» Giới thiệu » Tham quan » Khu du lịch
28/11/2011
CÁT BÀ - HÒN NGỌC GIỮA VỊNH BẮC BỘ
Nằm về phía Nam trong quần thể vịnh Hạ Long tại tọa độ 20º42’ - 20º54’ vĩ độ Bắc và 106º52’ - 107º07’ kinh độ Đông, cách trung tâm thành phố Hải Phòng gần 70km và cách thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) chừng 25km, Cát Bà là một quần đảo gồm 367 hòn đảo lớn, nhỏ có diện tích gần 300km² với đảo chính Cát Bà hay còn gọi đảo Ngọc rộng 100km² và là hòn đảo lớn nhất trong tổng số 1.969 hòn đảo thuộc vịnh Hạ Long.
Là một quần đảo đẹp và thơ mộng nằm ở độ cao trung bình 70m so với mực nước biển, Cát Bà còn là nơi hội tụ các hệ sinh thái tiêu biểu nhất Việt Nam, từ hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn đến thảm rong - cỏ biển, các rạng san hô và đặc biệt là hệ thống hang động, thung áng… tạo nên một vùng sinh quyển độc đáo.
Thị trấn Cát Bà – Ảnh: nguồn haiphongonline.net
Về mặt hành chánh, quần đảo Cát Bà là một phần của huyện đảo Cát Hải trực thuộc thành phố Hải Phòng. Trên đảo Cát Bà có thị trấn Cát Bà ở phía Đông Nam (trông ra vịnh Lan Hạ) và 6 xã Gia Luận, Hiền Hào, Phù Long, Trân Châu, Việt Hải, Xuân Đám với gần 10.000 cư dân chủ yếu là người Kinh.
CÁT BÀ - KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN THẾ GIỚI
Nếu khu dự trữ sinh quyển được qui định là hệ thống những vùng có các hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái ven biển, các hệ sinh thái biển hoặc kết hợp của những thành phần này thì quần đảo Cát Bà đã hội tụ đầy đủ các hệ sinh thái tiêu biểu nhất của Việt Nam. Ngày 2-12-2004, tại cuộc họp của Hội đồng quốc tế về phối hợp chương trình Con người và sinh quyển tổ chức tại Paris (Pháp), UNESCO đã chính thức công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà về các giá trị nổi bật, hệ sinh thái và đa dạng sinh học, gồm đa phần thuộc quần đảo Cát Bà với diện tích 26.400ha, trong đó có 17.040ha mặt đất và 9.200ha mặt nước biển.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà – Ảnh: nguồn vitc.com.vn
Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà có hai vùng lõi được bảo tồn nghiêm ngặt, nơi không có tác động nào của con người trừ các hoạt động nghiên cứu và giám sát, đó là vùng lõi phía Đông Nam (diện tích 6.900ha, gồm 5.300ha thuộc phần đảo và 1.600ha phần biển) và vùng lõi phía Tây Bắc (diện tích 1.600ha, gồm 1.200ha thuộc phần đảo và 400ha phần biển); hai vùng đệm có chức năng phát triển điều hòa, tôn trọng hiện trạng và phù hợp với tiêu chí bảo tồn của vùng lõi là vùng đệm trung tâm nằm giữa vùng lõi Đông Nam tức vùng đệm Việt Hải (diện tích 141ha) và vùng đệm tiếp giáp (diện tích 7.600ha, gồm 4.800ha thuộc phần đảo và 2.800ha phần biển); hai vùng chuyển tiếp là vùng chuyển tiếp phía Bắc tại xã Gia Luận (diện tích 1.300ha, gồm 1.000ha thuộc phần đảo và 300ha phần biển) và vùng chuyển tiếp phía Nam (diện tích 8.700ha, gồm 4.500ha thuộc phần đảo và 4.200ha phần biển), đây là nơi tập trung dân cư đông, được duy trì các hoạt động kinh tế bình thường và chú trọng khuyến khích phát triển cộng đồng, phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên từ khu dự trữ sinh quyển.
Rừng mưa nhiệt đới Cát Bà – Ảnh: nguồn haiphong.gov.vn
Theo các kết quả nghiên cứu, tại khu vực Cát Bà đã thống kê được 2.320 loài động, thực vật cùng các loài sinh vật biển đảo, trong đó có gần 60 loài được xem là đặc hữu và qúy hiếm được đưa vào Sách đỏ Việt Nam gồm các loài động vật như Ác là, Quạ khoang, Voọc đầu vàng, Voọc quần đùi trắng; các loài thực vật như Chi đài, Kim giao, Lát khôi, Lát hoa, Rẻ hương, Thổ phục linh, Trúc đũa, Sến mật; các loài sinh vật biển đảo có giá trị kinh tế gồm 8 loài rong (Rong guột, Rong đá cong, Rong mơ mềm…), 7 loài động vật đáy (Ốc đụn đực, Ốc đụn cái, Trai ngọc…), 5 loài bò sát (Đồi mồi, Quản đồng, Rùa da, Đến vảy bụng không đều, Vích), 4 loài chim biển (Cốc đế, Cò thìa, Yến núi, Mang biển đen). Cũng tại vùng biển Cát Bà đã phát hiện 193 loài thuộc lớp San hô, trong đó 166 loài thuộc bộ San hô cứng và số còn lại thuộc các bộ San hô bò, San hô mềm, San hô sừng. Các đảo như Áng Thảm, Cát Dứa, Mũi Hồng, Ba Trái Đào, cụm đảo Đầu Bê - Hang Trai, Long Châu là những nơi có rạn san hô tốt, với độ sâu phổ biến từ 5 - 6m và không quá 10m.
Rực rỡ sắc màu san hô – Ảnh: nguồn catbabay.com.vn
Với việc được UNESCO công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới, Cát Bà có nhiều cơ hội thu hút đầu tư và phát triển, đồng thời cũng tranh thủ được sự quan tâm giúp đỡ của nhiều cơ quan quốc tế trong bảo tồn thiên nhiên, cân bằng sinh thái toàn cầu và bảo đảm sự phát triển bền vững…
CÁT BÀ - ĐIỂM DU LỊCH SINH THÁI LÝ TƯỞNG
Những dãy núi chủ yếu là núi đá vôi ở quần đảo Cát Bà đã hình thành những đường bờ biển khúc khuỷu, tạo nên những bãi tắm lớn, nhỏ rất đẹp như Dương Gianh, Cát Cò, Cát Dứa, Bến Bèo, Cô Tiên… Từ địa hình đồi núi, những con đường cũng được thiết kế ngoằn nghèo xuyên qua núi rừng, dẫn đến các bờ biển rồi mất hút đâu đó tạo cho du khách những cảm xúc mới lạ khi thiên nhiên liên tục đổi thay qua tầm mắt. Cát Bà còn có nhiều bãi san hô rộng lớn như Vạn Ang, Áng Thảm…, vườn quốc gia với những vạt rừng nguyên sinh nhiệt đới cùng nguồn hải sản phong phú, nhiều loài cá ngon, sò huyết, sò lông, tôm rồng…
Bãi tắm Cát Cò 1 – Ảnh: nguồn dulichhalong.org
Biển đảo Cát bà không chỉ hấp dẫn du khách với làng đánh cá Việt Hải, làng nổi trên bến Bèo hay vịnh Lan Hạ với làng chài Vạn Giá, hang Sáng, hang Tối, hang Tiên Ông, những giải san hô đầy màu sắc… mà còn bởi nguồn rừng sinh quyển vào loại qúy hiếm của thế giới. Du khách đến Vườn quốc gia Cát Bà có thể chinh phục đỉnh núi Ngự Lâm, khám phá hang Quân Y, động Trung Trang và tìm hiểu khu rừng Kim giao mọc tự nhiên có nhiều giá trị cả về kinh tế lẫn nghiên cứu khoa học…
Để đến Cát Bà, du khách có thể đến Hải Phòng rồi chuyển sang tàu cao tốc tại bến Bính hoặc bến phà Đình Vũ. Du khách cũng có thể đến Cát Bà bằng đường đi Hạ Long, vào đảo Tuần Châu rồi chuyển sang đi phà đến bến Gia Luận. Từ đây du khách có thể chọn xe buýt hoặc thuê xe ca theo con đường xuyên rừng 30km rất đẹp để đến trung tâm thị trấn Cát Bà. Ngày nay với việc khai thông con đường từ Đình Vũ qua Cát Hải, sang Cát Bà dài 60km, dù phải đi qua hai lượt phà nhưng du khách có thể đi xe thẳng đến Cát Bà rất thuận tiện, không bị động khi phải di chuyển khám phá Cát Bà hay muốn đến tận các bãi tắm.
Một góc thị trấn Cát Bà – Ảnh: nguồn xomnhiepanh.com
Hiện ở Cát Bà đã có cả trăm khách sạn, nhà nghỉ và khu resort từ cao cấp đến bình dân, đáp ứng đầy đủ nhu cầu nghỉ ngơi của du khách. Các dịch vụ ăn uống cũng rất phong phú và không quá đắt đỏ, du khách có thể thưởng thức các loại hải sản còn tươi sống như cua, ghẹ, sò, tôm, cá…, đặc biệt giá bể, tu hài, bề bề, cá giò, ngao lớn… chỉ có ở vùng biển nơi đây.
Tham quan Cát Bà, du khách nên thuê một chiếc tàu du lịch để có điều kiện dạo chơi khám phá vịnh Lan Hạ, ngắm hàng trăm hòn đảo với đủ hình dạng mặc cho trí tưởng tượng bay bỗng. Du khách cũng nên ghé thăm những hang động như Trung Trang, Hoa Cương, Thiên Long để khám phá những điều kỳ diệu của tự nhiên trước khi dừng lại ở một vịnh nhỏ nào đó để câu cá, thăm các bãi nuôi ngọc trai hoặc vẫy vùng cùng sóng nước ở những vịnh biển thật đẹp với bãi cát trắng phau và làn nước trong xanh màu ngọc bích.
Thị trấn Cát Bà nhìn ra vịnh Lan Hạ – Ảnh: nguồn catbabay.com.vn
Trong năm 2010, báo Huffingtonpost (Mỹ) đã đánh giá khu du lịch Cát Bà thuộc thành phố Hải Phòng là một trong những điểm đến hấp dẫn trong tương lai. Hiện Việt Nam đang tiến hành các thủ tục lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới. Với nhiều cảnh đẹp nên thơ, môi sinh trong lành và những cư dân hiền lành hiếu khách, Cát Bà đang trở thành điểm du lịch sinh thái lý tưởng, thu hút ngày càng nhiều du khách cả trong và ngoài nước…
Mai Kim Thành