» Giới thiệu » Văn hóa - Lễ hội » Lễ hội

thu nhỏ | phóng to

05/12/2011

HỘI LIM TRÊN QUÊ HƯƠNG QUAN HỌ


Hàng năm đến hẹn lại lên, làng Lim nhóm hội từ 11 – 13 tháng Giêng âm lịch thu hút khá đông trai gái quanh vùng về đây chơi xuân. Điểm hấp dẫn của hội Lim và cũng được nhiều người nóng lòng chờ đợi nhất là các tiết mục Quan họ, một loại hình dân ca đã được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 30-9-2009.

Theo truyền tụng, hội Lim đã có từ lâu đời và ngay từ thế kỷ 18 đã trở thành hội vùng của các làng thuộc tổng Nội Duệ. Do hoàn cảnh chiến tranh trước đây, hội Lim đã bị lãng quên trong một thời gian dài, mãi đến năm 1989 mới được phục dựng lại theo quy mô vùng.

Nhà thủy đình

 Nhà thủy đình đã được tu bổ với chiếc cầu bắc qua – Ảnh: nguồn doanhnghiepxanhvebiathietke.blogspot.com

Nguyên quan trấn thủ Thanh Hóa là Nguyễn Đình Diễn, người thôn Đình Cả, có nhiều công lao với triều đình và được phong thưởng nhiều bỗng lộc, ông đã nghĩ đến việc cung hiến nhiều điền sản và tiền của cho tổng Nội Duệ trùng tu đình chùa, phát triển hội hè và bảo vệ thuần phong mỹ tục. Ông cũng đã cho xây trước phần mộ của mình trên đồi Lim và đặt tên là lăng Hồng Vân. Về sau còn có Bà Mụ Á, cũng là người tu hành và trụ trì tại một am nhỏ, đã bỏ tiền mua nữa quả núi Hồng Ân để dành đất xây dựng chùa, lập vườn chùa và đặt ruộng, tiền để sáu xã làm hương hỏa cho chùa. Để tưởng nhớ những người đã có công với cộng đồng, dân làng nơi đây đã tổ chức lễ hội hàng năm vào ngày 13 tháng Giêng.

Nghi thức truyền thống tại hội Lim

Nghi lễ truyền thống tại hội Lim – Ảnh: nguồn vietnam-tourism.com

Hội Lim được tổ chức trong một không gian rộng lớn gồm khu vực đồi Lim, đình Lim và tỏa lan khắp các thôn làng thuộc tổng Nội Duệ xưa, với phần lễ được tổ chức tại hai nơi cùng phần hội góp mặt nhiều trò vui. Ngay từ 8 giờ sáng ngày khai hội, các làng Quan họ được bố trí thành hai đoàn rước, một tiến vào đồi Lim tại khu vực trước lăng Hồng Vân là trung tâm của lễ hội và một tập kết tại đình Lim, nơi sẽ diễn ra nhiều hoạt động giàu bản sắc của hội Lim. Được chú ý và chờ đợi nhất vẫn là lễ rước và dâng hương hoa tế lễ tưởng nhớ tướng công Nguyễn Đình Diễn, người đã có công khai sinh ra lễ hội vùng Lim. Trong rộn ràng tiếng chiêng, trống cùng rực rỡ sắc màu của kiệu hoa, cờ lọng cùng những trang phục truyền thống, dòng người như một vệt dài dịch chuyển, nổi bật giữa màu xanh của cánh đồng tạo nên một hình ảnh đặc trưng sinh động.

Hát Quan họ tại hội Lim

 Hát Quan họ tại hội Lim – Ảnh: nguồn vntrip.vn

Đáng tiếc là qua thời gian, do không được giới thiệu đầy đủ về ý nghĩa của các nghi lễ, nhiều người thậm chí cả những người sống tại làng Lim cũng không hiểu rõ ngọn nguồn lịch sử của lễ hội, nên đã đánh mất đi phần nào những giá trị giáo dục truyền thống rất đáng trân trọng.

 Du khách nô nức trẩy hội

Du khách nô nức trẩy hội Lim – Ảnh: nguồn nguoiviet4phuong.com

Tham dự hội Lim, du khách không chỉ gặp lại các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mà còn được hòa mình vào những câu hát quan họ đặc sắc, thiết tha. Các “liền anh” tề chỉnh với áo lương, quần trắng, khăn nhiễu Tam Giang, tay cắp ô lục soạn đang khi các “liền chị” súng sính trong bộ áo mớ ba, khăn vuông mỏ quạ, khuyên vàng, xà tích, nón thúng quai thao… Quan họ hát trong làng, ngoài hội, hát trước cửa chùa… nhưng tập trung nhất là đồi Lim và dòng sông Tiêu Tương trước mặt. Từng đôi trổ tài hát giao duyên với đủ các làn điệu Quan họ khác nhau, những canh Quan họ thâu đêm suốt sáng với những tâm tình được thể hiện bằng những lời đối đáp tình tứ, có vần có điệu, sâu lắng nồng nàn khiến khách trẩy hội cứ mê mẫn, ngẩn ngơ… 

 Hát Quan họ trên thuyền

Hát Quan họ trên thuyền – Ảnh: nguồn vov1.vov.vn

Càng gần đến phút chia tay thì tiếng hát như càng đắm say lưu luyến, càng bịn rịn thiết tha: “Hôm nay sum họp trúc mai, tình trong một khắc nghĩa dài trăm năm”, để rồi khi phút chia ly đến:“Người về em dặn đây này, sông sâu chớ lội, đò đầy đừng qua”, và phải chăng là một quyết định sốc nổi nhưng cũng đầy tình tứ:“Người ơi, người ở đừng về…”. Nhưng làm sao mà “đừng về” khi hội Xuân đã vãn, cuộc vui đã tàn, thôi đành bâng khuâng“giã bạn”, với mong mỏi“Người về đến hẹn lại lên…” .

 Hát giao duyên “người ơi, người ở đừng về” – Ảnh: Xuân Thắng (VnExpress – 8.2.2009)

Hát giao duyên “người ơi, người ở đừng về” – Ảnh: Xuân Thắng (VnExpress – 8.2.2009)

Nhiều khách sành điệu yêu mến Quan họ và đã quá quen thuộc với hội Lim đã chọn tránh xa không gian sôi động ồn ào của lễ hội, để tìm đến với các gia đình ở các thôn Duệ Đông, Lũng Sơn, Lũng Giang. Tại đây khách sẽ được xem các nghệ nhân biểu diễn trong một không gian cô động và giàu truyền thống Quan họ hơn, sẽ dễ dàng cảm nhận trọn vẹn dòng nghệ thuật dân gian độc đáo được tôn vinh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trải bao thăng trầm của lịch sử, Quan họ ngày nay đã khẳng định được giá trị truyền thống và được ghi nhận trên bình diện quốc tế, mong rằng những giá trị này sẽ được trân trọng bảo tồn để lễ hội Lim mãi là điểm hẹn mùa Xuân đầy ấn tượng trong lòng bạn bè khắp bốn phương…

Mai Kim Thành     

Danh mục nội dung