» Giới thiệu » Tham quan » Thắng cảnh

thu nhỏ | phóng to

03/12/2011

PHONG NHA - HANG ĐỘNG KỲ VỸ


Nằm trong vùng núi đá vôi Kẻ Bàng thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, cách thành phố Đồng Hới chừng 50km về phía Tây Bắc, Phong Nha là tên đoạn sông ngầm ở thượng nguồn sông Son, một động nước dài gần 8km với trên 20 buồng và hành lang chính, phụ dài trên 2.000m, được ông Howard Limbert, Trưởng đoàn thám hiểm Hội hang động Hoàng gia Anh (British Cave Research Association - BCRA) khẳng định vào năm 1994 là một trong ba hang nước tiêu biểu nhất thế giới và là hang động duy nhất ở Việt Nam đạt 7 tiêu chí: Hang có dòng sông ngầm đẹp nhất - Có cửa hang cao và rộng nhất - Có bãi cát, bãi đá ngầm đẹp - Có hồ nước ngầm đẹp - Có hang khô rộng và đẹp - Có hệ thống thạch nhũ kỳ ảo và tráng lệ nhất - Hang nước dài nhất.

 Cửa động Phong Nha – Ảnh: nguồn netdepviet.org

Cửa động Phong Nha – Ảnh: nguồn netdepviet.org

Thực tế không phải đợi đến những phát hiện của các nhà thám hiểm, vẻ đẹp Phong Nha cũng đã được người Việt biết đến từ khá sớm. Năm 1824, vua Minh Mạng đã gia phong cho vị thần tiên được người dân địa phương thờ cúng trong động Phong Nha là “Ứng Diệu chi thần” và khi đúc Cửu đỉnh vào những năm 1835 - 1837, trong số 153 cảnh vật biểu trưng cho đất nước Việt Nam được vua Minh Mạng cho khắc chạm trên hông các đỉnh đồng, đã không thiếu hình ảnh động Phong Nha. Sách “Đại Nam nhất thống chí” thời Tự Đức có đoạn giới thiệu về động Phong Nha: “Động Thầy Tiên cách huyện Bố Trạch 40 dặm về phía Tây, lại có tên là động Núi Thầy…”. Ngày 2-7-2003 trong kỳ hội nghị lần thứ 27 tổ chức tại Paris, UNESCO đã công nhận quần thể hang động Phong Nha - Kẻ Bàng là “Di sản thiên nhiên thế giới”.

 Động Phong Nha – Ảnh: nguồn phuquoc.com

Động Phong Nha – Ảnh: nguồn phuquoc.com

Từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, với sự kết hợp của BCRA cùng các nhà khoa học địa chất thuộc khoa Địa lý trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, tấm màn bí mật của động Phong Nha cùng một vài hang động khác thuộc khối núi đá vôi Kẻ Bàng mới dần được vén lên qua ba đợt thám hiểm khảo sát. Theo các nhà nghiên cứu, hệ thống hang động Phong Nha có con sông ngầm chảy qua các hang Khe Ry, hang Thung, hang Chà Ang và động Phong Nha, có thể ăn thông với nhiều hang động khác với tổng chiều dài lên đến 44km. Cho đến nay người ta mới chỉ khám phá nhánh dài nhất là một phần của con sông ngầm Nậm Aki mà sông Son là phần lộ diện trên mặt đất, phần còn lại chui ngầm dưới đất đến tận vùng núi Pu-Pha-Đam cách Phong Nha 20km về phía Nam. Vào mùa nước lớn, khi nước sông Son dâng lên che khuất cửa hang thì động Phong Nha hoàn toàn chìm khuất trong làn nước.

 Nhũ đá lô nhô làm say đắm du khách – Ảnh: nguồn vatgia.com

Nhũ đá lô nhô làm say đắm du khách – Ảnh: nguồn vatgia.com

Trong đợt khảo sát lần thứ nhất (28.4.1990 – 01.5.1990), các nhà thám hiểm đã đi thuyền vào động được 1.500m thì gặp bãi đá ngầm tuyệt đẹp với những phiến đá bằng phẳng trên có nhiều hoa văn, đã đặt tên là động Bác Hồ. Vượt qua bãi đá ngầm và gặp lại dòng sông ngầm với nhiều ghềnh thác nhỏ, các nhà thám hiểm đã tiếp tục khảo sát thêm gần 2.000m, tức hơn 3.000m tính từ cửa động, đã đo đạc, vẽ và chụp được nhiều hình ảnh có giá trị. Đến đợt khảo sát thứ hai (18.3.1992 – 18.4.1992), các nhà thám hiểm vẫn kiên trì khảo sát dòng sông ngầm chảy trong lòng dãy Trường Sơn. Chính trong đợt khảo sát này, các nhà thám hiểm đã đo được chiều dài của động là 7.729m, nơi trần động cao nhất là 50m và độ sâu nhất của động là 83m.

