Phước xưa). Điều oái oăm là khi Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam xét cấp nhãn hiệu độc quyền gạo “Nàng Thơm Chợ Đào” cho Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Lệ thì phát hiện thương hiệu “Nàng Hương Chợ Đào” cũng đã được chính phủ Mỹ cấp cho công ty Cong Nguyen Inc. CORPORATION OKLAHOMA từ 22-01-2002. Nghe đâu Sở Công nghệ tỉnh Long An định nhờ một văn phòng luật sư ở Mỹ kiện để lấy lại thương hiệu nhưng khi phía văn phòng luật sư cho biết lệ phí 50.000 USD mà vẫn không chắc thắng, thì phía tỉnh Long An cũng đành ngậm bồ hòn, bởi với sản lượng gạo Nàng Thơm Chợ Đào mỗi năm chỉ chừng 2.000 tấn chưa đủ dùng trong nước lấy đâu ra để xuất khẩu nên cho dù có thắng cũng chẳng đem lại lợi ích gì cụ thể. (theo laodong.com.vn – 6.11.2006).
Gạo Nàng Thơm Chợ Đào đóng gói – Ảnh minh họa (nguồn internet)
Năm 2006, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Lệ đã ký hợp đồng giao Công ty Lương thực Long An (Mecofood) độc quyền mua gạo của xã viên trong năm ấp, để tiêu thụ sản phẩm với thương hiệu Mecofood. Tuy nhiên Mecofood đã mua rất nhiều gạo Nàng Thơm Chợ Đào trồng ở những nơi khác, làm ảnh hưởng đến uy tín của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Lệ và gạo Nàng Thơm Chợ Đào, vì vậy Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Lệ đã phải ngưng hợp đồng với Mecofood. Theo ông Nguyễn Tấn Vui, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Lệ, hiện các nhãn hiệu gạo Nàng Thơm Chợ Đào đang chào bán trên thị trường đều là hàng nhái, pha trộn từ nhiều giống gạo thơm các loại. (theo kienthuc.vn).
Trước một thị trường cầu nhiều hơn cung, việc mập mờ đánh lận con đen âu cũng là điều dễ hiểu. Để tìm mua được gạo Nàng Thơm Chợ Đào chính gốc, du khách chỉ còn cách về tận quê hương của loại đặc sản này (dịp cận tết), vào các ấp có truyền thống trồng loại gạo đặc sản mà nổi tiếng nhất phải kể đến Rạch Đào, Cầu Chùa, Cầu Làng… Tuy nhiên, với từ 30 – 40ha trên tổng số 580ha là trồng nguyên chủng Nàng Thơm Chợ Đào, việc chọn được loại gạo danh tiếng một thời tiến vua nhiều khi là cả một sự đánh đố, e rằng phải có “duyên” mới có thể tìm gặp được “Nàng Thơm Chợ Đào”… thứ thiệt (!).
Mai Kim Thành
Chủ đề liên quan :
- LẠP XƯỞNG TƯƠI ĐẶC SẢN CẦN ĐƯỚC (LONG AN) 31/12/2012