Nhũ đá như bức màn đăng-ten – Ảnh: nguồn dulichvietnam.org.vn 

Nhũ đá như bức màn đăng-ten – Ảnh: nguồn dulichvietnam.org.vn

Đọc lại một đoạn trong nhật ký của đoàn thám hiểm cũng giúp cảm nhận được phần nào những nổi gian truân và niềm vui khám phá:“Chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước vẻ tráng lệ và đa dạng của thạch nhũ. Thật kỳ diệu, những cột thạch nhũ óng ánh như những rễ cây cổ thụ rũ xuống từ mái vòm của buồng thứ tư cao đến 40m. Ở vòm hang buồng thứ bảy, thạch nhũ ánh hồng phản chiếu qua luồng đèn pin yếu ớt như một bức màn đăng-ten vô cùng quyến rũ và cách đó khoảng 90m, chúng tôi nhận ra một con sư tử đá màu vàng do chính thiên nhiên tạo nên. Lúc này nhiệt kế dừng lại ở 17ºC nhưng gương mặt ai cũng lấm tấm mồ hôi vì căng thẳng. Chúng tôi đã dùng những thiết bị chuyên dùng để lặn qua hoặc vượt lên mép đá cheo leo, cao vút mà qua dòng sông ngầm này để tiếp tục tiến vào sâu hơn…”.

 Bến thuyền sông Son – Ảnh: nguồn phongnhacorp.com

Bến thuyền sông Son – Ảnh: nguồn phongnhacorp.com

Tham quan động Phong Nha, từ bến thuyền sông Son, con thuyền máy đưa khách ngược dòng chừng 4km để vào đến cửa động. Cuộc dịch chuyển trên sông mất chừng 30’ đủ để khách đắm say với trời đất, cám cảnh cùng mênh mang sông nước, mở rộng hồn với cảnh đẹp đôi bờ để rồi bất chợt thấy cửa động hiện ra thật nhỏ bé tưởng như phải chật vật lắm mới có thể đi vào được bên trong. Nhưng không, cửa động rộng đến 20m và cao chừng 10m rất thoải mái cho các dòng thuyền xuôi, ngược. Từ đây thuyền tắt máy, tháo mui và lái thuyền sẽ chèo thuyền lướt nhẹ trên dòng sông ngầm, đưa khách vào hành trình khám phá mê cung trong không khí mát lạnh đầy hào hứng. Qua chừng 600m thì đến chỗ cạn gọi là hang nước cạn hay hang Bi Ký, do có 97 chữ Chăm cổ được khắc trên vách đá vẫn còn nhìn rõ qua thời gian.

 Chữ Chăm cổ được khắc tại hang Bi Ký – Ảnh: T.T.D. (TTO – 12.03.2008)

Chữ Chăm cổ được khắc tại hang Bi Ký – Ảnh: T.T.D. (TTO – 12.03.2008)

Hang Bi Ký dài chừng 130m và rộng như một hội trường lớn, phía dưới được trải bằng một lớp thảm cát mịn màng, có lẽ do vậy mà hang Bi Ký còn được gọi là hang Hội Trường. Nơi đây nhiều khối thạch nhủ màu cẩm thạch với những hình dáng thật đẹp, có khối giống như những sợi tơ duyên nối liền Trời với Đất, khối khác lại giống như các thiên thần đang uốn lượn trong những điệu múa thần tiên, có khối tưởng như những giò phong lan từ trần động khẽ đung đưa trong gió…

 Hang Cung Đình – Ảnh: nguồn kynhongmientrung.blogspot.com

Hang Cung Đình – Ảnh: nguồn kynhongmientrung.blogspot.com

Rời hang Bi Ký, con thuyền xuôi nước đưa khách ghé thăm hang Tóc Tiên và hang Cung Đình là hai hang tiêu biểu của động Phong Nha với những vẻ đẹp chuẩn mực đến không ngờ. Tại hang Tóc Tiên, du khách nhìn thấy trên vách đá ẩn hiện những nàng tiên với mái tóc dài óng ả. Qua hang Cung Đình, du khách cảm giác như đang đi vào cung vua, phủ chúa với khối nhũ có hình chiếc ngai vàng được chạm trổ cực kỳ tinh xảo, hoặc đang thơ thẩn giữa vườn thượng uyển với những cột nhũ cao trên 20m như những trụ trời được thiên nhiên kỳ công kiến tạo, những chuỗi thạch nhũ giống hình phím đàn mà khi gõ nhẹ vào sẽ phát ra những âm điệu của đàn T’rưng trầm bỗng ngân vang…

 Nhũ đá muôn hình vạn trạng – Ảnh: nguồn hainamtravel.com

Nhũ đá muôn hình vạn trạng – Ảnh: nguồn hainamtravel.com

Ra khỏi động Phong Nha, du khách còn có thể ghé thăm động Tiên Sơn liền kề được ví như chốn “bồng lai tiên cảnh” ngay giữa chốn đời thường, gắn với Phong Nha như một địa danh kép và là biểu tượng của du lịch Quảng Bình. Đến Phong Nha, du khách còn có cơ hội làm quen với những người dân địa phương chân chất, thân thiện, không sẵn sàng nhìn khách đến như một cơ hội kiếm tiền – chính điều này đã trở thành nét son, như chính dòng sông Son đem lại niềm vui cho khách lãng du…

Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung